Sâu răng có đơn giản?
Sâu răng không chỉ làm ê buốt răng, hay nặng hơn làm đau nhức răng mà còn làm hôi miệng, giao tiếp không tự nhiên, thiếu tự tin, làm tốn kém tiền bạc, thời gian để điều trị, đôi khi còn gây biến chứng tại chỗ và toàn thân, có khi tử vong do răng nhiễm khuẩn. Nhưng sâu răng nếu hiểu biết đúng và điều trị đúng cách thì không gây hiệu quả nghiêm trọng như vậy.
Sâu răng là sự hòa tan và phá hủy dần cấu tạo của răng. Quá trình này xảy ra do vi khuẩn lên men chất đường đóng trên bề mặt răng sinh ra axit. Axit hòa tan trong nước bọt và đọng lại trên các trũng của mặt răng, nơi kẽ răng, nơi các mặt bên của răng, làm tan rã men răng tạo nên các lỗ sâu. Như vậy, quá trình xảy ra đầu tiên ở bề mặt răng, tức là men răng.
Sâu răng nếu không điều trị sẽ trải qua 4 giai đoạn:
- Sâu men: Axit lắng đọng trên bề mặt răng, thường ở các trũng, rãnh, hố làm hòa tan các chất khoáng của men răng (gây hiện tượng mất khoáng men răng) tạo thành những lỗ sâu …. trên men răng. Giai đoạn này không có cảm giác ê buốt, đau do đó khó phát hiện và hay bỏ qua. Thường được phát hiện tình cờ qua khám răng định kỳ, hoặc là người bệnh tự soi gương. Nếu men răng được tái khoáng hóa bằng cách lấy mảng bám có chứa vi khuẩn, giảm đường trong chế độ ăn vặt, đánh kem có chất Fluor hay súc miệng với dung dịch Fluor thì men răng sẽ trở nên cứng chắc và chặn đứng sự phát triển sâu răng. Nếu đã có lỗ sâu thì đến các phòng khám để các nha sĩ khám và điều trị.
- Sâu ngà: Nếu không chữa ở giai đoạn sâu men, quá trình phá hủy men răng sẽ tiếp tục vào ngà. Ngà răng mềm và xốp hơn men răng nên tốc độ phá hủy nhanh và diện phá hủy rộng hơn. Vì vậy, sâu răng có hình dạng giống như giọt nước. Ở giai đoạn này, tùy theo lỗ sâu nông hay sâu mà người bệnh có cảm giác từ nhẹ tới nặng như ê buốt khi ăn, nóng, lạnh, chua, cay; nặng hơn thì sẽ thấy đau khi ăn nhai (có đau và đau khi bị kích thích). Giai đoạn này không thể tự phục hồi được.
- Tủy viêm: Tủy sẽ bị viêm nếu sâu ngà không được điều trị kịp thời. Vi khuẩn từ các lỗ sâu xâm nhập vào tủy, kích thích tủy gây các cơn đau tự phát (đau tự nhiên không do ăn uống hay kích thích gì, nhất là vào ban đêm). Giai đoạn này phải mất nhiều thời gian để điều trị tủy và thường tốn kém, đắt tiền.
- Tủy thối: Nếu tủy viêm không được điều trị cẩn thận sẽ hoại tử và nhiễm trùng lan đến chân răng. Trường hợp này điều trị thường rất phức tạp và tốn kém, đôi khi phải phẫu thuật nạo ổ mủ bên dưới hoặc phải nhổ răng và có khi có những biến chứng rất nặng như viêm mô tế bào (làm sưng nửa mặt), có thể làm viêm nội tâm mạc và nặng hơn nữa có thể dẫn tới nhiễm trùng máu.
Từ những nguyên nhân gây sâu răng trên, dự phòng sâu răng và biến chứng, chúng ta cần dùng phối hợp các biện pháp sau:
- Làm giảm số lượng vi khuẩn gây sâu răng, đó là giữ vệ sinh răng miệng. Đánh răng là biện pháp quan trọng, nhưng đánh răng chưa đủ, đánh răng chỉ làm sạch được mặt ngoài, mặt trong, mặt nhai. Để làm sạch kẽ răng phải dùng chỉ tơ nha khoa. Sau khi đánh răng nên dùng thêm nước súc miệng. Và làm giảm số lượng vi khuẩn gây sâu răng định kỳ bằng cách đi lấy sạch mảng bám răng (cao răng).
- Fluor rất tốt trong dự phòng sâu răng, làm tăng khoáng hóa men răng. Nên bổ sung thêm lượng Fluor. Có thể dùng đường toàn thân, hoặc tại chỗ như súc miệng dung dịch Fluor, dùng kem đánh răng có Fluor.
- Kiểm soát chế độ ăn, hạn chế ăn đường, bột, chất ngọt dưới dạng quà vặt như bánh, kẹo, kem, nước ngọt..., dùng vào bữa chính và chải răng ngay sau khi ăn.
- Khám răng định kỳ 6 tháng 1 lần (mặc dù không đau răng) để phát hiện và điều trị kịp thời các bệnh răng miệng.
(Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh)
Ý kiến bạn đọc