Biên cương nồng đượm ân tình
Đã chớm xuân nhưng trời Tây Nguyên vẫn ràn rạt gió. Tỉnh lộ 1 từ Buôn Ma Thuột về Buôn Đôn, Ea Súp – 2 huyện biên giới của Dak Lak có các đồn biên phòng đứng chân – nham nhở, loang lổ với đầy những ổ voi, ổ gà và từng luồng bụi đỏ mù trời trong gió càng khiến con đường trở nên dài hơn. Quãng đường chỉ hơn 100 km nhưng chúng tôi phải mất gần 5 tiếng đồng hồ mới tới được Đồn Biên phòng 799 – điểm đến đầu tiên trong hành trình đi dọc đường biên vào một ngày giáp Tết...
Trên đường tuần tra. (Ảnh: Việt Cường) |
Quá “quen mặt” với chúng tôi nên Thiếu tá Đồn trưởng Bùi Quốc Lương không cần khách sáo: “Với phương châm đồn là nhà, biên giới là quê hương... anh em phải tự nhiên như ở nhà, no bụng rồi mới làm được việc”. Nói rồi anh dẫn chúng tôi ra ngay sau nhà ăn. Bữa cơm hôm ấy, anh đãi chúng tôi món cơm với rau rừng và cá biển, ngon tuyệt! Như đọc được thắc mắc của khách vừa mới ở phố lên rừng, đồn trưởng Lương tếu táo: “Các anh đừng chê cơm ở đồn nhé. Ngay cả cá biển tươi chúng tôi cũng có ăn hằng ngày thì ai dám bảo rằng lính biên phòng thiếu thốn chứ!”...
Hỏi ra mới biết, thời gian gần đây nhờ đường sá thuận tiện hơn nên đã dần hình thành những nhóm người chuyên chở hàng hóa các loại từ huyện, thành phố vào dọc tuyến biên giới để bán, hoặc đổi. Thông qua những cái “chợ di động” này đã giải quyết được phần nào nhu cầu nhu yếu phẩm cho cán bộ chiến sĩ đóng quân ở các đồn biên phòng... Còn nhu cầu về giải trí, văn hóa, thông tin..., theo anh Lương thì ở đây cũng đã được đầu tư cơ bản. Các công trình như đường sá, điện thắp sáng, sóng điện thoại di động... đã được xây dựng. Thậm chí cả đầu thu sóng truyền hình... cũng đã được trang bị để cán bộ chiến sĩ có điều kiện theo dõi tin tức thời sự và giải trí... Tất cả những gì mà cán bộ chiến sĩ các đồn biên phòng có được như hôm nay chính là nhờ sự quan tâm đầu tư của Đảng, Nhà nước, sự hỗ trợ kịp thời của chính quyền địa phương..., và hơn hết chính là tấm lòng của đồng bào hậu phương hướng về biên giới.
Kiểm tra Cột mốc chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc. (Ảnh: V.C) |
Anh Lương tâm sự, ở đây cái mà anh em thiếu thốn nhất là tình cảm gia đình. Nhưng bù lại thì đã có sự quan tâm chia sẻ, động viên của người dân địa phương, người dân thuộc địa bàn đồn phụ trách. Và ngược lại, ngoài trách nhiệm tuần tra, bảo vệ biên giới thì nhiệm vụ vô cùng quan trọng của người lính biên phòng chính là hỗ trợ chính quyền địa phương giữ vững ổn định chính trị, giúp đỡ nhân dân các xã địa bàn trong mọi mặt đời sống. Nhờ đó, tình quân dân nơi miền biên giới ngày càng thêm đượm nồng hơn.
Trong cái lạnh se sắt chiều biên giới, câu chuyện giữa chúng tôi và Trung tá Nguyễn Hữu Phúc, Đồn trưởng Đồn Biên phòng 737 vẫn ấm nồng với những kỷ niệm khó quên của vị chỉ huy đơn vị cùng anh em cán bộ chiến sĩ nơi tuyến đầu Tổ quốc. Đó là những chuyến đi tuần tra biên giới cả tuần, phải ăn suối ngủ rừng; mưa không nấu được cơm, nắng không đủ nước uống. Có những đợt rét đến cóng người, đội tuần tra vẫn phải lội suối trèo đèo vì nhiệm vụ... “Nhưng bù lại, chúng tôi cảm thấy vinh dự vì được cống hiến, hy sinh cho sự bình yên của đất nước, của nhân dân. Và hơn thế, chúng tôi vẫn được sống trong sự chở che, đùm bọc của người dân trong vùng biên giới...” – anh Phúc tâm tình. Với phương châm “đồn là nhà, biên giới là quê hương, đồng bào các dân tộc là anh em một nhà”, không riêng gì Đồn 737 mà cán bộ, chiến sĩ các đồn biên phòng luôn xác định được nhiệm vụ của mình là hoàn thành tốt công tác bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới, đồng thời thông qua công tác vận động quần chúng để tạo dựng được mối quan hệ tình cảm, gắn bó với nhân dân, tạo nên “thế trận lòng dân biên giới”.
