Multimedia Đọc Báo in

Cần những chuyển đổi tích cực để phát triển vững chắc

08:58, 09/12/2010

Đó là ý kiến của bà Victoria Kwakwa, Giám đốc Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam trong Hội nghị Nhóm các nhà Tài trợ cho Việt Nam thường niên năm 2010 vừa diễn ra tại Hà Nội.

Theo đánh giá của bà Victoria Kwakwa, từ cuộc gặp trước vào tháng 12 năm ngoái đến nay, Việt Nam đã thành công trong vai trò Chủ tịch ASEAN, nâng cao vị thế của Việt Nam trên khu vực và toàn cầu. Qua hơn 2 thập kỷ, Việt Nam đã phát triển từ một trong những nước nghèo nhất trên thế giới thành một nước có vai trò tích cực trong khu vực và toàn cầu, tạo mức sống cao hơn cho đa số người dân và bước vào một giai đoạn phát triển kinh tế mới ở tầm cao hơn. Các chỉ số thu nhập năm 2009 cho thấy Việt Nam đã đứng vào hàng các nước có mức thu nhập trung bình thấp và đây là những thành tựu hết sức quan trọng.
Tuy nhiên, bà Victoria Kwakwa cũng nhận định, mục tiêu phát triển một nền kinh tế công nghiệp tiên tiến hơn và giảm tỷ lệ đói nghèo xuống một con số trong thập kỷ tới đang đặt cho Việt Nam những thách thức lớn.Trong dự thảo Chiến lược Phát triển kinh tế - xã hội 2011-2020 và Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011-2015 đều chỉ ra những lĩnh vực đột phá mà đất nước cần phải tập trung vào để tránh “bẫy thu nhập trung bình” và tiếp tục vươn lên thành một nước kinh tế phát triển. Bản Báo cáo Năng lực cạnh tranh của Việt Nam vừa được công bố cũng nhấn mạnh: để duy trì phát triển nhanh và sự năng động về lâu dài, cần có những thay đổi căn bản trong quá trình phát triển. Do đó, bà Victoria Kwakwa khuyến cáo, Việt Nam cần quan tâm tới ít nhất 4 khía cạnh. Thứ nhất, xây dựng các nguồn lợi thế cạnh tranh mới, dựa vào tăng năng suất, đổi mới, khác biệt hóa sản phẩm và dịch vụ, sử dụng đầu tư và thương mại hiệu quả hơn. Thứ hai, tái xác định vai trò của Chính phủ phù hợp với nhu cầu kinh tế thị trường năng động mới nổi – một vai trò giúp cho thị trường hoạt động tốt; tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng hơn giữa các thành phần kinh tế. Thứ ba, cần lựa chọn một con đường phát triển bền vững về môi trường và có tính đến những thách thức về biến đổi khí hậu. Thứ tư, xác định và thực hiện phương pháp xóa đói giảm nghèo mạnh hơn và hội nhập xã hội rộng hơn…

 

giao dục
Nâng cao chất lượng và tính bền vững của các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ đã đạt được như giáo dục cơ sở
“Những chuyển đổi này rất quan trọng trong việc củng cố những thành tựu trong quá khứ, giành lại động lực phát triển của Việt Nam và đưa đất nước vào con đường vững chắc để phát huy được tiềm năng của mình… Mặt khác, tiền tài trợ và các dạng tài chính ưu đãi khác cho Việt Nam sẽ giảm đi, trong khi nguồn tiền đắt hơn sẽ tăng lên… Thách thức là phải bảo đảm rằng việc này sẽ được thực hiện một cách trật tự để an toàn nợ trong giới hạn kiểm soát được, và không làm ngưng trệ quá trình phát triển, đặc biệt ở những lĩnh vực mà Việt Nam vẫn chưa đạt được mục tiêu phát triển thiên niên kỷ (ví như nước sạch vệ sinh nông thôn, HIV/AIDS), nâng cao chất lượng và tính bền vững của các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ đã đạt được (ví như về giáo dục cơ sở hay xóa đói, giảm nghèo)”- bà Victoria Kwakwa nhấn mạnh.

 

H.H ( Nguồn: HNMO)

 


Ý kiến bạn đọc