Multimedia Đọc Báo in

Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam 2010: HƯỚNG TỚI MÔI TRƯỜNG KINH DOANH MINH BẠCH, CẠNH TRANH BÌNH ĐẲNG

23:33, 02/12/2010
Trước thềm Hội nghị thường niên nhóm tư vấn các nhà tài trợ 2010, sáng 2-12 Diễn đàn doanh nghiệp VN (VBF) do Bộ Kế hoạch - Đầu tư, Ngân hàng Thế giới (WB) và Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) phối hợp tổ chức đã chính thức khai mạc tại Hà Nội.
Với chủ đề “ Cạnh tranh và Tăng trưởng bền vững”, Diễn đàn đã nêu lên những thách thức mà Việt Nam đang phải đối mặt, đồng thời đưa ra những kiến nghị, giải pháp hướng tới một môi trường đầu tư, kinh doanh hoàn thiện và hiệu quả hơn.

Cộng đồng doanh nghiệp lạc quan hơn về môi trường kinh doanh tại Việt Nam

Theo Báo cáo điều tra cảm nhận môi trường kinh doanh năm 2010 mà Ban Thư ký VBF công bố tại Diễn đàn, mức độ lạc quan về môi trường kinh doanh hiện tại của Việt Nam đã tăng so với năm 2009. Các DN tham gia trả lời điều tra, gồm  80% là DN trong nước và 20% có vốn đầu tư nước ngoài đều cho là môi trường kinh doanh năm 2010 có cải thiện hơn những năm trước. Trước đó, Báo cáo môi trường kinh doanh năm 2011 do WB và Tập đoàn tài chính quốc tế phát hành cũng xếp hạng mức độ thuận lợi về môi trường kinh doanh ở Việt Nam tăng 10 bậc. Các DN tin tưởng vào khả năng của VN sẽ vượt qua các thách thức, duy trì tiến trình phục hồi kinh tế, tiếp tục cải cách và môi trường kinh doanh sẽ được cải thiện hơn trong thời gian tới…
Chủ tịch Phòng Thương mại Châu Âu (EuroCham) tại VN  đánh giá: Trong năm 2010, VN đã thực hiện thành công quá trình chuyển đổi chính thức từ một nước có “thu nhập thấp” thành một nước có “thu nhập trung bình” qua việc thúc đẩy các lợi thế kinh tế chính, trong đó có chi phí nhân công tương đối thấp, nguồn tài nguyên thiên nhiên, ưu đãi về địa lý, sự ổn định về chính trị và sự hấp dẫn về một môi trường mới rộng lớn, chưa được khai thác với tiềm năng nội địa lớn. Tuy nhiên, VN cần hiện đại hóa nhiều hơn nữa về đường sá, cảng biển, nhà máy điện và các cơ sở hạ tầng khác để duy trì sự phát triển kinh tế trong thời gian dài hơn. Dự kiến, VN cần ít nhất 70 -80 tỷ USD để đầu tư cho đường bộ, đường sắt và cảng biển trong vòng 5-10 năm tới và Chính phủ cần chia sẻ nhiều hơn nữa công việc này cho khu vực tư nhân, thông qua mô hình hợp tác công tư (PPP). Theo Chủ tịch Phòng thương mại Mỹ (AmCham), thành công của VN trong việc thu hút đầu tư nước ngoài thời gian qua phần lớn được dựa vào kỳ vọng về một nền kinh tế - chính trị ổn định, nhưng cũng lưu ý việc tiền đồng thời gian qua liên tục bị mất giá sẽ giảm sức hấp dẫn của thị trường VN; mong muốn VN có những bước đi mạnh mẽ hơn trong việc cải thiện sự ổn định kinh tế vĩ mô, sự chắc chắn về pháp lý, sở hữu trí tuệ, quan hệ lao động, phát triển nguồn nhân lực, cơ sở hạ tầng để thúc đẩy sản xuất và thương mại…
cơ sửo hạ tầng
Cải thiện cơ sở hạ tầng góp phần thúc đẩy thu hút đầu tư, phát triển kinh tế
 
Cần tạo dựng môi trường cạnh tranh bình đẳng
Để giải quyết tình trạng này, đại diện của các DN cho rằng, Chính phủ Việt Nam nên tiếp tục thực hiện mạnh mẽ các biện pháp nhằm kiềm chế lạm phát, đưa ra các thông điệp chính sách rõ ràng, ổn định hơn, giúp tăng cường lòng tin vào việc quản lý kinh tế vĩ mô của Chính phủ. Đại diện Hội Doanh nhân trẻ nêu ý kiến, để tạo dựng môi trường cạnh tranh bình đẳng, cần điều chỉnh hệ thống pháp luật và ban hành quy định mới để thực hiện "triệt để" việc bình đẳng hóa chính sách đối xử với các DN; không thành lập thêm mà thúc đẩy nhanh hơn nữa quá trình cổ phần hóa, tư nhân hóa các doanh nghiệp Nhà nước để tăng hiệu quả sử dụng vốn cũng như giảm gánh nặng quản lý của Chính phủ; Nhà nước cần tạo điều kiện cho kinh tế tư nhân tham gia sâu vào quá trình phát triển kinh tế của đất nước…Giám đốc WB tại Việt Nam cũng nhận định: khu vực tư nhân đảm nhiệm vai trò ngày càng lớn, quan trọng hơn trong bối cảnh Việt Nam trở thành quốc gia thu nhập trung bình; Việt Nam cần xây dựng các quy định, chính sách quản lý minh bạch, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho hoạt động của khu vực tư nhân.
 Kết thúc Diễn đàn, Bộ trưởng Bộ trưởng Kế hoạch - Đầu tư Võ Hồng Phúc cho rằng, những ý kiến đóng góp thực tế từ cộng đồng DN trong và ngoài nước đều rất quý báu và là cơ sở để Chính phủ VN tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh ngày càng minh bạch, thuận lợi hơn cho các nhà đầu tư, đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội chung của đất nước, hội nhập ngày càng sâu rộng vào thị trường quốc tế. Bản tổng hợp ý kiến của các DN sẽ được gửi tới Hội nghị Nhóm tư vấn các nhà tài trợ cho Việt Nam (CG) diễn ra trong 2 ngày 7 và 8-12 tới để tiếp tục trao đổi, thảo luận.

H.H ( Tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc