Multimedia Đọc Báo in

Khàn tiếng - triệu chứng không nên xem thường

10:23, 01/04/2015
Bỗng dưng tiếng nói bị khàn, nhiều người nghĩ có lẽ bị viêm họng vài ngày rồi sẽ khỏi. Tuy nhiên, đó có thể là dấu hiệu một số bệnh họng, dây thanh, thậm chí là ung thư.

Với những người làm công việc phải nói nhiều như giáo viên, phát thanh viên, ca sĩ, bán hàng… hoặc trẻ nhỏ hay la hét, chơi đùa… dây thanh có lúc bị căng quá mức. Niêm mạc của hai dây thanh va chạm nhiều, gây sung huyết phù nề, từ đó tạo thành u lành tính như hạt xơ dây thanh, u nang, polyp dây thanh…làm khàn tiếng.

Khi bị viêm mũi, viêm VA (VA là tổ chức lymphô nằm ở vòm mũi họng thuộc vòng bạch huyết Waldayer), dịch mũi sẽ chảy xuống, làm viêm thanh quản cũng gây khàn tiếng. Những người bị axit ở dạ dày trào ngược lên làm hai dây thanh phù nề, lâu ngày cũng diễn tiến thành viêm dây thanh, phù nề niêm mạc. Những người nghiện rượu, thuốc lá, sống ở môi trường ô nhiễm; mắc một số bệnh viêm xoang, viêm mũi, nhiễm trùng đường hô hấp trên, mất tính đàn hồi của dây thanh do tuổi tác… cũng dễ bị khàn tiếng. Ngoài ra, gần đây còn nhiều bệnh nhân bị liệt thanh quản do chấn thương sọ não, tổn thương vùng cổ, sau các phẫu thuật mổ tuyến giáp, phẫu thuật ở cổ, phổi trung thất, sọ não, hay do một số bệnh lý u, ung thư từ cổ đến phổi...

Ở trẻ nhỏ, nếu khàn tiếng do la hét quá nhiều thì sau vài ngày hạn chế nói, la hét, bệnh sẽ tự hết. Nhưng cũng có trường hợp la hét quá nhiều, quá to, gây tụ máu dây thanh, dẫn đến viêm thanh quản cấp, nếu không được chữa trị kịp thời, sẽ gây phù thanh quản cấp, gây khó thở, thiếu oxy não, chậm trễ có thể gây tử vong. Nếu bị khàn tiếng do các bệnh nội khoa như trào ngược dạ dày thực quản, bệnh mũi xoang, viêm họng, VA, cần điều trị nguyên nhân gây bệnh thì khàn tiếng sẽ giảm.

Trường hợp khàn tiếng do u lành tính, hạt xơ, u nang, polyp, phù reinke, u hạt, cần phải phẫu thuật loại bỏ u. Tuy nhiên, ở trẻ nhỏ sẽ khó hơn người lớn vì trẻ là lứa tuổi năng động, không ý thức được bệnh nên nguy cơ tái phát rất cao. Cần hạn chế nói và uống nước nhiều khi thời tiết nóng. Một số trường hợp khàn tiếng do thanh môn khép không kín khi phát âm, teo dây thanh, liệt dây thanh… thì có thể phẫu thuật ở cổ để cấy vật liệu đẩy dây thanh bên liệt vào trong; hoặc cấy tiêm mỡ tự thân vào dây thanh để giúp dây thanh khép kín. Trước và sau phẫu thuật, việc phục hồi giọng bằng cách luyện âm và biết phát âm đúng cách đóng vai trò rất quan trọng.

Muốn giữ giọng, tránh khàn tiếng không nên để thanh quản làm việc quá sức kéo dài, không nói quá to, quá nhiều. Đồng thời tránh để thanh quản tiếp xúc nhiều với những tác nhân có hại như ăn uống quá cay, quá nóng, quá lạnh, môi trường ô nhiễm. Những dấu hiệu đi kèm khàn tiếng phải lưu ý đi khám tai mũi họng sớm và nội soi để có hướng điều trị sớm, hiệu quả, gồm khàn tiếng đi cùng nuốt đau và khạc ra máu bởi đây có thể là bệnh lý ung thư thanh quản. Cần phải tới bác sĩ tai mũi họng càng sớm càng tốt để nội soi chẩn đoán, nếu nghi ngờ, bắt buộc phải làm sinh thiết vì nếu ung thư phát hiện sớm, khu trú tại dây thanh thì phẫu thuật sớm là rất quan trọng.

Võ Quỳnh

(Trung tâm TT GDSK)


Ý kiến bạn đọc