Thử nghiệm vắc xin mới phòng sốt xuất huyết: Mở cơ hội phòng bệnh
Thay vì đợi nghiên cứu thành công ở các nước khác, việc chủ động tham gia thử nghiệm vắc xin mới phòng sốt xuất huyết (SXH) sẽ giúp rút ngắn thời gian đưa vắc xin vào sử dụng đại trà khi nghiên cứu thành công.
Thử nghiệm thuốc trên 2.300 trẻ em
Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng và Môi trường (Bộ Y tế) Trần Thanh Dương cho biết, tại Việt Nam, SXH đang là vấn đề nóng. Hiện nay, có 4 tuýp vi rút gây bệnh SXH lưu hành ở nước ta và đều có thể gây thành dịch lớn, trong đó nhiều nhất là týp D1 chiếm 53,1% và D2 chiếm 27,6%. Riêng tại TP. Hồ Chí Minh, tính từ đầu năm đến nay đã có khoảng 9.000 trường hợp mắc (tăng gần 1,6 lần so với cùng kỳ năm ngoái), trong đó có 6 trường hợp tử vong (riêng tháng 9 có 3 trường hợp). Tổ chức Y tế Thế giới cũng cho biết, hiện có 2,5 tỉ người sống trong vùng nguy cơ mắc bệnh tại hơn 100 quốc gia, cao nhất là vùng Đông Nam Á với ước tính khoảng 220 triệu người nhiễm bệnh mỗi năm, trong đó có 70% là trẻ em.
Một trong những nỗ lực cho việc phòng bệnh SXH ở nước ta là việc tham gia thử nghiệm giai đoạn cuối vắc xin phòng bệnh SXH trên người trong đề án có tên là “Hiệu quả và an toàn của vắc xin mới ngừa sốt xuất huyết 4 tuýp trên trẻ em khỏe mạnh từ 2 đến 14 tuổi”. Khởi động từ đầu năm 2011, dự án thử nghiệm lâm sàng đánh giá hiệu quả và an toàn của vắc xin mới ngừa SXH (viết tắt CYD14) đã được triển khai tại Mỹ Tho (Tiền Giang) và Long Xuyên (An Giang). Theo Viện trưởng Viện Pasteur TP.Hồ Chí Minh Trần Ngọc Hữu, mục tiêu là đánh giá hiệu quả khả năng phòng bệnh SXH của vắc xin, đo lường tính an toàn và đánh giá khả năng sinh kháng thể của vắc xin. Để làm được điều này, Dự án đã chọn 2.336 trẻ 2 - 14 tuổi tham gia nghiên cứu. Sau đó chia ngẫu nhiên số trẻ này ra làm 2 nhóm. Một nhóm cho tiêm vắc xin ngừa SXH, một nhóm cho tiêm giả dược (nước muối sinh lý). Trẻ được tiêm vắc xin SXH được lấy thêm 5 mẫu máu so với mọi người. Theo kế hoạch của Dự án, số trẻ được tiêm vắc xin thử nghiệm phải tiêm 3 mũi, cách nhau 6 tháng. Tính đến ngày 7-10, dự án đã tiêm mũi 1 cho 283 trẻ ở Tiền Giang và 317 trẻ ở An Giang. Điều đáng nói, sự thử nghiệm lâm sàng vắc xin mới và gần như là đầu tiên ở Việt Nam này đòi hỏi phải có sự tự nguyện và đảm bảo các tiêu chuẩn về y đức.
Trẻ mắc SXH mùa dịch năm 2010 điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Dak Lak. Ảnh: K.O |
Chủ động tham gia để rút ngắn thời gian
Theo TS Trần Ngọc Hữu, nghiên cứu này được Bộ Y tế phê duyệt và triển khai thực hiện từ tháng 6-2011. Vắc xin này đang được nghiên cứu giai đoạn cuối tại hai khu vực Đông Nam Á và Nam Mỹ. Ở nước ta, An Giang và Tiền Giang được chọn tham gia thử nghiệm vì hai địa phương này luôn bị dịch SXH hoành hành với số ca mắc rất lớn. Thay vì đợi vắc xin được nghiên cứu thành công ở các nước khác để sử dụng thì chúng ta chủ động tham gia ngay từ giai đoạn thử nghiệm cuối cùng sẽ giúp rút ngắn thời gian đưa vắc -xin vào sử dụng đại trà khi nghiên cứu thành công, góp phần giảm nhanh gánh nặng do SXH gây ra. Theo kế hoạch đề ra việc thử nghiệm lâm sàng sẽ được thực hiện trên 1.402 người tại Long Xuyên và 934 người tại Mỹ Tho. Thời gian thực hiện đề án sẽ diễn ra từ tháng 9-2011 và kết thúc vào tháng 8-2016. Với vai trò là nước trực tiếp tham gia nghiên cứu, nếu loại vắc xin phòng bệnh SXH thành công, người dân sẽ có cơ hội được thụ hưởng loại vắc xin có hiệu quả này một cách sớm nhất. Về phía nhà tài trợ đã cam kết cung cấp đủ số lượng vắc xin theo yêu cầu với giá ưu đãi cho ngành Y tế Việt Nam.
Cùng quan điểm trên, bác sĩ Trâm Anh Wartel, Giám đốc Phát triển lâm sàng vắc xin phòng bệnh SXH của hãng Sanofi Pasteur cho biết, vào thời điểm này chưa thể đánh giá kết quả nghiên cứu lâm sàng thử nghiệm tại Việt Nam nhưng nhiều nước khác đã qua giai đoạn thử nghiệm tiền lâm sàng trên động vật và thử nghiệm lâm sàng trên người giai đoạn 1 (tính an toàn) và giai đoạn 2 (tính sinh miễn dịch và tính an toàn).
K.O (tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc