Dinh dưỡng cho người bệnh tiểu đường
Đái tháo đường (hay tiểu đường) là bệnh rối loạn chuyển hóa chất bột đường gây tăng đường huyết mạn tính do hậu quả của sự thiếu hụt hoặc giảm hoạt động insulin hoặc kết hợp cả hai. Ngoài việc dùng thuốc đều đặn, người bệnh tiểu đường cần có chế độ dinh dưỡng hợp lý cũng như vận động vừa sức để đảm bảo sức khỏe.
Theo các chuyên gia dinh dưỡng, thực đơn dành cho người mắc bệnh tiểu đường vẫn rất đa dạng và phong phú với các nhóm chất như tinh bột: có thể thay thế cơm bằng bún, bánh phở, bánh canh, bánh cuốn; nhóm đạm gồm: thịt nạc bỏ da, cá, hải sản, đạm thực vật có trong đậu, nấm…; nhóm chất béo cần tránh mỡ động vật và nên chọn dầu thực vật như vừng, nành, gấc…; ăn nhiều các loại rau cải, rau đậu để tăng lượng xơ và cung cấp đủ vitamin, khoáng chất. Đối với trái cây, nên chọn những loại trái cây ít ngọt như cam, quýt, bưởi, mận, dứa…
Người bệnh tiểu đường nên chia thành nhiều bữa ăn nhỏ trong ngày, trong đó, có 3 bữa chính là sáng, trưa, chiều và các bữa phụ gồm giữa sáng, xế trưa và buổi tối. Mỗi thực đơn cung cấp mức năng lượng khác nhau sẽ phù hợp với cân nặng và chiều cao của từng người bệnh, thí dụ như: thực đơn cung cấp năng lượng 1.200 kcal/ngày/người, vào các bữa phụ, người bệnh chỉ nên ăn một lượng vừa phải, chủ yếu là trái cây, như: đu đủ chín khoảng 200g, lê khoảng 150g, sữa dành cho người bị tiểu đường 27g (124ml). Các bữa chính nên ăn đầy đủ các nhóm chất với số lượng hạn chế, ví dụ: Cơm khoảng ¾ chén, chả cá kho viên là 3 viên, canh bắp cải thịt heo bằng 1 chén, su su luộc 130g.
Cùng với chế độ dinh dưỡng hợp lý, người bệnh tiểu đường cần tuân thủ uống thuốc theo chỉ định của bác sĩ và có chế độ nghỉ ngơi, luyện tập phù hợp để duy trì cân nặng và kiểm soát tốt đường huyết, đảm bảo chất lượng cuộc sống.
Bác sĩ Lê Nguyên Cương – Khoa Nội tổng quát (Bệnh viện Đa khoa tỉnh) cho biết: 3 yếu tố có vai trò quan trọng đối với người bệnh tiểu đường là dùng thuốc, dinh dưỡng và tập thể dục hợp lý. Ở giai đoạn đầu, người bệnh tiểu đường không cần dùng thuốc mà chỉ cần có chế độ dinh dưỡng hợp lý thì có thể kiểm soát được đường huyết. Trong thực đơn, người bệnh tiểu đường có thể ăn tất cả các loại thực phẩm nhưng nên hạn chế các loại thực phẩm có đường như: bánh, kẹo, nước ngọt, các loại trái cây quá ngọt như nho, chuối, sầu riêng, cần tránh ăn mỡ động vật…; nên ăn nhiều rau xanh và trái cây thay cho lượng tinh bột như cơm, ngô, khoai… Người bệnh tiểu đường cũng cần lưu ý không nên quá kiêng khem trong ăn uống vì họ vẫn cần năng lượng để đáp ứng nhu cầu vận động của cơ thể. Nếu quá kiêng khem người bệnh dễ bị hạ đường huyết, ảnh hưởng đến sức khỏe và có thể dẫn đến tử vong nếu không được cấp cứu kịp thời. Người bệnh nên dự phòng hạ đường huyết bằng việc mang theo bên mình một lon nước ngọt để sử dụng khi cần thiết.
Hương Xuân
Ý kiến bạn đọc