Multimedia Đọc Báo in

Bình ổn thị trường bằng quản lý “tận gốc”

10:00, 30/11/2010
Trong phiên họp thường kỳ cuối tháng 11, Chủ tịch UBND tỉnh đã chỉ đạo: Một nhiệm vụ trọng tâm trong tháng cuối năm là tập trung bình ổn thị trường, theo đó phải quản lý “tận gốc” trên cơ sở thực hiện các biện pháp đồng bộ như: tuyên truyền, hành chính, kinh tế…Đây là vấn đề nan giải, đòi hỏi sự phối hợp đồng bộ từ nhiều phía.
Kiểm tra hàng hóa tại doanh nghiệp đầu mối
Kiểm tra hàng hóa tại doanh nghiệp phân phối đầu mối

Theo đánh giá của Sở Công thương, thị trường cuối năm đang diễn biến khá phức tạp với sự tăng giá liên tục của hàng hóa, trong đó có nhiều loại hàng thiết yếu. Sự tăng giá này do nhiều nguyên nhân như: diễn biến tăng của giá vàng, đô la, giá thành đầu vào sản xuất, sự gia tăng nhu cầu mua sắm cuối năm…, hoàn toàn không phải do mất cân đối cung - cầu. Để tham gia bình ổn giá thị trường dịp cuối năm, Chi Cục Quản lý thị trường (QLTT) đã triển khai kế hoạch tăng cường công tác kiểm tra, phòng chống gian lận thương mại, hàng gian hàng giả, chú trọng việc kiểm tra thực hiện các quy định của pháp luật liên quan đến giá cả; xử lý nghiêm các hành vi đầu cơ, găm hàng, đưa tin thất thiệt. Tuy nhiên, theo Chi cục QLTT, kiểm tra, kiểm soát giá cả là vấn đề không đơn giản. Chỉ với riêng các mặt hàng thiết yếu đã có tình trạng không niêm yết giá, mà nếu có niêm yết thì người tiêu dùng cũng khó kiểm tra xác định được đó có đúng là giá theo quy định hay không. Tỉnh ta là thị trường tiêu thụ, hàng tiêu dùng chủ yếu  sản xuất từ nơi khác đưa đến nên quản lý giá trên giá thành sản phẩm từ nơi sản xuất cũng khó thực thi. Trong chương trình bình ổn giá hàng thiết yếu dịp cuối năm, các doanh nghiệp chủ lực tham gia đăng ký với tổng giá trị hàng hóa dự trữ hơn 150 tỷ đồng. Tỉnh đã đồng ý hỗ trợ doanh nghiệp 15,5 tỷ đồng để dự trữ hàng phục vụ tết trong thời gian 2 tháng, tuy nhiên nguồn vốn vay chỉ chiếm tỷ lệ rất nhỏ so với nhu cầu tiêu dùng. Hơn nữa, khi giá cả thị trường nói chung theo đà  tiếp tục tăng cao thì doanh nghiệp được vay vốn ưu đãi cũng khó giữ giá ổn định như kế hoạch vì sẽ gây ra cơ chế hai giá.
Nguồn cung hàng hóa vẫn dồi dào
Nguồn cung hàng hóa vẫn dồi dào

Cùng với các biện pháp hữu hiệu hơn để QLTT, cũng cần lưu ý phòng ngừa việc tăng giá mang tính chất tâm lý. Cơ quan chức năng đã khẳng định nguồn cung - cầu hàng hóa vẫn ổn định, nhiều mặt hàng cung cầu không thiếu, thậm chí rất dồi dào. Trong phiên họp mới đây, Bộ Công thương đã khẳng định sẽ cân đối cung cầu 12 mặt hàng trọng yếu: lương thực, thực phẩm, thép xây dựng, đường, phân bón, muối, xi măng, thức ăn chăn nuôi, xăng dầu, giấy, than và thuốc chữa bệnh, bảo đảm không có hiện tượng thiếu hàng, sốt giá từ nay đến cuối năm và những tháng đầu năm 2011. Từ đó, có thể thấy, vừa qua xảy ra tình trạng chợ đầu mối không tăng giá nhưng chợ bán lẻ giá lại tăng mạnh, giá vàng thế giới giảm nhưng trong nước vẫn tăng, hoặc giá vàng thế giới tăng ít nhưng trong nước lại tăng nhiều…đều là những biểu hiện của việc tăng giá tâm lý. Bên cạnh đó cũng có tình trạng một số tư thương lợi dụng dịp cuối năm gom hàng, thậm chí có thể tung tin thất thiệt, tạo tình trạng sốt giá cục bộ để nâng giá, thu lời bất chính. Do đó, các cơ quan quản lý Nhà nước phải có biện pháp kiểm tra, kiểm soát thị trường thường xuyên ngay tại các địa phương. Để quản lý giá các mặt hàng trên thị trường tự do, cần sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chức năng trong việc tham khảo, đối chiếu giá từ các doanh nghiệp sản xuất đến phân phối, bán lẻ, từ đó tìm ra những điểm bất hợp lý để điều chỉnh; nắm danh sách các doanh nghiệp đã đăng ký niêm yết giá để kiểm tra xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, tăng giá quá mức nhằm trục lợi, tùy hành vi vi phạm có thể áp dụng các hình thức xử lý từ nhắc nhở, phạt hành chính đến rút giấy phép kinh doanh, nêu tên trên các phương tiện thông tin đại chúng. Song song với việc kiểm tra, xử lý vi phạm cần làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật nhằm nâng cao nhận thức của người kinh doanh và người tiêu dùng, đặc biệt chú trọng đẩy mạnh tuyên truyền các chủ trương chính sách điều hành kinh tế, chính sách bình ổn giá cả thị trường để người dân bình tĩnh, không bị cuốn vào “vòng xoáy” đầu cơ, tích trữ, găm hàng hóa, hạn chế thấp nhất vi phạm xảy ra.
Hoa Hồng

Ý kiến bạn đọc