Multimedia Đọc Báo in

Đẩy mạnh công tác thông tin, truyền thông và thông tin đối ngoại tại khu vực biên giới

09:45, 15/07/2011

Tỉnh ta có đường biên giới dài 73 km giáp với tỉnh Mônđunkiri (Vương quốc Campuchia), trong đó có 34 km đường biên giới trên đất liền và 39 km đường biên giới chạy dọc theo sông suối, đi qua địa giới hành chính của 4 xã thuộc 2 huyện Ea Súp và Buôn Đôn với dân số 17.504 người. Trong những năm qua, công tác thông tin truyền thông và thông tin đối ngoại tại khu vực biên giới thường xuyên được quan tâm, chú trọng; các cơ quan báo chí,  phát thanh truyền hình thường xuyên có nhiều nội dung tin bài tuyên truyền về chủ đề này, góp phần giới thiệu những thành tựu về phát triển kinh tế-xã hội, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của tỉnh với bạn bè trong nuớc và quốc tế, tạo điều kiện giao lưu trao đổi và học hỏi kinh nghiệm giữa nhân dân các địa phương có chung đường biên giới.

Với 7 đồn biên phòng trên dọc tuyến biên giới, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh đã tăng cường công tác nắm tình hình trên các địa bàn trọng điểm về âm mưu, phương thức, thủ đoạn hoạt động của tình báo, gián điệp, phản động lưu vong, các phần tử lợi dụng dân tộc, tôn giáo, không để bị động bất ngờ trong mọi tình huống; coi trọng công tác đấu tranh chuyên án, phối hợp chặt chẽ với các lực lượng triển khai các biện pháp đấu tranh phòng chống có hiệu quả các loại tội phạm có đường dây, tổ chức, buôn bán, vận chuyển, tàng trữ các chất ma túy,…; chủ động tham mưu đề xuất cho Bộ Quốc phòng, Chính phủ và chính quyền địa phương những chủ trương và đối sách phục vụ công tác quản lý bảo vệ biên giới, đấu tranh với các hoạt động của địch và các loại đối tượng xâm phạm an ninh quốc phòng, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở khu vực biên giới. Bên cạnh đó, hằng năm Bộ đội Biên phòng tỉnh cũng trực tiếp tham gia củng cố xây dựng hệ thống chính trị cơ sở, giúp đỡ nhân dân phát triển kinh tế - xã hội - văn hóa, khắc phục hậu quả thiên tai ở khu vực biên giới, nhất là địa bàn trọng điểm, vùng sâu, vùng xa, thực hiện tốt vai trò nòng cốt trong xây dựng nền Biên phòng toàn dân vững mạnh, phát triển có chiều sâu, đạt hiệu quả thiết thực trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế-xã hội, văn hóa ở khu vực biên giới. Bộ đội Biên phòng tỉnh đã tham mưu cho các địa phương cấp huyện tổ chức tốt các hoạt động chào mừng Đại hội Đảng các cấp và tuyên truyền về chủ quyền biên giới quốc gia; tuyên truyền về công tác hậu phân giới cắm mốc như điều chuyển dân cư, đất đai ở khu vực quá canh, quá cư; chính sách hỗ trợ, đền bù đất đai, hoa màu để ổn định đời sống nhân dân, tạo điều kiện cho cư dân nước bạn thăm thân tại huyện Buôn Đôn; tuyên truyền về vận động quần chúng nhân dân ở cả hai bên biên giới tích cực tham gia các hoạt động bảo vệ an ninh biên giới, phòng chống các hoạt động buôn lậu, ma túy, vượt biên, buôn bán phụ nữ, trẻ em,…; tuyên truyền rộng rãi khuyến khích  các hoạt động giao lưu giữa các tầng lớp nhân dân, các tổ chức đoàn thể, các tổ chức kinh tế giữa hai nước và hai tuyến biên giới; hỗ trợ cho đồn biên phòng và nhân dân tuyến biên giới Campuchia về thuốc, lương thực thực phẩm…; tuyên truyền tình hình quan hệ giữa hai nước trên các mặt: chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội. Ngoài ra, bộ đội biên phòng tỉnh còn thành lập đội tuyên truyền văn hóa để thực hiện chuyên mục Quốc phòng toàn dân phát trên sóng phát thanh và truyền hình tỉnh 1 tháng 1 kỳ.

