Cả nước còn thiếu khoảng 100.000 điều dưỡng, hộ sinh
Thứ trưởng Bộ Y tế Lê Quang Cường cho biết, tỉ lệ điều dưỡng (ĐD), hộ sinh(HS)/bác sĩ ở nước ta hiện chỉ đạt 1,6. Ước tính theo quy định của Chính phủ mỗi bác sĩ có 3,5 ĐD, HS thì cả nước còn thiếu khoảng 100.000 điều dưỡng viên, hộ sinh viên làm việc tại các cơ sở y tế.
GS.TS. Lê Quang Cường nhấn mạnh, ĐD, HS có vai trò quan trọng trong việc cung cấp dịch vụ y tế chất lượng cao và góp phần ý nghĩa trong việc cứu sống tính mạng của nhiều người hơn nữa, đặc biệt ở những vùng xa xôi, vùng dân tộc miền núi. Tuy nhiên, có thực tế là mặc dù số lượng ĐDV, HSV có tăng lên qua từng năm nhưng tỉ lệ ĐD, HS/10.000 dân lại thấp do chính sách tuyển dụng tại các cơ sở y tế. Để khẳng định vai trò của ĐD, HS trong việc nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh và chất lượng dịch vụ y tế, theo như các khuyến cáo của các cơ quan Liên Hợp quốc, mới đây, Bộ Y tế đã ban hành Chương trình hành động Quốc gia tăng cường công tác ĐD, HS giai đoạn từ năm 2013 đến 2020. Theo đó, Chương trình sẽ tập trung vào 5 mục tiêu chính: tăng cường chất lượng dịch vụ ĐD, HS; hoàn thiện hệ thống pháp luật bảo đảm tính tự chủ, độc lập và vị thế của nghề ĐD, HS; tăng cường nguồn nhân lực ĐD, HS; củng cố hệ thống quản lý; tăng cường vai trò của Hội ĐD, HS trong tư vấn, thẩm định, xây dựng và giám sát các chính sách, nghiên cứu khoa học, hợp tác quốc tế trong lĩnh vực này…
Hiện nay các cơ sở y tế đang thiếu hụt đội ngũ điều dưỡng viên có trình độ. Ảnh minh họa: K.O |
Cũng theo Thứ trưởng Bộ Y tế Lê Quang Cường, công tác ĐD, HS ở nước ta hiện vẫn còn một số hạn chế như việc chủ động của điều dưỡng viên, hộ sinh viên trên thực hành lâm sàng chưa được xác định rõ. Tuy người điều dưỡng đã nhận thức được vai trò, chức năng của mình là chủ động chăm sóc người bệnh nhưng do thiếu nhân lực ĐD, HS nên nhiều công việc chăm sóc người bệnh còn bị giao phó cho người nhà. Cùng với đó, bản thân người ĐD, HS còn có những hạn chế cần khắc phục, đó là tính chuyên nghiệp còn yếu, còn tự ti, phụ thuộc; còn thực hiện nhiệm vụ hành chính nhiều, thời gian chăm sóc người bệnh chưa đủ theo yêu cầu. Bên cạnh đó, năng lực giao tiếp ứng xử, tin học và ngoại ngữ của đội ngũ điều dưỡng cũng còn hạn chế làm ảnh hưởng tới sự hài lòng của người bệnh, ảnh hưởng tới sự tiếp cận khoa học công nghệ tiên tiến cũng như hội nhập khu vực và quốc tế...
Thạc sĩ Phạm Đức Mục, Chủ tịch Hội điều dưỡng Việt Nam chia sẻ, ĐD là một ngành đa khoa có nhiều chuyên khoa, và mỗi chuyên khoa đều phải có văn bằng đại học, song hiện cả nước mới chỉ có 2 Tiến sĩ, 166 Thạc sĩ ngành ĐD, cho thấy sự thiếu hụt trầm trọng điều dưỡng viên có trình độ tại các cơ sở y tế. Một trong những nguyên nhân chính của tình trạng trên là do tư duy, nhận thức về ngành ĐD chưa chính xác theo đúng chức năng, vị trí của ngành này trong công tác chăm sóc, điều trị bệnh nhân. Từ đó, công tác đào tạo, đãi ngộ chưa được chú trọng đúng mức nên ngành ĐD thiếu đội ngũ chuyên gia đầu ngành, số điều dưỡng viên được đào tạo ở trình độ sau đại học còn rất hạn chế...
K.O (nguồn Báo ĐTĐCSVN)
Ý kiến bạn đọc