Multimedia Đọc Báo in

Nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật lao động tại doanh nghiệp

08:50, 11/05/2011

Toàn tỉnh hiện có gần 5000 doanh nghiệp (DN) chủ yếu là DN vừa và nhỏ, với hơn 102.000 công nhân lao động. Nhằm góp phần xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong DN, thì việc thực hiện pháp luật lao động (PLLĐ) trong các DN cần được đặc biệt chú trọng.

Theo đánh giá của cơ quan chức năng, việc thực hiện PLLĐ trong các DN trên địa bàn gần đây đã có những chuyển biến tích cực. Một số nội dung về ký hợp đồng lao động (HĐLĐ), đăng ký nội quy LĐ, đóng Bảo hiểm xã hội, y tế (BHXH, BHYT) được nhiều DN quan tâm thực hiện. 95% số DN đã thực hiện ký HĐLĐ, tỷ lệ lao động được ký kết HĐLĐ đạt 82%, tăng gần 20% so với 3 năm trước. Việc làm và thu nhập của người lao động tại DN tương đối ổn định, góp phần cải thiện đời sống.

Tuy nhiên, trong thực tế, vẫn còn nhiều trường hợp vi phạm quy định về PLLĐ. Trong các vụ tranh chấp lao động tập thể xảy ra tại một số DN trên địa bàn tỉnh thời gian qua đều có yếu tố vi phạm PLLĐ, gây thiệt hại quyền lợi của người LĐ. Qua kiểm tra định kỳ cũng như đột xuất về thực hiện PLLĐ tại DN, cơ quan chức năng đã phát hiện nhiều vi phạm; phổ biến là tình trạng ký không đúng loại HĐLĐ, ký hợp đồng không đúng đối tượng để tránh phải đóng bảo hiểm cho người LĐ. Đơn cử: theo quy định, người LĐ làm việc và hưởng lương liên tục 3 tháng trở lên thì thuộc diện bắt buộc tham gia BHXH, BHYT.

Nhưng thực tế, DN “né” việc này bằng cách đưa những LĐ thuộc diện phải ký HĐLĐ có thời hạn vào diện “thời vụ”, cứ xong 3 tháng lại ký hợp đồng mới. Nhiều DN tuy tham gia BHXH nhưng lại dây dưa không chịu đóng tiền nhiều năm liền, tính đến nay số nợ tiền BHXH của riêng các DN này đã  hơn 38 tỉ đồng. Riêng về BH thất nghiệp, hiện mới có hơn 120 DN với hơn 24.000 LĐ tham gia. Điều đó đã ảnh hưởng không nhỏ đến việc thụ hưởng các chế độ chính sách với người LĐ. Việc thực hiện nhiều nội dung khác cũng còn hạn chế như xây dựng ký kết thỏa ước LĐ tập thể, an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ)… Hầu như khu vực DN ngoài Nhà nước chưa thực hiện việc xây dựng và ký kết Thỏa ước LĐ tập thể; còn nếu có thì nội dung Thỏa ước cũng chủ yếu mang tính hình thức nhằm đối phó với cơ quan chức năng, chứ không gắn với điều kiện thực tế của DN; không xây dựng quy chế trả lương, trả thưởng, chưa chú trọng việc mở lớp huấn luyện ATVSLĐ, không thực hiện đúng quy định kiểm tra, tu sửa máy móc thiết bị, nhà xưởng, đo kiểm môi trường lao động. Trong tổng số 2.200 DN có từ 10 lao động trở lên, chỉ có 273 DN đăng ký nội quy LĐ, việc thực hiện nội quy LĐ ở các lĩnh vực có nguy cơ tai nạn cao như xây dựng, điện, cơ khí, hóa chất chưa được tuân thủ triệt để nên hàng năm vẫn xảy ra những TNLĐ nghiêm trọng; 5 năm qua trên địa bàn tỉnh xảy ra 27 vụ TNLĐ làm chết người với 33 người chết.

