Multimedia Đọc Báo in

Những dấu hiệu xấu về sức khỏe của trẻ nhỏ cần đặc biệt quan tâm

12:59, 25/08/2013

Giống như người lớn trẻ nhỏ cũng mắc phải những căn bệnh nan y, kể cả những căn bệnh  có  dấu hiệu lẫn không có dấu hiệu thể hiện ra bên ngoài, trong đó có 11 triệu chứng sức khỏe dưới đây cần quan tâm đặc biệt.

1.Sốt cao

Bất kỳ khi nào trẻ bị viêm nhiễm đều thường xuất hiện tình trạng sốt cao, đây cũng là quá trình hưởng ứng viêm nhiễm của cơ thể để tấn công môi chất gây bệnh. Theo các chuyên gia ở Đại học Y khoa Northwestern (Mỹ) thì sốt là căn bệnh thường gặp không cần phải quá lo lắng, chỉ có một ngoại lệ cần đặc biệt quan tâm đối với nhóm trẻ dưới 2 tháng tuổi: Nếu sốt trên 100,4 độ F (38oC) đo tại nách hay hậu môn thì phải chú ý vì nó có thể gia tăng nhiễm trùng, nên phải đưa trẻ đi khám bác sĩ ngay. Có thể dùng acetaminophen sẽ giúp trẻ giảm sốt, dễ chịu và không gây nguy hiểm.  Khi sốt mặt trẻ đỏ, ra mồ hôi, tim đập nhanh, nếu dùng đúng thuốc trẻ sẽ giảm sốt nhưng theo bác sĩ, các bậc cha mẹ cần chú ý đến hiện tượng bên ngoài như khó thở, da mặt tím tái hoặc có những dấu hiệu bất thường khác thì nên can thiệp, đưa trẻ đi khám bác sĩ.

2. Đau đầu

Giống như người lớn, trẻ nhỏ đôi khi cũng mắc phải chứng bệnh đau đầu. Nguyên nhân gây bệnh rất đa dạng như kém ngủ, dị ứng, xem quá nhiều tivi... Thông thường, bệnh đau đầu ở trẻ nhỏ có thể dùng thuốc OTC (không cần kê đơn) như acetaminophen hoặc bupropen nhưng ở nhóm dưới 4 tuổi cần theo dõi cẩn thận, nhất là đau đầu đột ngột ban đêm làm trẻ thức dậy và kèm theo nôn ói, hoặc đau đầu choáng váng mất cân bằng, mắt mờ, suy yếu, thiếu sự phối hợp các động tác của cơ thể. Tất cả những hiện tượng này cần được khám, đánh giá cẩn thận bởi bác sĩ chuyên khoa càng sớm càng tốt. Một số trường hợp đau đầu nghiêm trọng không thể cải thiện được bằng thuốc giảm đau như trường hợp kèm theo đau cổ, hoặc đau các bộ phận khác thì nhất thiết phải đưa trẻ đi cấp cứu. Đặc biệt hơn nếu đau đầu tái phát, kèm theo với hiện tượng đau cơ thể mà không tự khỏi thì rất có thể trẻ mắc bệnh nghiêm trọng như viêm màng não do vi khuẩn, hoặc hiếm hơn cũng có thể có khối u trong não.

3. Vết cắt, vết xước

Nguyên nhân gây ra những vết cắt, vết xước rất đa dạng như: do dao kéo, tre, nứa, vật sắc nhọn hoặc do ngã, va đập gây chảy máu... Trong vòng 30 phút nếu không cầm được máu thì nên đưa trẻ đi bác sĩ để sát trùng lên vết thương, khâu lại nếu cần thiết. Khi trẻ về nhà xuất hiện tình trạng biến chứng như: xưng đỏ xung quanh vết thương, hoặc tiết dịch cần thông báo cho bác sĩ biết để đề phòng nguy cơ nhiễm trùng máu. Vết cắt, vết xước tay tuy không ảnh hưởng đến tính mạng của trẻ nhưng nếu sốt, nhiễm trùng thì cần phải can thiệp ngay nếu để chậm trễ tính mạng của trẻ sẽ bị đe dọa.

4. Nôn ói

Hầu hết bệnh nôn ói ở trẻ nhỏ là do viêm dạ dày ruột (hay còn gọi là cúm dạ dày) - căn bệnh lành tính tự khỏi. Tuy nhiên cần phải theo dõi trẻ nếu nôn ói quá nhiều, gây mất nước, đe dọa đến tính mạng. Dấu hiệu dễ nhận biết như: giảm nước tiểu, khóc không có nước mắt, mắt trũng, buồn ngủ, môi khô... Trong trường hợp này, nhất là ở nhóm trẻ dưới 6 tháng tuổi, cần đưa trẻ đi khám bác sĩ để có thể truyền dịch và kê đơn. Nếu nôn kèm máu, màu vàng xanh sáng hoặc màu như bã cà phê phải đưa trẻ đi cấp cứu, bởi rất có thể trẻ mắc bệnh lồng ruột.

5. Tiêu chảy

Thông thường, bệnh tiêu chảy ở trẻ nhỏ là do dạ dày hoạt động không ổn định, do virút gây ra và cũng giống như bệnh nôn ói trẻ rất dễ bị mất nước. Đặc biệt khi trong phân có máu, tiêu chảy kéo dài, đau bụng, chảy máu trực tràng, kém ăn, giảm cân nên đưa trẻ đi khám bác sĩ. Khi ấy bác sĩ sẽ quyết định phác đồ điều trị khi đã biết rõ nguyên nhân gây bệnh.

