Multimedia Đọc Báo in

Ấm tình quân dân trên đất lũ vùng biên

08:49, 22/12/2010

Ea Súp - huyện biên giới phía Tây của tỉnh được biết đến với thời tiết khắc nghiệt. Là vựa lúa mùa cùng diện tích trồng hoa màu rất lớn, nhưng năm nào Ea Súp cũng phải gánh chịu thiệt hại do lũ lụt gây ra bởi địa hình có độ dốc, lại có nhiều con sông bao quanh. Trong lũ lụt, hình ảnh Anh bộ đội Cụ Hồ bất chấp mưa lũ cứu dân, cứu mùa màng đã tạo nên mối ân tình quân dân sâu đậm nơi mảnh đất vùng biên này.

Tìm về Ban Chỉ huy quân sự huyện với ý định viết bài về đơn vị, chúng tôi gặp chính trị viên Nguyễn Văn Hoan. Khi được hỏi về những chiến công, việc làm của đơn vị trong việc cứu, giúp dân trong bão lũ, anh Hoan cười nói: "Đó là nhiệm vụ của đơn vị, một việc bình thường thôi mà".

Anh cho biết, dù mùa mưa lũ 2010 đã qua nhưng không vì thế mà đơn vị lơ là mất cảnh giác. Nhiệm vụ huấn luyện, chuẩn bị lực lượng, phương tiện luôn được đơn vị xác định là công việc thường xuyên. Vào đầu năm đã hoàn tất mọi công tác chuẩn bị như lên kế hoạch, bố trí con người, phương tiện, tổ chức luyện tập để sẵn sàng ứng phó khi có tình huống khẩn cấp. Anh kể về một tình huống cứu dân trong bão lũ năm 2009, cho thấy tinh thần sẵn sàng phản ứng nhanh của đơn vị. Đó là thời điểm sau cơn bão số 9 đi qua, tưởng chừng mọi việc đã êm xuôi, nhưng sau đó trời lại bất ngờ đổ mưa to mấy ngày liền, có 13 người dân ở thôn 3 xã Cư M’lan đi làm rẫy ở thôn 5 ngủ lại tại chòi nên bị nước lũ bao vây. Lúc đó đã 12 giờ đêm, đơn vị trực nhận được tin từ UBND huyện chỉ đạo phải về ngay thôn 5 cứu dân. Nhận được lệnh, đơn vị liền điều một ca nô và gần chục cán bộ chiến sĩ lập tức lên đường. Lúc này, chiến sĩ Lê Bá Nhật, người lái ca nô nhiều kinh nghiệm đang nghỉ phép, nhưng nhận được lệnh của chỉ huy phải đi cứu người ngay trong đêm, không chần chừ anh vội lên xe máy đội mưa đến Ban Chỉ huy quân sự huyện và chỉ trong vòng chưa đầy 30 phút anh cùng các đồng đội đã có mặt tại nơi có người bị nạn. Lúc đó trời rất tối lực lượng trên bờ phải nổ xe máy, xe quân dụng pha đèn để đồng đội lái ca nô len cây rừng xuôi dòng nước dữ tìm đến lán của những người dân gặp nạn. Khi đến nơi, những người trên chòi đã bị nước ngập đến đầu gối. Sau khi được các chiến sĩ của Ban Chỉ huy quân sự huyện đưa về nơi an toàn, những người gặp nạn đã ôm chầm lấy các anh mà khóc và không ngớt lời cảm ơn tinh thần quả cảm cứu người của các chiến sĩ. Sau khi đưa 13 người về nơi an toàn, cán bộ chiến sĩ cùng phương tiện lại vội quay trở về đơn vị để sẵn sàng nhận nhiệm vụ mới, cũng là lúc trời bắt đầu sáng.

Bộ đội giúp dân thu hoạch lúa sau lũ ở xã Ea Lê (huyện Ea Súp).
Bộ đội giúp dân thu hoạch lúa sau lũ ở xã Ea Lê (huyện Ea Súp).


Chúng tôi tìm gặp chiến sĩ Lê Bá Nhật hỏi về danh tính của những người dân được cứu, anh Nhật chỉ cười: “Nhiệm vụ của mình lúc đó là làm sao cứu được dân ra khỏi nơi nguy hiểm, đưa đến nơi an toàn rồi tức tốc về đơn vị báo cáo tình hình và nhận nhiệm vụ mới nên thời gian đâu mà tìm hiểu người mình cứu tên gì!” Được biết thêm qua xem trên truyền hình chiếu cảnh cứu 13 người dân thoát khỏi lũ dữ cơn bão số 9, một người dân ở phường Tân Thành, TP. Buôn Ma Thuột vì cảm kích sự dũng cảm, quên mình cứu dân của các anh đã làm một bài thơ dài cả trang giấy A4 gửi tặng cán bộ chiến sĩ đại đội. Với các anh đó là những món quà, nguồn động viên tinh thần rất lớn để các anh tiếp tục vươn lên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Sau mỗi cơn lũ đi qua, các anh lại về xã cùng dân khắc phục hậu quả như dựng lại nhà, thu hoạch lúa, hoa màu, v.v… giúp dân sớm ổn định cuộc sống. Lúc đó, các anh lại giống như những người nông dân, cùng ăn cùng ở với bà con. Người dân đón các anh như người thân trong nhà, cùng chia những cốc nước chè xanh, củ khoai, bắp ngô lót dạ ngay trên đồng ruộng.

Lệ Văn


Ý kiến bạn đọc