Cần nâng cao kiến thức pháp luật lao động cho cả người lao động và người sử dụng lao động.
Cần nâng cao kiến thức pháp luật lao động cho cả người lao động và người sử dụng lao động.

Tại Hội nghị tổng kết quan hệ LĐ trong các DN trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2005-2010, đại diện các DN thuộc các thành phần kinh tế đã có nhiều ý kiến đóng góp về việc thực hiện PLLĐ trong DN. Theo đó, việc thực thi PLLĐ còn vướng nhiều rào cản cả về khách quan và chủ quan như: DN chỉ  tập trung khai thác lợi nhuận mà bỏ qua việc thực hiện PLLĐ, hoặc DN hoạt động kém hiệu quả, không đủ nguồn lực thực hiện; người LĐ còn hạn chế trong nhận thức về pháp luật, phần lớn không được đào tạo nghề và học tập nghiên cứu pháp luật lao động trước khi làm việc; chưa rèn luyện được tác phong công nghiệp và tinh thần kỷ luật lao động, lại chịu áp lực việc làm rất lớn nên đành chấp nhận thiệt thòi; cơ quan chức năng còn “nhẹ tay” trong công tác thanh kiểm tra, phát hiện và xử lý vi phạm …Nhiều ý kiến cũng bày tỏ băn khoăn: trong bối cảnh khó khăn chung, các DN trên địa bàn đã rất nỗ lực để sản xuất kinh doanh hiệu quả, tạo việc làm cho lao động tại chỗ, nhưng phần lớn DN có quy mô vừa và nhỏ, nguồn lực hạn chế nên trước mắt rất khó tuân thủ triệt để các quy định về pháp luật LĐ, trong khi đó có những quy định không hợp lý và chưa gắn liền với lợi ích thiết thân của DN, nếu cứ vi phạm là bị xử lý thì rất “khó”, mà không xử lý cũng không ổn. Thậm chí, nếu có bị áp dụng chế tài thì các khoản chi phí bỏ ra để khắc phục, nộp phạt được DN xem như một loại chi phí trong quá trình sản xuất, lưu thông hàng hóa và chính người tiêu dùng sẽ chịu chi phí này một cách gián tiếp thông qua giá thành sản phẩm. Những đơn vị thực hiện tốt quy định không chỉ cần tiềm lực tài chính, mà còn cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa Ban giám đốc với tổ chức đoàn thể ở DN trong việc chăm lo, bảo vệ quyền lợi người LĐ. Do đó, điều quan trọng là làm sao giải quyết vấn đề một cách hài hòa, để các DN vừa ổn định, phát triển sản xuất, vừa từng bước thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật LĐ...

Để việc thực thi PLLĐ tại DN đạt hiệu quả hơn trong thời gian tới, các cơ quan chức năng đang triển khai kế hoạch với những nội dung trọng tâm: Nâng cao kiến thức pháp luật LĐ cho người sử dụng LĐ và người LĐ; ban hành quy chế thực hiện các nội dung cơ bản về PLLĐ; đẩy mạnh công tác xây dựng tổ chức Đảng, đoàn thể trong DN tư nhân; phấn đấu đến năm 2012 các DN có sử dụng nhiều lao động (từ 50 người trở lên) đều được thành lập Hội đồng hòa giải cơ sở...Việc áp dụng chế tài với hành vi vi phạm cũng được lưu  tâm. Theo Nghị định 47 quy định xử phạt hành chính về hành vi vi phạm PLLĐ mà Chính phủ mới ban hành, tùy vào tính chất và mức độ của hành vi vi phạm mà tổ chức, cá nhân vi phạm quy định về việc làm, quan hệ lao động; về ATVSLĐ có thể bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 200.000 đồng đến 30.000.000 đồng…Từ đó, chấn chỉnh tình trạng vi phạm PLLĐ, góp phần xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong DN , thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững.

 

Hoa Hồng

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.