Multimedia Đọc Báo in

Tích cực phòng chống bệnh tay chân miệng

17:04, 20/04/2013

Theo dự đoán của những chuyên gia về bệnh truyền nhiễm, bệnh tay chân miệng (TCM) đã bắt đầu có xu hướng gia tăng vì bệnh diễn biến theo mùa, nhất là vào tháng 4 và tháng 9 hàng năm. Do đó, cần tích cực triển khai công tác phòng chống dịch bệnh TCM cho cộng đồng.

Theo Cục Y tế dự phòng, trong năm 2012 bệnh TCM là một trong 10 dịch bệnh có số mắc rất cao với hơn 157.600 trường hợp, chỉ đứng sau tiêu chảy. Bên cạnh đó, TCM lại là một trong 10 dịch bệnh có số tử vong cao nhất tại Việt Nam với 45 trường hợp, đứng hàng thứ ba sau bệnh dại và bệnh sốt xuất huyết. Bệnh TCM ở nước ta chủ yếu là do chủng EV71, chiếm gần 60% số trường hợp mắc bệnh. Nhiễm chủng virút này bệnh nhân dễ xảy ra các biến chứng nặng dẫn đến tử vong. Thống kê cho thấy, số trường hợp tử vong chủ yếu là do EV/71 gây ra, phổ biến nhất là nhóm trẻ dưới 3 tuổi (chiếm 75 - 86% trong 3 năm qua). Riêng đầu năm 2013, cả 4 trường hợp tử vong đều do EV71. Thách thức lớn nhất hiện nay đối với giới chuyên môn là vẫn chưa xác định chính xác về độc tính của chủng EV71, về sự tương quan giữa chủng E71 với bệnh.

Những triệu chứng thường gặp của TCM là phát ban hoặc bóng nước ở lòng bàn tay, bàn chân; sốt cao, giật mình, run chi; thời gian chuyển nặng thường vào ngày thứ ba, thứ tư kể từ khi mắc bệnh. Các biến chứng thường gặp là viêm não, màng não, viêm cơ tim, phù phổi cấp. Khoảng 90 - 95% số trẻ mắc bệnh TCM sẽ tự khỏi, với bệnh TCM ở thể nhẹ, cha mẹ nên chăm sóc trẻ đúng cách tại nhà theo hướng dẫn của bác sĩ, khi trẻ có biểu hiện sốt cao từ 39 - 40oC không hạ sau khi tích cực hạ sốt và lau mát, trẻ nôn ói nhiều, quấy khóc liên tục, ăn ngủ kém, ngủ hay giật mình, đi đứng loạng choạng, thở nhanh, thở mệt… thì phụ huynh nên khẩn trương đưa trẻ đến các cơ sở y tế để được khám và điều trị.

Hướng dẫn trẻ rửa tay sạch đúng cách là một trong những biện pháp phòng bệnh TCM hiệu quả nhất. Ảnh: K.O
Hướng dẫn trẻ rửa tay sạch đúng cách là một trong những biện pháp phòng bệnh TCM hiệu quả nhất. Ảnh: K.O

Một con số thống kê đáng báo động từ Cục Y tế Dự phòng cho biết có gần 40% số người dân hiểu sai về bệnh TCM. Đặc biệt hơn, có khoảng 23% số người dân không biết các biện pháp phòng bệnh, đây có thể là nguyên nhân làm cho bệnh TCM dễ lây lan trong cộng đồng, nhất là đối tượng trẻ em. 

Kinh nghiệm điều trị trong nhiều năm qua tại Bệnh viện Nhi Trung ương cho thấy, nếu như trước đây triệu chứng bệnh thường biểu hiện rõ là những mụn nước, bọng nước ở lòng bàn tay, bàn chân và niêm mạc miệng thì hiện nay nhiều trẻ bị bệnh không bộc lộ rõ triệu chứng, thậm chí khi xét nghiệm mới phát hiện trẻ mắc bệnh TCM. Nhiều trường hợp virút gây bệnh đã tấn công vào não bộ, hoặc virút đã gây biến chứng tại các cơ quan như hô hấp, tuần hoàn nhưng vẫn không có biểu hiện đặc trưng của bệnh. Do đó, khi phát hiện trẻ có những biểu hiện nghi ngờ: xuất hiện hồng ban dạng sẩn hoặc bóng nước ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, hoặc vùng mông, gối; loét miệng làm cho trẻ không chịu ăn, không chịu bú, chảy nước miếng liên tục… phụ huynh nên khẩn trương đưa trẻ đi khám bác sĩ để trẻ được chữa trị kịp thời.

Trong thời gian tới, để phòng chống bệnh TCM hiệu quả hơn cần có sự chung tay của mọi gia đình và toàn xã hội với nhiều hoạt động thiết thực như khuyến khích mọi người nâng cao ý thức giữ gìn vệ sinh cá nhân, vệ sinh ăn uống và vệ sinh môi trường sống nhằm làm giảm tình trạng mắc bệnh một cách đáng kể. Tích cực đẩy mạnh công tác truyền thông về phương pháp phòng chống cho các đối tượng là các bà mẹ, hộ gia đình có trẻ dưới 3 tuổi, giáo viên các trường học, nhà trẻ mẫu giáo, nhóm trẻ gia đình và lãnh đạo chính quyền địa phương.

K.O (nguồn SK&ĐS)
 


Ý kiến bạn đọc