Nguyên nhân hiện tượng “mùi ở người già”
“Mùi ở người già” (Old- person smell) là chủ đề một nghiên cứu chuyên sâu do các chuyên gia Trung tâm Chăm sóc người cao tuổi Half Moon Bay, California (Mỹ) thực hiện. Theo nghiên cứu, những nguyên nhân dưới đây được xem là "thủ phạm" chính gây ra hội chứng "mùi ở người già".
Sống trong môi trường khép kín
Người già thường sống trong môi trường khép kín, cửa sổ đóng im ỉm, tối tăm, rèm che kín, màn chăn không gấp, tạo ra không khí ngột ngạt bởi người già thường mất khả năng kiểm soát nhiệt độ, thậm chí nhiều người còn sợ lạnh, sợ gió lùa nên cho rằng tốt nhất là tự bảo vệ. Sự khép kín này lâu ngày sẽ gây bất lợi: tạo ra thứ mùi đặc biệt, khuẩn mốc phát triển, gây khó thở và nhiều căn bệnh khác. Vì vậy, mọi người nên quan tâm đến môi trường sống của người già, tạo không gian thoáng mát, ấm về mùa đông, mát về mùa hè để hạn chế mùi gây khó chịu.
Mất khả năng vệ sinh
Người già thường có sức khỏe yếu, không có khả năng giữ vệ sinh cho bản thân nên lâu ngày tạo ra mùi lạ, nhưng chính người trong cuộc lại không nhận biết. Do ít vệ sinh, nên các tế bào cơ thể già cỗi tích lại trên da, cùng với các yếu tố khác làm cho cơ thể phát mùi.
Ngại giặt giũ quần áo
Người già thường sử dụng trang phục lâu hơn những người trẻ tuổi, ngại thay đồ, không muốn phiền hà người khác và đây chính là nguyên nhân làm cho cơ thể phát mùi. Việc ngại giặt giũ quần áo ở người già còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như: sức khỏe, kinh tế, khả năng chăm sóc bản thân, sự quan tâm của người thân, của cộng đồng và điều kiện kinh tế của chính người trong cuộc.
Suy giảm khả năng cảm nhận mùi vị
Khi tuổi cao, sức khỏe giảm thì khả năng cảm nhận mùi vị của người già bắt đầu giảm theo. Ví dụ, người 75 tuổi không thể thính mùi bằng người 25 tuổi, chính vì vậy người già họ cứ "vô tư" sống chung với các loại mùi “bất nhã”.
Do sức khỏe răng lợi kém
Khi tuổi cao, mô miệng sản xuất nước bọt giảm mạnh về số lượng, gây khô miệng và làm gia tăng bệnh răng lợi; ngoài ra hiện tượng ngáy khi ngủ cũng là nguyên nhân gây khô miệng, đẩy nhanh tiến trình suy giảm mô và dẫn đến mắc bệnh răng lợi. Bên cạnh đó do thói quen vệ sinh răng lợi không thực hiện tốt nên phát ra nhiều thứ bệnh nan y. Riêng nhóm người mắc bệnh tiểu đường còn mắc thêm bệnh hơi thở có mùi xeton (Ketone breath), đây là mùi do quá trình chuyển hóa trong dạ dày tạo nên. Một số căn bệnh như: bệnh hồi lưu dạ dày - thực quản ( hay bệnh GERD) cũng rất phổ biến ở người già làm cho hơi thở có mùi, làm tăng hội chứng "mùi ở người già".
Khát nước
Không được cung cấp đủ nước cũng là nguyên nhân làm gia tăng "mùi ở người già". Khi tuổi cao, tuyến yên bắt đầu giảm (đây là cơ chế truyền đưa tín hiệu giúp cơ thể biết khi nào thì khát) nên người trong cuộc không biết để uống nước, vì vậy mà trong thực tế người già rất ít uống nước do không thấy khát. Ngoài ra còn có lý do chủ quan là ngại đi tiểu, kể cả ban đêm lẫn ban ngày nên người cao tuổi tiết kiệm hoặc hạn chế uống nước. Hậu quả khi cơ thể thiếu nước sẽ phát sinh nhiều rối loạn, làm cho da nhăn nheo, suy giảm trí nhớ, tạo mùi cho cơ thể, nước tiểu đậm đặc... Đây cũng chính là những yếu tố làm tăng "mùi ở người già".
Ngại tắm
Một trong những nguyên nhân gây mùi là do ít tắm, kể cả người trẻ lẫn nhóm người già. Riêng nhóm người cao tuổi do ít vận động nên họ cho rằng sạch sẽ, không cần phải tắm giặt liên tục, nhưng cũng có một lý do khác nữa là do "sợ" tắm gội nên lâu ngày cơ thể dễ phát mùi.
Do thuốc chữa bệnh
Một trong những nguyên nhân gia tăng mùi ở người già là do dùng thuốc chữa bệnh quá nhiều, các hóa chất có trong thuốc kết hợp với những mùi do chính người trong cuộc tạo ra sẽ tạo nên một mớ hỗn độn các loại mùi đặc biệt. Theo nghiên cứu, những loại thuốc có chứa hóa chất lưu huỳnh, methanol là nhóm thuốc dễ gây mùi nhất, nó thoát qua lỗ chân lông, qua mồ hôi, hoặc trực tiếp qua hơi thở.
Làm vệ sinh cá nhân qua loa
Đa số người già chỉ làm vệ sinh cá nhân một cách qua loa cho xong chuyện nên mọi thứ không sạch được. Khi cơ thể ướt và không làm sạch triệt để thì mùi cơ thể lại phát triển mạnh hơn.
* Một số bí quyết làm giảm mùi ở người già
Để giảm thiểu mùi vị không mong muốn cho nhóm người cao tuổi thì trước tiên phải biết kết hợp hài hòa giữa nỗ lực của người trong cuộc với những người làm công việc chăm sóc người già (có thể là con cháu, người thân hay nhân viên trong các cơ sở chăm sóc dưỡng lão). Tạo ra cho người già một môi trường, không gian sống hợp lý, thoáng khí, có đủ các công trình vệ sinh và thuận tiện cho người già khi đi vệ sinh, nhất là vào ban đêm. Do sức khỏe hạn chế nên người già cần đến sự giúp đỡ tận tình của những người xung quanh, nhất là những công việc họ không làm được, như vệ sinh, ăn uống, tắm giặt, khám bệnh, dùng thuốc...
Đối với những người trong cuộc cần phải cố gắng, tự mình làm lấy những công việc mà người khác không giúp được. Nên ăn uống cân bằng, khoa học đủ chất, uống nhiều nước, duy trì cuộc sống vận động, cố gắng giữ gìn vệ sinh sạch sẽ, không nên cho rằng già rồi mà bỏ mặc hoặc ỷ lại vào những người xung quanh. Luôn luôn duy trì suy nghĩ tích cực, bởi mọi việc làm của bản thân đếu có ảnh hưởng đến xung quanh và ngược lại. Tất cả những điều này nếu làm tốt sẽ làm tăng sức khỏe cho chính người trong cuộc, giúp người già lạc quan yêu đời, kéo dài tuổi thọ và làm cho cuộc sống có thêm nhiều ý nghĩa.
Khắc Nam (Theo CC-9/2013)
Ý kiến bạn đọc