Bàn về "tái cơ cấu"
Thời gian gần đây, “tái cơ cấu” là cụm từ thường xuyên xuất hiện ở nhiều nơi, từ tái cơ cấu ngành Ngân hàng, Công thương, đến tái cơ cấu ngành Nông lâm nghiệp... Và nhiều người nói “tái cơ cấu” giờ như “hội chứng” vậy, nhưng cách làm, hiệu quả đến đâu thì còn là một câu chuyện dài.
Trước thực tiễn phát triển, các ngành sản xuất - dịch vụ phải tái cơ cấu để điều chỉnh chiến lược thị trường, tăng nhanh giá trị nội địa, giá trị gia tăng và sức cạnh tranh của sản phẩm, doanh nghiệp (DN) cũng như nền kinh tế. Thế nhưng ít ai để ý rằng bất cứ ngành nào, lĩnh vực gì muốn “tái cơ cấu” thành công phải bắt nguồn từ yếu tố con người. Chẳng hạn trong ngành Nông nghiệp, một trong những ngành mà việc tái cơ cấu được đánh giá là thuận lợi nhất, nhưng sau 2 năm triển khai, nền nông nghiệp nước ta vẫn còn ngổn ngang trước ngưỡng cửa hội nhập đã rộng mở. Một trong những quan điểm của tái cơ cấu là nhằm phát triển ngành Nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Muốn vậy, yếu tố quan trọng nhất là người nông dân phải đổi mới quy trình sản xuất, công nghệ và thiết bị để nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh và sử dụng tài nguyên hiệu quả hơn. Chuyện nghe có vẻ rất đơn giản nhưng vẫn không thực hiện được. Dẫn chứng cho khó khăn trong vấn đề này, cách đây không lâu, có một DN rất tâm huyết với việc phát triển nông nghiệp sạch theo hướng bền vững, nhưng sau một thời gian đầu tư tại Đắk Lắk đã phải “buông xuôi” vì không thể thay đổi được nhận thức, tập quán sản xuất của người nông dân. DN này đã đến nhiều vùng trong tỉnh, đầu tư hàng tỷ đồng, thực hiện “cùng ăn, cùng ở, cùng làm” với nông dân để xây dựng nhiều mô hình nông nghiệp theo hướng bền vững. Thế nhưng sản phẩm làm ra vẫn không đạt tiêu chuẩn chất lượng. Sau nhiều thất bại, chủ DN trên đã phải cay đắng nhận ra rằng, “có mình ở đó thì không sao, cứ quay lưng đi là người ta lại phun thuốc trừ sâu vào, hỏi sao làm nông nghiệp sạch được”…
Một dẫn chứng nhỏ, ở một ngành thuận lợi để cho thấy việc tái cơ cấu đòi hỏi nhiều yếu tố, trong đó yếu tố con người vẫn đóng vai trò cốt lõi. Có thể khẳng định, tái cơ cấu các ngành đang là đòi hỏi cấp thiết, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam trong quá trình hội nhập khu vực và toàn cầu. Nhưng trước khi đưa ra những mục tiêu to tát, các ngành cần “tái cơ cấu” lại chính bộ máy, con người rồi mới đến những bước tiếp theo.
Giang Nam
Ý kiến bạn đọc