Multimedia Đọc Báo in

Những nghiên cứu mới về bệnh sốt xuất huyết

14:42, 05/12/2012

Gần đây, việc các nhà khoa học đã phát hiện ra nguyên lý, cơ chế hoạt động của vi rút gây bệnh sốt xuất huyết được coi là bước đột phá mới của nền y học nhân loại.

Phát hiện nguyên lý vi rút sốt xuất huyết gây nhiễm tế bào cơ thể

Viện Y học quốc gia Mỹ (NIH) vừa hoàn thành nghiên cứu dài kỳ và phát hiện thấy nguyên lý vi rút gây bệnh sốt xuất huyết (Dengue Virus - gọi tắt là DV) gây nhiễm tế bào cơ thể, mở ra triển vọng mới trong việc điều trị căn bệnh này. Để lây nhiễm một tế bào, vi rút liên kết với màng tế bào - màng tế bào phủ vi rút. Để bắt đầu quá trình viêm nhiễm, vi rút truyền vật liệu di truyền vào trong phần bào tan (cytosol) hay còn gọi là  dịch lỏng và tại đây tự nó tái sinh và phát triển. Để làm được điều này, vi rút phải tự thân phát triển trong nội bào, bằng cách hóa lỏng màng của nó với màng nội bào. Khi hai màng này hòa trộn nhau, nó sẽ tạo ra một lỗ thông để vật liệu di truyền vi rút được bài tiết một cách dễ dàng.

Hiểu được nguyên lý trên, trong tương lai con người sẽ sản xuất được loại thuốc phong bế quá trình “hóa lỏng” để hạn chế quá trình gây viêm nhiễm tế bào. Điều này đã từng được áp dụng trong chữa bệnh AIDS vì nó có cơ chế tương tự. Tuy nhiên, ở DV lại có cơ chế phát triển phức tạp hơn nhiều, vì qua nghiên cứu, các nhà khoa học phát hiện thấy có 2 điều kiện cần thiết để tạo ra quá trình hóa lỏng của DV, đó là môi trường có tính axít và sự có mặt của một màng đã bị thay đổi, nhưng 2 điều kiện này chỉ xảy ra trong những thời điểm nhất định trong nội bào.

Phát hiện cơ chế cơ thể tấn công lại vi rút gây sốt xuất huyết

Nghiên cứu của các chuyên gia ĐH Washington, Viện Nghiên cứu quân sự Walter Reed và ĐH Copenhagen (Đan Mạch) đang hoàn thành và phát hiện ra cơ chế của cơ thể tấn công lại bệnh sốt xuất huyết. 

Qua nghiên cứu, nhóm đề tài đã phát hiện thấy một phần của hệ thống miễn dịch có tên lectin liên kết manose (MBL) tham dự quá trình tấn công DV. Ngoài ra, MBL có khả năng nhận biết các phân tử đường có mặt ở phía ngoài của rất nhiều virut và vi khuẩn. Khi đã tìm được các phân tử đường này, MBL sẽ tiến hành kích hoạt hệ thống nhắm vào các vật liệu ngoại lai trong cơ thể để tiêu diệt theo cách hiệu quả nhất. Ngoài ra, các nhà khoa học còn phát hiện thấy hệ thống MBL hoạt động hiệu quả nhất trong quá trình cơ thể mắc bệnh sốt xuất huyết, tuy nhiên đến nay khoa học vẫn chưa hiểu tại sao cơ chế này lại diễn ra và làm cách nào mà MBL lại được giao nhiệm vụ “tìm và diệt” DV cho cơ thể. Đặc biệt hơn, các nhà khoa học còn phát hiện thấy số lượng MBL của mỗi người cũng không đồng nhất, có người có hàm lượng MBL rất cao, có người lại rất thấp. Ở những người có hàm lượng MBL trong máu cao thì có khả năng trung hòa được DV rất tốt nên tỷ lệ mắc bệnh thấp. Với phát hiện này, trong tương lai người ta sẽ tìm được loại thuốc kháng vi rút có cơ chế giống như của MBL, đặc biệt các loại vắc xin mới nhằm khử hoạt hóa DV và phục hồi chức năng cho hệ miễn dịch để phòng tránh bệnh sốt xuất huyết cho cộng đồng.

Tìm ra kháng thể tiêu diệt vi rút sốt xuất huyết trong vòng 2 giờ

Các chuyên gia ĐH Quốc gia Singapore (NUS) vừa công bố, họ đã tìm thấy một kháng thể rất tiềm tàng, tạm thời đặt tên là kháng thể “X”, có khả năng tìm và diệt vi rút gây sốt xuất huyết.

Để tìm ra kháng thể này, các nhà khoa học đã tiến hành nghiên cứu tế bào cơ thể của trên 200 bệnh nhân sốt xuất huyết được điều trị tại Bệnh viện Tan Tock Sengsan và đến nay đã hồi phục. Đây là một chất kháng thể có khả năng tiêu diệt được vi rút gây sốt xuất huyết, khả năng giảm vi rút tới 50.000 lần trong vòng 2 giờ, thậm chí chỉ với một hàm lượng kháng thể cực nhỏ cũng mang lại tác dụng cực kỳ lớn, trong khi đó các phản ứng phụ lại không đáng kể.

Loại kháng thể vừa tìm thấy sẽ được đưa vào thử nghiệm lâm sàng, nhưng phải mất 6 - 8 năm mới có thuốc đặc trị.

K.O (nguồn SK&ĐS)
 


Ý kiến bạn đọc