Multimedia Đọc Báo in

Chủ động bảo vệ thương hiệu Cà phê Buôn Ma Thuột

15:53, 23/09/2011

Sau khi có thông tin về việc chỉ dẫn địa lý (CDĐL) Cà phê Buôn Ma Thuột bị một doanh nghiệp (DN) Trung Quốc đăng ký bảo hộ độc quyền tại nước này, vừa qua UBND tỉnh đã có văn bản gửi các bộ, tổ chức liên quan  đề nghị hỗ trợ giải quyết. Diễn tiến xử lý vụ việc như thế nào còn chờ vào kết luận chính thức của cơ quan chức năng. Nhưng theo Cục Sở hữu trí tuệ (SHTT), nếu chuyện CDĐL Cà phê Buôn Ma Thuột bị chiếm đoạt ở Trung Quốc là chính xác, thì chỉ có một cách duy nhất là khởi kiện để đòi lại, vì luật pháp Trung Quốc không giải quyết các vụ việc liên quan đến SHTT bằng con đường hành chính. Cà phê Buôn Ma Thuột là thương hiệu lớn, tài sản của Việt Nam, liên quan đến nhiều yếu tố lịch sử, địa lý, xã hội, kinh tế đã tồn tại lâu đời, không thể đổi bằng thương hiệu khác. Bởi vậy, UBND tỉnh Dak Lak là chủ sở hữu, là cấp quản lý cao nhất của CDĐL này nên đứng ra chủ trì khởi kiện càng sớm càng tốt.

Theo các chuyên gia SHTT, tỉnh Dak Lak có đầy đủ cơ sở pháp lý để đòi lại được thương hiệu Cà phê Buôn Ma Thuột. Tuy nhiên, đó mới chỉ giải quyết được một phần vấn đề,  điều quan trọng hơn là phải chủ động bảo vệ tài sản trí tuệ của mình, tránh để xảy ra tình trạng bị chiếm đoạt rồi mới “mất công” đi đòi lại, vừa rắc rối, vừa tốn kém. Hiện nay, CDĐL Cà phê Buôn Ma Thuột cũng như tất cả các CDĐL ở Việt Nam mới chỉ đăng ký bảo hộ trong nước nên đều đứng trước nguy cơ bị nước ngoài chiếm đoạt. Với phần lớn sản lượng cà phê dùng để xuất khẩu, tỉnh nên sớm xúc tiến việc đăng ký bảo hộ CDĐL sản phẩm ra nước ngoài, nhất là đối với các thị trường xuất khẩu trọng điểm như Mỹ, Nhật, EU... Việc đăng ký cần đáp ứng một số điều kiện về thủ tục, kinh phí. Đơn cử, đăng ký nhãn hiệu tại Mỹ cần nộp khoản phí khoảng 2.000 USD và có thể gửi đơn đăng ký bằng điện tử hoặc bằng hồ sơ giấy tờ. Mọi quy trình, thủ tục, đơn xin đăng ký, đơn phản hồi đều được công khai tại website của Cơ quan Sáng chế và Nhãn hiệu Hoa Kỳ (USPTO). Hiện đã có khoảng 200 nhãn hiệu của DN Việt Nam xin đăng ký bảo hộ tại Mỹ. Với thị trường EU, theo hệ thống nhãn hiệu quốc tế (WIPO) của Nghị định thư Madrid, DN không cần đăng ký từng nước mà cứ tham gia vào hệ thống WIPO sẽ được chấp nhận bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa ở 70 quốc gia EU…

Như vậy, việc đăng ký bảo hộ ở nước ngoài không phải là quá khó khăn, cơ bản là mỗi doanh nghiệp phải ý thức được tầm quan trọng của vấn đề.  Trong quá trình kinh doanh, xuất khẩu, thâm nhập thị trường nước ngoài, việc đầu tiên DN cần làm là tìm cách bảo vệ tài sản SHTT của mình, tuy có tốn kém bước đầu nhưng sẽ mang lại lợi ích tổng thể lâu dài.

Hoa Hồng

Ý kiến bạn đọc