Multimedia Đọc Báo in

CA HUYỆN BUÔN ĐÔN: Vững vàng tuyến biên giới

09:27, 13/07/2010
Là huyện biên giới với 39 km tiếp giáp tỉnh Munđunkiri của nước bạn Campuchia, địa hình rừng núi phức tạp, dân cư thưa thớt, trình độ dân trí thấp…, trong những năm qua, huyện Buôn Đôn luôn được xác định là một trong những điểm nóng về ANTT trên địa bàn tỉnh.
 
Để thường xuyên bảo đảm an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội  trên địa bàn, lực lượng cán bộ, chiến sĩ Công an huyện Buôn Đôn đã tăng cường xuống cơ sở để nắm chắc tình hình, triển khai đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ đấu tranh có hiệu quả với các loại tội phạm. Đặc biệt, trước tình trạng vi phạm lâm luật, chống người thi hành công vụ diễn ra vô cùng nóng bỏng tại Vườn Quốc gia (VQG) Yok Đôn, lực lượng CA huyện Buôn Đôn đã chủ động sát cánh cùng với Hạt kiểm lâm VQG, Hạt kiểm lâm huyện… đấu tranh phòng chống lâm tặc với phương châm “tấn công không khoan nhượng, xử lý nghiêm khắc các đối tượng vi phạm”.
 
Từ đầu năm 2008 đến nay trên địa bàn huyện đã xảy ra 6 vụ lâm tặc chống người thi hành công vụ, CA huyện đã kết thúc điều tra, khởi tố 2 vụ với 8 đối tượng, xử lý hành chính 2 vụ và đang tiếp tục điều tra, thu thập chứng cứ 2 vụ còn lại. Điển hình nhất là vào đêm 8-1-2010 kiểm lâm VQG Yok Đôn phát hiện xe ô tô mang 2 biển số (được buộc đè lên nhau) 49H-4058 và 47P-1647 chở khoảng 4m3 gỗ hương (nhóm IIA) đã được xẻ thành phách tại sân nhà ông Y Thông Bkrông, xã Krông Na (Buôn Đôn). Khi tiến hành lập biên bản, đưa xe tang vật về trụ sở để xử lý thì bất ngờ lực lượng kiểm lâm bị bọn lâm tặc cùng một nhóm người dân quá khích bao vây, ném đá đồng thời tìm cách xả gỗ lậu xuống để tẩu tán và phi tang. Tình thế trên buộc lực lượng kiểm lâm VQG Yook Đôn phải nhờ đến lực lượng bộ đội thuộc Tiểu đoàn cơ động (thuộc Bộ Chỉ huy biên phòng tỉnh) đóng quân gần đó hỗ trợ, thu gom lại được hơn 20 phách gỗ lậu (khoảng 2m3) chưa bị tẩu tán cùng xe ô tô đưa về doanh trại quân đội. Sau khi lực lượng kiểm lâm rút về trong doanh trại của Tiểu đoàn cơ động, bọn lâm tặc tiếp tục xúi giục, lôi kéo hàng chục người dân xung quanh phong tỏa lối ra, không cho lực lượng kiểm lâm ra khỏi địa bàn. Nhận được tin báo, khoảng 8 giờ 30 phút ngày 9-1, Thượng tá Cao Thành Vinh, Trưởng CA huyện đã trực tiếp chỉ huy 20 cán bộ, chiến sĩ xuống tận hiện trường triển khai công tác vận động giải thích, đề nghị bà con giải tán, không được cản trở hoạt động thi hành công vụ của lực lượng kiểm lâm. Chỉ sau hơn 1 tiếng đồng hồ, lực lượng CA huyện đã hoàn thành nhiệm vụ, bảo đảm an toàn cho lực lượng kiểm lâm VQG đồng thời áp tải xe ô-tô tang vật ra khỏi hiện trường.
CA huyện Buôn Đôn thường xuyên về các thôn, buôn gặp gỡ, trao đổi công việc với bà con
CA huyện Buôn Đôn thường xuyên về các thôn, buôn gặp gỡ, trao đổi công việc với bà con

Không chỉ đấu tranh có hiệu quả với các hoạt động, thủ đoạn của lâm tặc, CA huyện Buôn Đôn đã ra sức thi đua, lập nhiều chiến công trên tất cả các mặt trận. Trong 5 năm (từ 2004 đến 2009), lực lượng CA huyện đã phát hiện, đấu tranh bóc gỡ, vô hiệu hóa 184 cơ sở ngầm FULRO, bắt giữ 9 tên cầm đầu nguy hiểm để truy tố trước pháp luật. Trong 5 năm, trên địa bàn huyện xảy ra 215 vụ phạm pháp hình sự, CA huyện đã điều tra, làm rõ 179 vụ (đạt tỷ lệ 82,11%), trong đó tỷ lệ khám phá án nghiêm trọng và đặc biệt rất nghiêm trọng đạt trên 95%. CA huyện cũng đã tham gia tích cực vào công tác phân giới, cắm mốc biên giới giữa huyện Cô-Nhét (tỉnh Munddikirri, Campuchia) và huyện Buôn Đôn (Việt Nam), đến nay đã hoàn tất.
 
Với những thành tích đã đạt được trong 5 năm qua, CA huyện Buôn Đôn đã được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương chiến công hạng Ba, 2 lần được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen và nhiều bằng khen, giấy khen do Bộ Công an, UBND tỉnh, huyện tặng. CA huyện Buôn Đôn xứng đáng là “Đơn vị quyết thắng”, đơn vị tiêu biểu trong công tác tấn công trấn áp các loại tội phạm, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.
 
Hoa Anh

Ý kiến bạn đọc


(Video) Sản xuất bền vững, tăng giá trị cà phê Krông Năng
Trong những năm gần đây, huyện Krông Năng triển khai nhiều chương trình, đề án phát triển cà phê bền vững. Trong đó, Chương trình sản xuất kết hợp với bảo tồn nguồn tài nguyên và an sinh xã hội (còn gọi là Compact Krông Năng) đã làm thay đổi nhận thức của người dân, hướng đến sản xuất bền vững, sản xuất có trách nhiệm.