Đội công tác địa bàn Đồn Biên phòng Sêrêpôk hướng dẫn nôgn dân Buôn Đray Phốc trồng cây lúa nước. (Ảnh: V.C) |
Nhiệm vụ này trong những năm gần đây đã được lực lượng Bộ đội Biên phòng (BĐBP) cụ thể hóa bằng việc góp tiền, góp công thực hiện các chương trình “Mái ấm người nghèo nơi biên giới” và “Nghĩa tình Trường Sơn”. Kết thúc đợt vận động, chương trình đã xây dựng được 90 căn nhà tặng các hộ gia đình khó khăn trên địa bàn các xã Ia R’vê, Ea Bung, Ea Lốp (huyện Ea Súp) và xã Krông Na (huyện Buôn Đôn). Điều đáng trân trọng hơn là ngoài việc góp tiền, tất cả những ngôi nhà nói trên đều được BĐBP góp thêm công vào xây dựng... Nói như ông Hồ Văn Điều ở thôn 3 xã Ia R’vê thì “ở mỗi góc bếp hay mái nhà trong chương trình này đều mang hình bóng và thấm đẫm mồ hôi của người lính biên phòng”... Ngày được bàn giao nhà mới, ông Điều không giấu nổi niềm cảm kích, nghẹn ngào: “Gần 50 tuổi, tôi đã từng lặn lội mưu sinh nhiều nơi, từ Sài Gòn đến Bình Thuận mà vẫn chưa dựng nổi một căn lều chắn gió che mưa. Cơ may đã đến với gia đình khi về sinh sống ở đây được chính quyền địa phương và đặc biệt là những người lính biên phòng quan tâm, hỗ trợ kinh phí, ngày công để làm được một ngôi nhà khang trang. Món quà này đã như là sợi dây tình cảm cột chân khiến tôi thêm gắn bó, yêu mến vùng biên giới này”.
Nhắc đến những đóng góp của lực lượng BĐBP đối với địa phương, ông Lê Thanh Hải, Chủ tịch UBND xã Ia R’vê khẳng định với chúng tôi là “không thể nào đo đếm đủ hết được”. Ông Hải ví cán bộ chiến sĩ BĐBP như là “những con người đa năng”, bởi ngoài nhiệm vụ bảo vệ biên cương thì các anh còn đảm đương được rất nhiều công việc khác như tham mưu giúp Đảng ủy, chính quyền địa phương xây dựng hệ thống chính trị cơ sở; vận động quần chúng, giúp dân làm nhà; hướng dẫn dân cách trồng lúa, làm rẫy... Ông Hải khẳng định rằng, tình hình an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội ở Ia R’vê trong thời gian qua được giữ vững, một phần quan trọng chính là nhờ lực lượng BĐBP...
Tổ chức khám chữa bệnh định kỳ cho nhân dân được xem là nhiệm vụ thường xuyên của cán bộ chiến sỹ các đồn biên phòng. (Ảnh: V.C) |
Không chỉ quan tâm giúp đỡ người dân nơi biên giới ổn định cuộc sống, phát triển kinh tế, công tác chăm sóc sức khỏe cho nhân dân cũng luôn được các cán bộ chiến sĩ BĐBP xem như là một nhiệm vụ thường xuyên. Đặc thù các xã biên giới là có địa bàn rộng, giao thông đi lại khó khăn, người dân ít có điều kiện đến được với cơ sở y tế để khám chữa bệnh. Trước thực tế đó, lãnh đạo các đồn đã phân công bộ phận quân y định kỳ hằng tháng vượt suối xuyên rừng về tận các thôn, buôn để khám bệnh, cấp phát thuốc và tổ chức tuyên truyền phòng chống dịch bệnh cho nhân dân. Thậm chí, chỉ để phục vụ công tác khám chữa bệnh cho mấy chục hộ dân ở buôn Đrang Phốk (xã Krông Na, Buôn Đôn) thuộc địa bàn Đồn Biên phòng Sêrêpôk quản lý, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh đã vận động xây hẳn một trạm y tế ngay tại buôn. Về Đrang Phốk, nhắc đến BĐBP, từ người già trẻ em đều tỏ lòng quý trọng và tin yêu. Thay lời muốn nói của bà con, Trưởng buôn Y Phút Bu Dăm rưng rưng nhớ lại: “Trước kia không có bác sĩ, bà con trong buôn bị bệnh tật ốm đau đi đến mấy chục cây số ra trạm xá ngoài xã. Đường sá xa xôi, vất vả, phương tiện thiếu thốn đã khiến không ít trường hợp người bệnh đành chịu buông xuôi... Từ ngày có cán bộ quân y biên phòng vào tận nơi, xây cả trạm xá để ở lại chăm sóc sức khỏe, hướng dẫn cách phòng tránh bệnh thì bà con mừng lắm. Thậm chí chỉ mới nhức đầu, sổ mũi thôi là bà con cũng đã tới trạm xin thuốc rồi”...
Qua từng câu chuyện với những lời tâm tình của người dân vùng biên giới càng khắc họa trong chúng tôi hình ảnh sáng ngời của những người lính biên phòng, từ những hoạt động âm thầm tuần tra bảo vệ vững chắc biên cương, đến việc về với thôn buôn giúp dân lao động sản xuất, ổn định cuộc sống... Và rồi, từ tình cảm gắn bó, yêu thương của người dân vùng biên giới dành cho lính biên phòng ấy, mỗi người lại ý thức hơn về bổn phận, trách nhiệm của mình trong phong trào bảo vệ an ninh biên giới, để góp phần cùng với BĐBP bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới thiêng liêng của Tổ quốc...
Việt Cường – Đăng Triều
Ý kiến bạn đọc