Multimedia Đọc Báo in

Sức trẻ ở Trường Sa

10:36, 14/03/2011

Đúng vào dịp kỷ niệm 35 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, chúng tôi vinh dự được đến quần đảo Trường Sa theo “Hành trình tuổi trẻ vì biển đảo quê hương” do Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh phối hợp với Quân chủng Hải quân tổ chức.

Tình cờ tâm sự với những chiến sĩ trẻ đang làm nhiệm vụ trên đảo, chúng tôi mới vỡ ra nhiều điều về cuộc sống của người lính Trường Sa. Từ những miền quê khác nhau, những thanh niên giàu lý tưởng đã tình nguyện ra nơi đầu sóng ngọn gió để góp phần bảo vệ bình yên của Tổ quốc. Cô giáo trẻ Bùi Thị Nhung, 29 tuổi, đến từ huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa là giáo viên duy nhất và kiêm luôn Tổ trưởng tổ phụ nữ trên đảo. Đang ở đất liền, với nhiệt huyết của tuổi trẻ, khi ra trường Nhung đã tình nguyện đi dạy ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, nhưng khi nghe nói các em nhỏ ngoài Trường Sa không có giáo viên nên cô đã làm đơn tình nguyện xin ra đảo công tác, thấm thoắt đã được hơn 2 năm. Cả Trường Sa mênh mông, một mình cô Nhung dạy 10 học sinh, từ mầm non đến lớp 5. Có ngày cô dạy 4 ca, phòng học chia thành 2 lớp, quay bên này dạy mầm non, bên kia là lớp 1! “Cuộc sống trên đảo rất tốt, được Đảng và Nhà nước quan tâm rất nhiều, mọi người dân yên tâm bảo vệ và xây dựng đảo, em thấy mình rất vinh dự và tự hào khi được dạy các thế hệ tương lai của Trường Sa” - cô gái trẻ tươi cười.

Không hoa mỹ, không khách sáo, đôi mắt sáng nổi bật trên khuôn mặt sạm nắng đầy mồ hôi vì nắng và gió muối, Vũ Văn Chương, 21 tuổi, quê Kiến Thụy, Hải Phòng tâm sự với chúng tôi những suy nghĩ rất thật của một chàng trai ở một vùng quê của đồng bằng Bắc bộ. Hồi học tiểu học, khi được học bài thơ “Chú lính Hải quân”, Chương đã mơ ước một ngày nào đó được cầm súng đứng bên bờ biển, tự hào nhìn những đoàn tàu qua lại như chú lính kia. Và không ngờ điều đó đã trở thành hiện thực. Là con trai út trong một gia đình có truyền thống cách mạng, khi ra Trường Sa, đứng gác nơi đầu sóng ngọn gió, người lính trẻ chỉ có một mong muốn duy nhất là bố mẹ ở nhà luôn khỏe mạnh, còn bản thân không có bất cứ băn khoăn gì, khó khăn vất vả đến đâu cũng sẽ vượt qua, bởi được cầm súng đứng gác ở Trường Sa là vinh dự của một người trai mà không phải ai cũng có được.

Sức trẻ ở Trường Sa.
Sức trẻ ở Trường Sa.

