Multimedia Đọc Báo in

Bệnh cúm A/H5N1 lại xuất hiện: Không được xem thường

17:25, 21/04/2013

Cùng với bệnh cúm A/H7N9 bùng phát mạnh ở Trung Quốc với tỷ lệ tử vong cao thì mới đây, ở nước ta cúm A/H5N1 lại xuất hiện ở Đồng Tháp và đã có trẻ tử vong.  Đây là 2 bệnh cúm có khả năng lây sang người và gây biến chứng rất nguy hiểm, vì vậy hơn bao giờ hết, người dân cần đặc biệt cảnh giác và không nên xem thường. 

Trong các phân nhóm của cúm gà thì vi rút cúm A/H5N1 có khả năng gây nhiễm rất cao. Vi rút cúm A/H5N1 lây lan khắp thế giới là do chúng có khả năng ký sinh ở nước bọt, dịch mũi, phân và trong các tế bào niêm mạc ruột non của một số loài chim di cư. Những con chim khác bị lây nhiễm có thể tiếp xúc trực tiếp hoặc tiếp xúc với môi trường có bị nhiễm các loại chất thải từ chim mang vi rút cúm A/H5N1. Những vi rút này có thể gây đột biến gen mạnh và trở thành những chủng vi rút có độc tính rất cao. Do khả năng lây lan nhanh của vi rút cúm gà trong các loài gia cầm, thủy cầm, chim và do ở nước ta là một trong các nước có lượng gia cầm, thủy cầm rất lớn. Thêm vào đó, đường biên giới giáp với Campuchia, nơi đã và đang có dịch cúm A/H5N1 bùng phát mạnh, vì vậy nguy cơ người bị mắc bệnh cúm A/H5N1 rất có khả năng xảy ra.

Ảnh minh họa
Để phòng bệnh cúm A/H5N1, không nên sử dụng thịt gia cầm bị bệnh.  Ảnh minh họa

Khi bị bệnh cúm gà, bao giờ người bệnh cũng sốt cao đột ngột, liên tục (trên 38 độ), đau đầu và kèm theo đau nhức các cơ, ho khan, đau rát họng, chảy nước mũi (các triệu chứng này rất dễ nhầm với bệnh viêm họng cấp) hoặc kèm theo viêm kết mạc (đây là một triệu chứng mà ít khi xảy ra ở các loại vi rút cúm khác) hoặc viêm phế quản cấp tính ngay từ đầu. Đặc biệt, khi bị viêm phổi do vi rút cúm gà, người bệnh sẽ đau tức ngực dữ dội và khó thở. Khi bệnh đã nặng thường xuất hiện tím tái do suy hô hấp nặng, mệt mỏi nhiều và bắt đầu rối loạn ý thức. Ngoài ra, người bệnh cũng có thể bị rối loạn tiêu hóa. Nếu không phát hiện sớm và chữa trị tích cực, kịp thời thì rất nguy hiểm đến tính mạng người bệnh. Mặc dù chưa biết rõ vi rút cúm gà truyền bệnh cho người như thế nào nhưng người ta cũng cho biết rằng mức độ nguy hiểm của bệnh còn tùy thuộc vào khả năng chống đỡ của từng cơ thể (khả năng miễn dịch) và tiền sử về mức độ tiếp xúc với vi rút (liên quan đến số lượng và độc lực của vi rút ).

Do đó, để phòng bệnh, cần tích cực phòng chống bệnh cho các loại gia cầm, thủy cầm, chim cảnh bằng cách tiêm vắc xin. Đối với người sống trong vùng có dịch cúm gà, cần thực hiện vệ sinh cá nhân như rửa tay sạch bằng xà phòng sau khi tiếp xúc hoặc chăn nuôi gia cầm, thủy cầm, chim cảnh và ăn uống hợp vệ sinh. Cần rửa tay sạch bằng xà phòng sau khi giết mổ, phân phối, chế biến thịt gia cầm, thủy cầm. Mọi thành viên trong gia đình, học sinh ở các lớp học mẫu giáo, lớp học bán trú cần có thói quen rửa tay sạch bằng xà phòng trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh. Những người làm công tác chăn nuôi cần có bảo hộ tốt như đi ủng, đi găng tay và miệng, mũi phải có khẩu trang đạt tiêu chuẩn. Những loại dụng cụ dùng trong giết mổ, phân phối thịt gia cầm, thủy cầm cần được sát khuẩn bằng cách luộc bằng nước sôi. Không dùng các dụng cụ chế biến thực phẩm (dao, thớt) tươi sống chung với thực phẩm chín. Tuyệt đối không ăn các loại thực phẩm sống hoặc chưa nấu chín (tiết canh, nem chua, nem chạo, gỏi...). Đặc biệt, người đang sống trong vùng có dịch cúm gà khi có dấu hiệu sốt cao, đau họng, ho khan, tức ngực cần đến cơ sở y tế để được khám bệnh không được chủ quan, chần chừ.   

K.O (nguồn website Bộ Y tế)
 


Ý kiến bạn đọc