Kết quả sau 3 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 32/CP của Chính phủ
Sau 3 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 32/CP của Chính phủ, đến nay, tai nạn giao thông (TNGT) trên địa bàn tỉnh đã giảm cả 3 tiêu chí, giảm 106 vụ (26,3%), 81 người chết (20,3%), 131 người bị thương (35,7%) so với năm 2007. Tỷ lệ TNGT trên 10.000 phương tiện giảm rõ rệt, từ 7,67 vụ, chết 7,6 người, bị thương 7 người năm 2007, xuống chỉ còn 4,16 vụ, chết 4,45 người và bị thương 2,6 người trong năm 2010. Để đạt được kết quả quan trọng trên, không thể không kể đến vai trò của lực lượng CSGT - CA tỉnh đã tham mưu và là lực lượng nòng cốt trong việc triển khai thực hiện.
Một nguyên nhân quan trọng của việc TNGT gia tăng là do công tác phối hợp giữa các cơ quan, ban, ngành có chức năng tuyên truyền và quản lý Nhà nước về trật tự an toàn giao thông (ATGT) còn yếu. Ý thức rõ điều này nên trong 3 năm qua, Phòng CSGT đã làm tốt vai trò tham mưu và phối hợp toàn diện được với các sở ngành, đoàn thể để đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về ATGT. Theo đó, đã phối hợp tổ chức được 175 buổi nói chuyện trực tiếp, tập huấn về: Luật Giao thông đường bộ năm 2008, Nghị định 34/CP của Chính phủ về Quy định xử phạt vi phạm hành chính trên lĩnh vực Giao thông đường bộ và văn bản hướng dẫn của các Bộ ngành cho các cơ quan, đơn vị… thu hút 172.859 học sinh, sinh viên, cán bộ, công nhân viên chức tham gia. Hằng ngày, hằng tuần Phòng CSGT – CA tỉnh đều cập nhật tình hình trật tự ATGT đưa tin trên truyền hình; xây dựng được 41 phóng sự phản ánh thực trạng về tình hình trật tự ATGT, biểu dương hình ảnh đẹp, phê phán những người vi phạm; 2 phim khoa giáo hướng dẫn về Luật Giao thông đường bộ năm 2008; NĐ34/CP của Chính phủ chiếu rộng rãi trong nhân dân. Phòng cũng đã phối hợp với Công an các huyện, thành phố, thị xã trên toàn tỉnh và các ban, ngành ở cơ sở cấp phát 150.000 tờ rơi (trong đó có 100.000 tờ được in bằng 3 thứ tiếng Kinh, M’nông, Êđê) đề cập đến những quy định và mức xử phạt các hành vi mà người dân khi tham gia giao thông thường vi phạm để tiếp tục thực hiện chương trình đưa luật giao thông về vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Đặc biệt đã phối hợp với các linh mục ở các Giáo xứ tổ chức tuyên truyền Luật Giao thông đường bộ cho 1.500 giáo dân; phối hợp với Ban ATGT tỉnh, trường Cao đẳng văn hóa nghệ thuật tỉnh, Nhà văn hoá TTN tỉnh tổ chức cuộc thi sáng tác tranh biếm họa với chủ đề “Hiểm họa về rượu, bia và TNGT” với 30 tranh đạt giải và thu hút được 8.985 lượt người xem…
Lực lượng CSGT trước lúc lên đường tuần tra. |
Bên cạnh đó, Phòng CSGT – CA tỉnh còn tham mưu cho UBND tỉnh, Ban ATGT tỉnh phát động Hội thi “Sân khấu không chuyên với đề tài trật tự an toàn giao thông” tổ chức 2 năm 1 lần ở 3 cấp (xã, huyện, tỉnh) đã thu hút được hàng vạn người thi và tìm hiểu pháp luật; tham gia Hội thi “Người tự quản tìm hiểu pháp luật về giao thông đường thủy nội địa” và đoạt giải Ba cụm Miền trung - Tây Nguyên; dựng 500 panô, 6 bảng cảnh báo lớn đặt trên tuyến quốc lộ, trong đô thị nhằm hướng dẫn, nhắc nhở, cảnh báo người tham gia giao thông; tổ chức chiếu các phim phóng sự, khoa giáo với chủ đề ATGT cho hàng trăm nghìn lượt người ngay tại nơi xử lý vi phạm và đăng ký phương tiện.
Việc tổ chức triển khai các giải pháp theo lộ trình Nghị quyết 32/CP của Chính phủ đã được lực lượng CSGT tập trung nghiên cứu, phân tích đánh giá tìm ra nguyên nhân, điều kiện xảy ra tai nạn giao thông để kiến nghị với Ban ATGT tỉnh chỉ đạo các cấp, các ngành thực hiện được 10 giải pháp phòng ngừa tai nạn. Phòng đã lập mới các hồ sơ điều tra cơ bản tuyến Quốc lộ 14, 26, 27 và Tỉnh lộ 1; kiến nghị khắc phục 27/27 điểm phức tạp về trật tự an toàn giao thông thường xảy ra tai nạn (đã triệt tiêu được 13 điểm có những yếu tố bất cập về đường sá); tham gia góp ý vào quy hoạch chỉ giới đường đỏ các tuyến đường chính trong đô thị; phát triển về phương tiện vận tải công cộng; tham gia xây dựng Quy chế về mối quan hệ phối hợp giữa chính quyền địa phương các cấp với đơn vị quản lý đường bộ, thanh tra giao thông trong quản lý, bảo vệ, giải tỏa chống tái lấn chiếm hành lang ATGT.
Ngoài ra, lực lượng CSGT đã triển khai 9 đợt cao điểm tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm hành chính về trật tự an toàn giao thông; phối hợp xây dựng 3 kế hoạch liên ngành tăng cường quản lý hoạt động vận tải về giao thông đường bộ, đặc biệt là chấn chỉnh hoạt động vận tải khách liên tỉnh bằng ôtô; tham mưu cho Giám đốc Công an tỉnh huy động 6 đợt lực lượng Công an xã và Cảnh sát khác tham gia công tác bảo đảm trật tự ATGT ở cơ sở; đổi mới phương thức tuần tra kiểm soát, tập trung trên các tuyến đường giao thông trọng điểm phức tạp, thời gian nhạy cảm, các đối tượng thường gây ra tai nạn… Kết quả, các lực lượng đã phát hiện lập biên bản 373.634 trường hợp vi phạm; tạm giữ 123.951 lượt phương tiện; xử phạt 354.528 trường hợp, thu nộp ngân sách Nhà nước hơn 91,3 tỷ đồng, tước giấy phép lái xe 4.921 trường hợp; tuần tra kiểm soát hơn 800 ca ban đêm, ngăn chặn, bắt giữ xử lý 267 trường hợp lạng lách đánh võng.
Có thể nói, bằng việc triển khai đồng bộ, liên tục, mạnh mẽ, quyết liệt các biện pháp bảo đảm trật tự ATGT trong 3 năm qua, lực lượng CSGT – CA tỉnh đã góp phần tích cực, quan trọng bảo đảm trật tự an toàn xã hội, thực hiện tốt mục tiêu kiềm chế làm giảm tai nạn giao thông ở địa phương.
Ý kiến bạn đọc