Trong chuyến công tác này, chúng tôi tình cờ gặp chiến sĩ trẻ Bùi Xuân Trí, đến từ xã Hòa Thắng (TP. Buôn Ma Thuột), hiện đang làm nhiệm vụ tại đảo An Bang. “Em rất tự hào khi được phục vụ ở Trường Sa, so với các bạn cùng trang lứa ở Dak Lak, em thấy mình là người may mắn nhất khi được tham gia giữ gìn chủ quyền biển đảo. Khi hết nghĩa vụ, bản thân em mong muốn tiếp tục được phục vụ đảo lâu dài” - Người lính trẻ 22 tuổi đến từ cao nguyên bộc bạch đầy tự hào. Có một sĩ quan trẻ cũng đến từ Dak Lak đang công tác trên đảo Đá Tây A, đó là thiếu úy Phạm Anh Phúc, nhà ở thôn 3, xã Ea Kly (Krông Pak). Khi có quyết định ra nhận công tác tại Trường Sa, anh tự hào xác định “Đảo là nhà, biển cả là quê hương”. Cuộc sống ở giữa biển khơi của các chiến sĩ thật gian khổ. Các anh phải tắm… khô, một “nghệ thuật tắm” tiết kiệm nước tối đa mà nhiều người chưa bao giờ được biết đến. Phòng ở của người lính đảo tuy nhỏ nhưng thật sạch sẽ, gọn gàng, ngăn nắp như chính tác phong của người lính Cụ Hồ. Còn thiếu úy Tuấn, quê ở Thanh Hóa, đã kể cho chúng tôi nghe về việc nâng niu, chăm sóc cây Tra mà anh và đồng đội trồng trong chậu trên điểm Đá Tây A như một kỳ tích. Đó không chỉ là niềm vui, mà đó còn là biểu tượng cho ý chí và nghị lực của người chiến sĩ đảo xa. Ở đây, vật chất thật nhỏ bé so với sự hy sinh của các anh. Họ nâng niu từng giọt nước, từng nắm đất để trồng rau xanh trong hộp.
Thăm cô, trò Bùi Thị Nhung ở đảo Trường Sa lớn.
Thăm cô, trò Bùi Thị Nhung ở đảo Trường Sa lớn.

Gian khổ là thế, nhưng sao họ vẫn lạc quan đến lạ thường. Những tâm sự và bản lĩnh sức trẻ nơi đầu sóng ngọn gió của những người trẻ tuổi đang ngày đêm làm nhiệm vụ tại Trường Sa làm chúng tôi không nén được sự xúc động. Ngày trước, khi đọc “Thép đã tôi thế đấy” của Ôxtrôpxki với nhân vật Paven Corsaghin nổi tiếng, hay gần đây đọc “Nhật ký của Đặng Thùy Trâm”, “Mãi mãi tuổi hai mươi” của Nguyễn Văn Thạc, tuổi trẻ chúng tôi luôn xem họ như những biểu tượng cho lý tưởng sống của thanh niên. Nhưng khi được trực tiếp đến nơi công tác của những chiến sĩ trên đảo Trường Sa, chúng tôi mới cảm nhận thêm được nhiều điều về lý tưởng sống. Chính họ, những thanh niên với tuổi đời còn rất trẻ với sự cống hiến của mình đã cho chúng tôi biết thêm một bài học về tình yêu Tổ quốc. “Ngày trước ta chỉ có đêm và rừng. Ngày nay ta có ngày, có trời, có biển. Bờ biển ta dài, tươi đẹp, ta phải biết giữ gìn lấy nó” - lời dạy của Bác Hồ kính yêu khi đến thăm Quân chủng Hải quân năm 1961 luôn được các cán bộ, chiến sĩ Trường Sa thấm nhuần. Chẳng phải rất nhiều những thanh niên như cô giáo Nhung, Bùi Xuân Trí, Phạm Anh Phúc, Vũ Văn Chương…, những người đẹp như “Khúc quân ca Trường Sa” đang là những tấm gương thanh niên mẫu mực trong việc học và làm theo lời Bác đó sao! Ngoài kia, biển xanh vẫn rì rào từng con sóng nhè nhẹ vỗ bờ. Chúng tôi siết chặt tay người lính đảo thay những gì cần nói. “Một đời người, một rừng cây”, với độ tuổi sung sức nhất thuở hoa niên, họ đang cùng rất nhiều chiến sĩ khác đang giữ chắc tay súng vì chủ quyền biển đảo. Làm sao chúng tôi quên được hình ảnh đẹp đến thế, trên nền trời xanh biếc, hình dáng người chiến sĩ Hải quân với khuôn mặt rắn rỏi và cây súng khoác trên vai, đứng hiên ngang ở Trường Sa, vững chãi như chính những cây Phong ba, cây Bão táp, cây Bàng vuông, cây Tra ở quần đảo này.

 

Đặng Gia Duẩn

 


Ý kiến bạn đọc