Hệ thống thông tin liên lạc trên Quần đảo Trường Sa ngày càng được hiện đại hóa, bảo đảm việc cập nhật thông tin với đất liền kịp thời. Trong ảnh: Chiến sĩ Hải quân Việt Nam ở Đảo chìm Núi Le đang xử lý thông tin.                          Ảnh: V.T
Hệ thống thông tin liên lạc trên Quần đảo Trường Sa ngày càng được hiện đại hóa, bảo đảm việc cập nhật thông tin với đất liền kịp thời. Trong ảnh: Chiến sĩ Hải quân Việt Nam ở Đảo chìm Núi Le đang xử lý thông tin. ( Ảnh: V.T)
Các cơ quan thông tấn, báo chí Trung ương đóng trên địa bàn tỉnh đã thường xuyên tuyên truyền về đường lối, chính sách quốc phòng của Việt Nam. Các tin, bài, ảnh về khẳng định chủ quyền biên giới và phản ánh cuộc sống, tinh thần đoàn kết của láng giềng trên vùng biên giới, biển, đảo với nội dung phong phú, hình thức hấp dẫn, thuyết phục. Bên cạnh đó các cơ quan thông tin đại chúng ở các địa phương trên phạm vi toàn tỉnh (Đài Phát thanh – Truyền hình, Báo Dak Lak…) cũng đã thường xuyên thực hiện chuyên san, chuyên mục, chương trình có chất lượng về biên giới, biển, đảo,… góp phần không nhỏ vào kết quả chung trong công tác thông tin đối ngoại tại khu vực biên giới tỉnh. 

Để phục vụ công tác tuyên truyền, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã biên soạn nhiều tài liệu như: Tài liệu hỏi-đáp bằng song ngữ Việt-Êđê để tuyên truyền rộng rãi trong nhân dân và Đề cương tuyên truyền phân giới, cắm mốc biên giới Việt Nam-Campuchia dùng cho báo cáo viên các cấp, in phát hành với số lượng mỗi loại 5.300 cuốn, phát hành đến tận thôn, buôn, khối phố, nhằm tuyên truyền rộng rãi cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân trong tỉnh nhận thức rõ những chủ trương của Đảng và Nhà nước ta đối với việc phân giới, cắm mốc biên giới. Ngoài ra, trong tờ Thông tin nội bộ (phát hành hằng tháng đến các chi bộ), các bản tin, một số tài liệu phát động quần chúng, một số tài liệu dành cho báo cáo viên cũng được đăng tải những nội dung tuyên truyền về phân giới, cắm mốc. Các lớp bồi dưỡng ở các trung tâm bồi dưỡng chính trị huyện theo kế hoạch hằng năm đã bổ sung và lồng ghép nội dung tuyên truyền để phổ biến cho cán bộ, đảng viên ở cơ sở. Riêng hai huyện Buôn Đôn và Ea Súp thông qua đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên và các đài truyền thanh ở các xã biên giới cũng đã triển khai phổ biến đến quần chúng.

Tuy nhiên, theo ông Lê Xuân Đáng, Chủ nhiệm Phòng Chính trị Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh cho biết: Việc tuyên truyền, thông tin đối ngoại ở các xã biên giới vẫn còn nhiều khó khăn về mặt phương tiện, con người và tư liệu. Các thư viện huyện biên giới hầu như chỉ có sách báo tổng hợp mà không có tài liệu phổ thông phục vụ cho việc tuyên truyền về chủ quyền biên giới. Một số đồn biên phòng không có sách báo đọc trong ngày. Việc xây dựng cụm áp phích, panô, loa đài để tuyên truyền về chủ quyền biên giới còn thiếu và chưa được đầu tư hợp lý. Cán bộ phụ trách đội tuyên truyền văn hóa còn thiếu và yếu; nhân lực chủ yếu là kiêm nhiệm nên việc triển khai tuyên truyền còn chậm. Trước thực trạng này, Sở Thông tin và Truyền thông đã phối hợp với Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh triển khai các biện pháp nâng cao nhận thức của nhân dân khu vực biên giới về chủ trương, đường lối chính sách của Đảng, Pháp luật của Nhà nước, đặc biệt để nhân dân thấy được vai trò và trách nhiệm của các vùng biên giới đối với an ninh quốc gia, hiểu rõ chủ trương xây dựng biên giới trên tình hữu nghị với các nước láng giềng, đồng thời nâng cáo tinh thần ảnh giác trước các âm mưu thủ đoạn, chiến lược diễn biến hòa bình của các thế lực thù địch, bảo vệ vững chắc chủ quyền an ninh biên giới quốc gia. Theo đó, Sở Thông tin và Truyền thông và Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh sẽ  phối hợp tổ chức các hình thức thông tin tại chỗ và lưu động, đọc tin và cổ động trực quan văn nghệ tuyên truyền hoặc thông qua băng tiếng, băng hình; xây dựng tủ sách và sản xuất các sản phẩm thông tin để cấp phát cho các xã biên giới các đồn biên phòng và nhân dân khu vực biên giới; tổ chức các chuyên trang, chuyên mục về biên giới trên các ấn phẩm báo chí và hệ thống phát thanh, truyền hình. Các trạm truyền thanh xã sẽ được kiện toàn cũng cố về nhân lực và đầu tư trang thiết bị để tổ chức các hoạt động thông tin truyền thông trên khu vực biên giới. Trước mắt, trong năm 2011, hai bên sẽ tổ chức triển khai khảo sát công tác thông tin truyền thông tại các xã biên giới, từ đó xây dựng đề án tuyên truyền, đầu tư phù hợp với tình hình, đặc điểm của địa phương với lộ trình cụ thể.

Kim Bảo

Ý kiến bạn đọc