Giao dịch Thương mại điện tử: Cần thận trọng khi chọn đối tác
11:13, 30/11/2010
Theo đánh giá của Bộ Công thương, trong việc đẩy mạnh việc xúc tiến thương mại ra thị trường thế giới, ngoài các phương thức truyền thống như hội chợ, các văn phòng đại diện, trung tâm giới thiệu hàng hoá…gần đây Thương mại điện tử với những tiện ích đáng kể được cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam biết đến nhiều hơn.
Giao dịch thương mại qua mạng mang lại nhiều tiện ích |
Bộ Công thương đã triển khai xây dựng Cổng Thương mại điện tử cho cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam ( ECVN), nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp xuất khẩu hiệu quả hơn. ECVN tập trung vào các ngành hàng có khối lượng giao dịch thương mại lớn, phù hợp với hình thức Thương mại điện tử như: nông sản, thuỷ sản, dệt may, da giày, điện tử, thủ công mỹ nghệ, gốm sứ…
Bán hàng qua Thương mại điện tử, không chỉ giúp các doanh nghiệp mở rộng thị trường mà còn tăng lợi nhuận. Những sàn thương mại lớn trên thế giới như Alibaba.com, Ebay.vn hay Amazon.com cũng đẩy mạnh các hình thức quảng bá nhằm thu hút các khách hàng Việt Nam thông qua các đối tác uy tín tại thị trường này. Theo số liệu thống kế của Trang Thương mại điện tử Alibaba, tính tới hết quý 3/2010, website này có 14,9 triệu thành viên quốc tế từ 240 quốc gia trên toàn thế giới đăng ký (tăng 42,4% so với năm 2009) với tổng số 1,6 triệu gian hàng (tăng 32,3% so với năm 2009), trong đó, 140.000 thành viên đăng ký từ Việt Nam. Cùng với các mặt hàng xuất khẩu online truyền thống, số lượng công ty, doanh nghiệp trong nước sản xuất các ngành hàng đặc thù như vật liệu xây dựng, xăm lốp ôtô, bóng đèn cứu hỏa... tham gia giao thương với nước ngoài qua Internet tăng cao. Theo khảo sát mới đây của Bộ Công thương về hiệu quả kinh doanh qua mạng của doanh nghiệp, 50% doanh nghiệp thấy tham gia sàn giao dịch thương mại điện tử đạt hiệu quả cao, 60% doanh nghiệp đánh giá thương mại điện tử giúp mở rộng kênh tiếp xúc khách hàng; xây dựng hình ảnh doanh nghiệp, giảm chi phí kinh doanh; tăng lợi nhuận và hiệu quả hoạt động; tăng doanh số.
Tuy nhiên, trên thực tế thời gian qua xuất hiện không ít hành vi lừa đảo thông qua Thương mại điện tử rất tinh vi như: mạo danh cơ quan, Chính phủ để lấy uy tín, sử dụng website, hoặc sử dụng các giấy phép xuất nhập khẩu của nước sở tại được chỉnh sửa… nhằm trục lợi. Đại diện của Alibaba.com tại Việt Nam lưu ý: doanh nghiệp tham gia xuất khẩu online nên có các biện pháp giảm thiểu rủi ro. Với đặc thù riêng, nhiều bên giao dịch online không biết nhau, việc tiến tới hợp đồng diễn ra nhanh. Do đó, doanh nghiệp cần có các phương án kiểm chứng đối tác. Ngoài ra, việc ứng dụng xuất khẩu online cần đội ngũ cán bộ triển khai có trình độ năng lực cao, nhạy bén với thị trường và đối tác. Quy trình kinh doanh của doanh nghiệp cũng cần cải tiến cho phù hợp với kênh xuất khẩu đang ngày càng được ưa chuộng này. Nói chung, các doanh nghiệp khi tham gia xuất khẩu cần lưu ý tới các quy định nhập khẩu như: thuế nhập khẩu, giấy phép nhập khẩu, chứng từ nhập khẩu, các mặt hàng hạn chế hoặc cấm nhập khẩu và các tiêu chuẩn, kiểm nghiệm, nhãn mác, chứng nhận và phương thức thanh toán.
Bộ Công thương khuyến cáo: Khi tham gia giao dịch thương mại điện tử, doanh nghiệp cần lựa chọn các đối tác có uy tín. Hiện ở trang Alibaba.com có hai thành viên, thành viên tự do và thành viên xác thực. Tiêu chí đầu tiên doanh nghiệp nên chọn là thành viên xác thực để hợp tác. Các doanh nghiệp xác thực là đã được đối tác thứ ba của Alibaba.com xác thực, đó là doanh nghiệp thật, đang hoạt động thật, và tất cả các thông tin được đưa ra là thông tin thật, như lãnh đạo doanh nghiệp, tên doanh nghiệp, địa chỉ doanh nghiệp đang hoạt động...
Đến nay, Việt Nam có gần 5.000 doanh nghiệp có khả năng xuất khẩu các nguồn hàng ra thị trường thế giới. Theo các chuyên gia, các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam cần nắm bắt thông tin và nhu cầu của các đối tác chủ động hơn nữa nhằm đáp ứng yêu cầu cao nhất của đối tác, nâng khả năng hợp tác thành công và hiệu quả của doanh nghiệp. Đồng thời tạo cơ hội cho những doanh nghiệp lần đầu tiên xuất khẩu, trong đó tham gia vào Thương mại điện tử là một nhu cầu tất yếu trong xu thế hội nhập nền kinh tế quốc tế như hiện nay.
H.H
(Tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc