Multimedia Đọc Báo in

Những vị thuốc dễ bị... bỏ phí!

20:31, 08/04/2012

Trong sinh hoạt hằng ngày, ta thường xuyên tiếp xúc với các vị thuốc nhưng không phải ai cũng biết điều đó hoặc chưa quan tâm, tận dụng hết khả năng chữa bệnh của những thứ tưởng chừng như đã vô tác dụng. Những vị thuốc đó không xa lạ, ví như vỏ quýt, vỏ lựu, hạt gấc... Chính vì thế, chúng rất dễ bị... vứt vào sọt rác!

1.Vỏ quýt (trần bì): Lấy vỏ quýt chín, tách bỏ xơ trắng, phơi khô, để lâu càng tốt. Trần bì có tác dụng kiện tỳ, lý khí, táo thấp, hóa đàm, trị ăn không tiêu, đầy bụng, ợ hơi, nôn mửa, tiêu chảy, chữa ho có đờm. Liều dùng từ 4-12g/ngày.

*Chữa ho, mất tiếng: trần bì 12g sắc với 200ml nước, còn lại 50ml, uống dần trong ngày (có thể thêm chút đường cho dễ uống).

*Chữa đau bụng, nôn mửa, ợ hơi, tiêu hóa kém: trần bì 8g, hoắc hương 8g, gừng sống 3 lát, sắc uống trong ngày.

*Kích thích tiêu hóa, giúp ăn ngon: Lấy 200g vỏ quýt lâu năm, thái nhỏ, sao thơm, ngâm chung với 1 lít rượu, thi thoảng lắc đều. Ngày uống 2 lần trước bữa ăn trưa và tối, mỗi lần 2 thìa cà phê.

2. Hạt gấc (mộc miết tử)

Có tác dụng tiêu viêm, tán tứ, chữa mụn nhọt, các trường hợp ngã, sưng đau, sang độc, phụ nữ sưng vú, hậu môn sưng thũng.

*Chữa lòi dom, quai bị: Hạt gấc tươi hoặc phơi khô, giã nát, thêm ít dấm thanh cho sền sệt, bôi 4-5 lần/ngày hoặc gói bằng vải đắp vào nơi bị bệnh, ngày thay một lần.

*Chữa ngã, gây bầm tím, sưng đau, bong gân: Hạt gấc đem nướng hay rang chín (cháy sém vỏ ngoài), tách lấy hạt bên trong, tán thành bột, ngâm rượu, xoa nhiều lần trong ngày.

*Chữa sưng vú, mụn nhọt: mài nhân hạt gấc với rượu 30-40o, cho đến khi dung dịch có màu trắng như sữa. Ngày bôi nhiều lần.

3.Tai hồng (thị đế):

Thị đế có tác dụng ôn trung, hạ khí, chữa ợ, nấc, đầy bụng, không tiêu.

*Dùng thị đế 8g, đinh hương 8g (mùa nắng nóng cho lượng ít) gừng sống 3 lát, đem sắc, chia nhiều lần uống trong ngày.

Hoặc cũng bài thuốc trên, thêm các vị trần bì 4g, thanh bì 8g, bán hạ 2g vào sắc chung để tăng thêm tác dụng.

4. Tóc rối (huyết dư thán)

Là tóc của người, đem rửa sạch, phơi khô, rồi đốt thành than tồn tính, tán bột

Tóc rối có tác dụng tiêu ứ, cầm máu, chữa thổ huyết, chảy máu cam, lỵ ra máu, tiểu tiện ra máu. Liều dùng 6g-12g/ngày.

*Xơ mướp

Dùng xơ của quả mướp già, phơi khô, bỏ hột và vỏ, rồi đốt tồn tính. Xơ mướp có tác dụng thanh lương, hoạt huyết, thông kinh, cầm máu. Chữa các trường hợp chảy máu ruột, băng huyết, lỵ ra máu. Liều dùng 5g-10g/ngày.

5.Vỏ lựu (thạch lựu bì)

Có tác dụng khử trừng, cầm ỉa chảy, chữa lỵ.

*Tẩy giun đũa: Thạch lựu bì 12g-20g, đem sắc, thêm ít đường, uống lúc đói, uống luôn từ 7-10 ngày.

*Thanh nhiệt ở đại tràng trong lỵ, đau bụng, đại tiện lỏng: Vỏ lựu khô sao tồn tính, tán mịn, uống với nước cơm lúc đói.

Phạm Thị Minh Nguyệt


Ý kiến bạn đọc