Những khái niệm cơ bản phụ nữ cần biết về ung thư vú
Một trong những trăn trở lớn nhất của phụ nữ là nguy cơ mắc bệnh ung thư vú. Để giúp chị em phụ nữ có thêm kiến thức, Hiệp hội Ung thư Mỹ (ACS) vừa giới thiệu một số khái niệm cơ bản và giải pháp phòng tránh để tham khảo, áp dụng.
1. Có bao nhiêu loại ung thư vú?
Ung thư vú thường được phân thành hai nhóm chính là ung thư xâm lấn và không xâm lấn. Bác sĩ sẽ xác định một trong hai loại bệnh này để đưa ra phác đồ điều trị cụ thể.
- Ung thư xâm lấn (xâm nhập): Là thể ung thư trong đó tế bào ung thư "vượt" rào cản mô vú bình thường và lan tỏa ra các phần khác của cơ thể thông qua các hạch bạch huyết và máu.
- Ung thư không xâm lấn (tại chỗ): Các tế bào ung thư tồn tại cục bộ ngay trong bầu vú, không lây lan sang các mô xung quanh hoặc sang tiểu thùy hay ống dẫn.
2. Ung thư vú và mức độ nguy hiểm
Đây là dạng ung thư phổ biến nhất ở phụ nữ hiện nay và cũng là nguyên nhân thứ hai gây tử vong cao ở phụ nữ.
3. Các yếu tố nguy cơ tiềm ẩn gây bệnh
Mặc dù nguyên nhân gây bệnh ung thư vú chưa được hiểu hết, và lý do gây bệnh ở mỗi người khác nhau, song theo các chuyên gia thì các yếu tố sau được xem là phổ biến:
- Giới tính: Tuy đàn ông cũng có thể mắc bệnh ung thư vú, nhưng rủi ro ở phụ nữ lớn hơn nhiều. Theo ACS, tỷ lệ mắc bệnh ung thư vú ở phụ nữ cao gấp 100 lần so với ở nam giới. Lý do, hàm lượng hai loại hormone là estrogen và progesterone trong cơ thể phụ nữ cao hơn ở đàn ông, đây chính là "chất xúc tác" thúc đẩy tế bào ung thư vú tăng trưởng.
- Yếu tố tuổi tác: Nguy cơ phát triển ung thư vú ở phụ nữ gia tăng theo tỷ lệ thuận với tuổi tác. Phụ nữ trên 55 tuổi chiếm 2/3 trường hợp mắc bệnh ung thư vú xâm lấn, trong khi đó tỷ lệ này ở nhóm dưới 45 tuổi là 1/8.
- Tiền sử gia đình: Những phụ nữ có quan hệ huyết thống gần gũi với các thành viên trong gia đình mắc bệnh thì khả năng lâm bệnh rất tiềm ẩn, tuy nhiên trong thực tế lại có hơn 85% ca ung thư vú ở phụ nữ không hề có tiền sử.
- Do di truyền: Khiếm khuyết gen, hoặc đột biến gen, hay kế thừa các gen khuyết tật, đột biến từ cha mẹ chiếm từ 5-10 % các trường hợp ung thư vú. Phổ biến nhất trong số này là đột biến ở các gen BRCA1 hoặc BRCA2 làm ức chế chức năng bảo vệ tế bào. Khi các gen này bị đột biến, chức năng bảo vệ tế bào bị triệt tiêu nên tế bào ung thư phát triển. Trung bình, nguy cơ bị đột biến gen BRCA1 là 55-65 %, thậm chí có thể cao đến 80% còn ở gen BRCA2 là 45%.
- Thói quen lạm dụng rượu: Rượu là đồ uống quen thuộc đối với con người, nhưng việc lạm dụng rượu là một trong những mặt trái gây bệnh. Nếu phụ nữ duy trì thói quen này thì nguy cơ ung thư vú sẽ tăng cho dù phần trăm tiến triển rất nhỏ. Phụ nữ dùng 2-5 ly mỗi ngày có nguy cơ bị ung thư vú cao gấp 1,5 lần so với người không uống rượu, thậm chí còn gia tăng nhiều loại bệnh nan y khác.
Ngoài các yếu tố trên, còn phải kể đến các nguyên nhân khác như có kinh lần đầu trước tuổi 12, mang thai lần đầu sau tuổi 30 hoặc không bao giờ mang thai, sinh con hoặc những người có lối sống tĩnh tại, ít vận động, nhóm sử dụng liệu pháp thay thế hormone (HRT) sau mãn kinh.
4. Dấu hiệu và triệu chứng
Triệu chứng phổ biến nhất của ung thư vú là có khối u trong bầu vú. Các triệu chứng khác bao gồm sưng toàn bộ hay một phần bầu vú (đôi khi lại không có khối u rõ ràng); đau vú hoặc núm vú, kích ứng hoặc đau da; núm vú có vảy, tấy đỏ hoặc dày lên hay da vú căng; đầu vú tiết dịch nhưng không phải sữa, núm vú co rút... Do vậy khi thấy bất cứ một sự thay đổi bất thường nào liên quan đến vú, phụ nữ nên đi khám bác sĩ. Mọi người có thể tự khám vú hằng tháng để phát hiện những hiện tượng bất thường bởi hầu hết những ca phát hiện ra bệnh đều do người trong cuộc tìm thấy trước tiên.
5.Tầm quan trọng của phát hiện sớm ung thư vú
Theo ACS, nhờ tiến bộ khoa học, cuối thập niên 80 ở thế kỷ trước, tỷ lệ phụ nữ bị ung thư vú ở độ tuổi dưới 50 đã và đang giảm đáng kể. Sở dĩ có được những tiến bộ này là do nhận thức của cộng đồng cũng như các kỹ thuật mới trong khám và điều trị. Theo các chuyên gia, phát hiện sớm và can thiệp kịp thời sẽ mang lại lợi ích thiết thực; kỹ thuật sàng lọc ung thư, như chụp quang tuyến vú được xem là thủ thuật hữu ích nhất. Vì vậy phụ nữ trên 40 tuổi mỗi năm nên đi chụp nhũ ảnh một lần, nhóm trên 50 tuổi nên đi khám vú với tần suất 3 năm/lần kể cả khi đã mãn kinh. Tốt nhất, nên khám vú vào sau kỳ kinh nguyệt, vì lúc đó vú mềm dễ phát hiện và có độ chính xác cao hơn.
Duy Hùng (Theo LD- 4/2014)
Ý kiến bạn đọc