Multimedia Đọc Báo in

Cây thuốc – vị thuốc

Cây lười ươi - vị thuốc mùa hè

10:06, 13/06/2011

Cây lười ươi còn có nhiều tên gọi như lười ươi, cây thạch, cây ươi, cây ươi bay, bàng đại hải, An nam tử…, tên khoa học là Sterclia lyhnophora Hance. Lười ươi thường mọc ở rừng, cao trên 20 mét, cành có góc, lúc non có lông màu hung, về sau nhẵn.

Lá mọc tập trung đỉnh cành, lá to dày, nguyên hay xẻ ra 3-5 thùy dạng bàn tay, cuống lá to, mập, nhăn. Lá non có màu nâu tím, lá già rụng vào mùa khô. Hoa nhỏ, quả nặng, mặt ngoài màu đỏ, mặt trong màu bạc, hạt to bằng ngón tay, hình bầu dục hay thuôn, dính ở gốc quả. Lười ươi ra hoa từ tháng 1 đến tháng 3, có trái tháng 6-8. Thu hái vào tháng 4-5, phơi hay sấy khô, da có màu nâu, nhăn nheo.

Theo Đông y, lười ươi đi vào kinh phế, tác dụng chính là  thanh nhiệt (làm mát cơ thể), giải độc, thông tiện, thường dùng chữa ho khan (lưu ý, chỉ dùng trong trường hợp ho khan, ho có đàm thì không được dùng), cổ họng sưng đau, nôn ra máu, đi cầu ra máu, chảy máu cam, viêm đường tiết niệu, nhức răng, đau mắt đỏ, mụn nhọt. Dân gian hay dùng để làm mát và nhuận cơ thể, mỗi lần ngâm chừng dưới mười trái trong nửa lít nước là đủ. Có thể uống nhiều lần trong ngày, dùng thường xuyên không độc, làm thức uống giải khát để trừ các bệnh nhiệt trong mùa hè. Ngoài ra, để tăng tác dụng nhuận trường có thể ngâm chung với nước với hạt é.

Cách dùng: Rửa sạch trái, dùng dao cắt hai đầu và ngâm lười ươi vào nước sẽ nở to gấp 8-10 lần thể tích của trái thành một chất nhầy màu nâu nhạt trong, vị hơi chát và mát. Khi ăn, chỉ cần bỏ vỏ ngoài và hạt ở giữa trái là được. Ở miền Nam hay dùng làm thuốc uống giải khát. Lớp cơm của trái khi ngâm nước nở ra cho chất nhầy rất nhiều nên trái thường được ngâm nước cho đường vào làm thạch để giải khát. Lá non nấu canh ăn được. Chất nhầy của hạt dùng làm thuốc trị các chứng đau ruột và các bệnh về đường đại tiện.

DS. Mỹ Nữ

 


Ý kiến bạn đọc