6. Phát ban

Phát ban là căn bệnh khá phổ biến ở trẻ nhỏ nên không quá lo lắng. Một khi xuất hiện tình trạng phát ban kèm theo sốt hay nôn ói thì nên đưa trẻ đi khám bác sĩ. Ngược lại trẻ phát ban nhưng vẫn ăn ngủ tốt, khỏe mạnh thì không đáng lo, tự nó sẽ khỏi trong vòng vài ngày, tuy nhiên các bậc cha mẹ cần quan tâm đến các phản ứng dị ứng tự nhiên. Nếu phản ứng nhẹ thường không đáng lo, ngược lại nếu xuất hiện phản ứng dị ứng kèm theo khó thở, hắt hơi, khó nuốt, môi, mặt sưng và đau bụng rất có thể là dấu hiệu của phản ứng phản vệ cần đưa trẻ đi bệnh viện.

7. Đau khi đi tiểu

Theo các chuyên gia ở Bộ Y tế Mỹ, nếu các bé gái bị đau nhức, khóc mỗi khi đi tiểu thì rất có thể trẻ mắc chứng viêm âm hộ do tắm trong bể có quá nhiều bọt xà phòng; nguyên nhân khác có thể do mắc bệnh nhiễm trùng đường tiết niệu (UTI). Tất cả những căn bệnh này, kể cả ở bé trai thường xuất hiện tình trạng đau đớn, sốt, nước tiểu có mùi hôi và thường xuyên dây ra quần áo. Trường hợp trẻ bị sốt thì nên đưa đi khám bác sĩ để được kê đơn dùng thuốc, nhất là thuốc kháng sinh để phòng viêm nhiễm. Để hạn chế nguy cơ mắc bệnh không nên cho trẻ tắm trong bồn có bọt xà phòng và lạm dụng xà phòng, nhất là các bé gái, không nên cho trẻ mắc quần áo quá chật. Nếu bệnh kéo dài không khỏi, nhất thiết phải đi khám và can thiệp kịp thời.

8. Trẻ ngủ quá nhiều

Trường hợp trẻ ngủ quá nhiều, li bì vào ban ngày và đi ngủ sớm hơn vào buổi tối thì rất có thể trẻ mắc phải chứng bệnh nào đó. Theo Quỹ Nghiên cứu giấc ngủ Mỹ, trẻ sơ sinh ngủ 14-15 giờ/ngày,  nhóm lẫm chẫm bước đi từ 12-14 giờ, nhóm trẻ khi đi mẫu giáo 11-13 giờ và trẻ ở tuổi đi học 10-11 giờ/ngày. Nếu ngủ nhiều có thể trẻ bị mắc bệnh, nên đưa trẻ đi khám bác sĩ làm những xét nghiệm cần thiết để kết luận nguyên nhân và đưa ra giải pháp điều trị cụ thể.

9. Sao nhãng chuyện học hành

Thông thường, trẻ nhỏ ngại đến trường, nhưng chỉ một vài lần; nếu tình trạng kéo dài thì đây không phải hiện tượng bình thường. Lý do, khi đi học dù thông minh hay chậm tiến bộ trẻ vẫn thích hơn so với ở nhà vì được gặp bạn bè và vui hơn nhưng ngại đi học, kèm theo ăn ngủ kém thì rất có thể trẻ mắc phải căn bệnh trầm cảm, bệnh ADHD, bệnh rối loạn tăng năng động thiếu chú ý. Trong trường hợp này nên đưa trẻ đi khám đầy đủ, làm các xét nghiệm cần thiết, cần có sự phối hợp giữa bác sĩ với nhà trường và gia đình để giúp trẻ phục hồi, học hành tốt hơn.

10. Sưng khớp

Giống như người lớn, một số trẻ nhỏ kể cả trẻ sơ sinh cũng mắc bệnh đau sưng khớp chân tay, nhất là khi vận động. Tuy nhiên cần quan sát, nếu sưng tấy ở các khuỷu khớp thì nên đưa trẻ đi khám và điều trị kịp thời. Trong trường hợp đau dai dẳng, sưng không đối xứng ở các khớp thì rất có thể là do nhiễm trùng huyết, viêm khớp dạng thấp... Tất cả những căn bệnh này không thể bỏ qua, cần làm các xét nghiệm khám đầy đủ mới rõ nguyên nhân và tìm ra cách điều trị thích hợp.

11. Khát liên tục

Trẻ nhỏ rất ít khi khát, đòi uống nước và thường do cha mẹ ép mới uống; nhưng tự nhiên trẻ uống nhiều, uống liên tục, kể cả ban đêm thì phải chú ý. Rất có thể trẻ bị bệnh tiểu đường, thường là tiểu đường tuýp 1 cũng không loại trừ tiểu đường tuýp 2 vì căn bệnh này hiện đang trẻ hóa. Đặc biệt nếu khát nước lại đi tiểu nhiều thì nguy cơ mắc bệnh tiểu đường rất cao. Lý do, khi bị tiểu đường, lượng đường trong máu cao cơ thể cố gắng đẩy đường ra khỏi máu nên đi tiểu nhiều. Ngoài ra khi mắc bệnh trẻ có thể giảm cân, mệt mỏi ăn nhiều. Nếu có hiện tượng này nên đi khám sớm làm các xét nghiệm bác sĩ sẽ biết cụ thể và cho những khuyến cáo phòng ngừa, điều trị.

Khắc Nam

(Theo IVC - 8/2013)

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.