Multimedia Đọc Báo in

Đau chân và 9 nguyên nhân thường gặp

10:36, 30/09/2010

Đau nhức chân là một cảm giác thường xuất hiện sau một ngày lao động mệt nhọc. Tuy nhiên, có những cơn đau không chỉ do mệt mỏi mà còn do những nguyên nhân nghiêm trọng hơn.

1. Xơ vữa động mạch: Bệnh này thường có biểu hiện chân bị co rút khi đi bộ, chạy, lên dốc, thậm chí khi ngủ. Chân bị lạnh bất kể mùa đông hay hè. Khó nhận thấy mạch đập ở ngón cái. Đối với nam giới, có thể suy giảm khả năng tình dục, rụng lông chân. Khi có những triệu chứng nói trên, người bệnh cần đến bác sĩ chuyên khoa mạch để siêu âm, chụp cộng hưởng từ tương phản. Điều cần lưu ý với người bị xơ vữa động mạch là không được hút thuốc lá vì có thể dẫn đến hoại tử chân do tắc mạch.

2. Viêm nội mạc động mạch (lớp trong cùng của động mạch): Là hiện tương viêm lớp mô động mạch. Bệnh có các biểu hiện như đau nhói ở bắp hoặc bàn chân sau khi đi bộ 50-100 bước; cẳng chân tê, mất cảm giác; ngừng đau khi dừng lại nghỉ nhưng sau đó lại tái phát. Nếu nghi ngờ bệnh, bác sĩ sẽ tiến hành kiểm tra toàn diện, gồm chụp cộng hưởng từ, chụp động mạch, siêu âm mạch, xét nghiệm máu. Trường hợp đau dữ dội đột ngột, nên đi cấp cứu ngay vì có thể do tắc động mạch chính. Có thể điều trị tích cực (không phẫu thuật) hoặc phẫu thuật.

 

Ảnh minh họa

3. Viêm khớp, thoái hóa khớp: Triệu chứng của bệnh là đau nhói các khớp khi đi bộ; có cảm giác rã rời ở các khớp khi phải đứng lâu; các khớp kêu răng rắc, xung quanh khớp bị sưng, tấy đỏ; đặc biệt đau nhiều hơn khi thời tiết thay đổi. Khi thấy các dấu hiệu của bệnh, người bệnh nên đến bác sĩ chuyên khoa khớp để tiến hành chụp X-quang khớp và xét nghiệm máu. Khi bị bệnh, người bệnh sẽ được điều trị toàn diện, gồm uống thuốc, vật lý trị liệu, ăn kiêng…

4. Viêm tĩnh mạch huyết khối: Bệnh có các dấu hiệu như: đau nhói từng đợt ở bắp chân, có thể xuất hiện tấy đỏ và phù, co rút bắp chân, các tĩnh mạch ở chân co rúm, sờ vào thấy đau. Để điều trị bệnh này, các bác sĩ sẽ tiến hành scan mạch và xét nghiệm máu để xác định tình trạng tắc nghẽn, mức độ nguy hiểm khi tiến hành tách máu đông. Căn cứ vào đó để có liệu pháp riêng cho từng người.

5. Loãng xương: Bệnh do thiếu hụt canxi gây nên, có biểu hiện chuột rút và đau dữ dội ở bắp chân. Để điều trị bệnh phải kiểm tra xương bằng máy đo mật độ xương. Căn cứ vào kết quả, bác sĩ sẽ chỉ định các chế phẩm canxi phù hợp cho người bệnh.

6. Viêm xương sụn thắt lưng: Bệnh xuất hiện khi có các triệu chứng đau nhói ở chân, đau hơn khi cử động mạnh; đặc biệt, cơn đau không dứt ngay cả khi ngồi nghỉ. Khi phát hiện bệnh nên đến bác sĩ chuyên khoa thần kinh hoặc cột sống để chẩn đoán bằng phương pháp chụp cộng hưởng từ. Căn cứ vào đó để quyết định điều trị tích cực hay tiến hành phẫu thuật.

7. Đái tháo đường: Biểu hiện của bệnh là bị chuột rút (thường vào ban đêm), phù, tê mỏi, nhức buốt, nổi da ga; cẳng chân bị ngứa, tróc da, khô ráp. Khi có bệnh, người bệnh cần đến cơ sở y tế để xét nghiệm máu. Căn cứ vào kết quả xét nghiệm máu, bác sĩ sẽ đưa ra cách điều trị phù hợp cho người bệnh.

8. Bệnh gút: Bệnh xuất hiện kèm theo triệu chứng ngón cái đau buốt từng đợt, trở nên nhạy cảm, sưng nóng, tấy đỏ. Khi bị bệnh ở giai đoạn đầu, người bệnh chỉ cần ăn kiêng như: hạn chế rượu, thịt, cá, chất cay, nấm, hạt bo bo, cà chua, cà phê, cacao, sô-cô-la. Trong trường hợp cần thiết, các bác sĩ sẽ chỉ định thuốc kháng viêm.

9. Tật bàn chân bẹt: Bệnh có biểu hiện là chân nhanh bị mỏi khi đi; đau bàn chân và cẳng chân, mức độ đau ngày càng tăng. Cách điều trị bệnh này gồm, không đi giầy chật và cao gót, đồng thời, sử dụng tấm lót chỉnh hình và các bài tập đặc biệt theo chỉ định bác sĩ.

K.O (nguồn Dân trí)

 


Ý kiến bạn đọc