Trường Quân sự địa phương tỉnh: Những cách làm hiệu quả trong công tác quản lý bộ đội, học viên
11:05, 25/07/2011
Với nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng về quốc phòng an ninh cho nhiều đối tượng, trong 5 năm qua, bên cạnh những thuận lợi về cơ sở vật chất, đội ngũ cán bộ, chiến sĩ, công nhân viên được đào tạo cơ bản, có kinh nghiệm...
Trường Quân sự địa phương tỉnh vẫn còn gặp không ít những khó khăn. Đó là: cùng với sự chống phá của các thế lực thù địch trên lĩnh vực tư tưởng, sự tác động suy thoái, lạm phát kinh tế, phần nào ảnh hưởng đến đời sống của cán bộ chiến sĩ, công nhân viên và học viên. Mặt khác, nhà trường thực hiện nhiệm vụ bồi dưỡng kiến thức quốc phòng – an ninh; đào tạo cán bộ cơ sở, đào tạo sĩ quan dự bị, giáo dục quốc phòng an ninh cho học viên thuộc nhiều đối tượng, lứa tuổi, trình độ, thời gian quản lý khác nhau. Ngoài việc quản lý bộ đội, trường còn quản lý giáo dục đối tượng dân sự áp dụng theo quy định quân đội, trong khi những năm trước đây, biên chế trung đội trưởng học viên chưa có tiểu đội trưởng là học viên kiêm nhiệm. Những khó khăn đó đã ảnh hưởng lớn đến việc đổi mới, đẩy mạnh, nâng cao chất lượng trong công tác tư tưởng quản lý bộ đội chung của nhà trường.
Trước tình hình đó, trong 5 năm qua, Đảng ủy, Ban Giám hiệu Trường Quân sự địa phương đã lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện chặt chẽ, từng bước nâng cao hiệu quả công tác tư tưởng, góp phần quan trọng nâng cao chất lượng tổng hợp, hoàn thành tốt nhiệm vụ công tác. Nhà trường luôn làm công tác giáo dục chính trị tư tưởng nhằm trang bị cho các đối tượng những kiến thức cơ bản về chủ nghĩa Mác- Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật Nhà nước, nhiệm vụ của quân đội, đơn vị; âm mưu thủ đoạn của kẻ thù. Từ đó xây dựng cho cán bộ, chiến sĩ có bản lĩnh chính trị vững vàng, kiên định mục tiêu con đường XHCN, nhất trí cao với nhiệm vụ của quân đội, nêu cao tinh thần cảnh giác, đấu tranh phòng chống âm mưu “Diễn biến hòa bình” trên lĩnh vực chính trị tư tưởng, củng cố vững chắc trận địa tư tưởng của Đảng.
Nhà trường đã tổ chức quán triệt nghiêm túc các nghị quyết, chỉ thị, quy định, hướng dẫn của cấp trên về công tác tư tưởng trong quản lý bộ đội; đồng thời đề ra nhiều chủ trương biện pháp tích cực nâng cao chất lượng công tác tư tưởng trong quản lý bộ đội đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ thời kỳ mới. Nhà trường đã tổ chức sơ kết 1 năm thực hiện Chỉ thị số 34-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương và kế hoạch 446/KH-ĐUQSTW về tăng cường cuộc đấu tranh chống âm mưu, hoạt động “diễn biến hòa bình” trên lĩnh vực tư tưởng, văn hóa đạt chất lượng, hiệu quả tốt. Phát huy vai trò của Ban chính trị, cán bộ chính trị, thường xuyên bám sát định hướng của cấp trên, các chỉ thị, kế hoạch, hướng dẫn của Phòng Chính trị để chủ động xây dựng kế hoạch; phối hợp với các phòng, ban Bộ Chỉ huy và cấp ủy, chính quyền địa phương thống nhất nội dung, triển khai thực hiện đúng tiến trình, phù hợp với đặc điểm của từng đối tượng, nhiệm vụ và thực tiễn hoạt động của nhà trường. Bên cạnh đó, nhà trường còn thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức tốt các đợt sinh hoạt chính trị, quán triệt chỉ thị, nghị quyết, các quy định về chấp hành kỷ luật và tham gia giao thông, thông báo tình hình chấp hành kỷ luật trong quân đội, trên cơ sở đó liên hệ sát với đặc điểm, tình hình thực tiễn định hướng cho cán bộ, chiến sĩ, công nhân viên quốc phòng nhận thức đúng nhiệm vụ theo chức trách, chấp hành tốt pháp luật Nhà nước, giữ nghiêm kỷ luật quân đội. Cấp ủy, người chỉ huy nắm chắc chất lượng quân nhân, học viên đào tạo, đặc biệt là quản lý nắm chắc về chính trị tư tưởng, trên cơ sở đó dự báo được diễn biến tư tưởng, tham mưu đề xuất các biện pháp lãnh đạo kịp thời, nắm và giải quyết các vướng mắc, đấu tranh có hiệu quả với những biểu hiện, hành vi tiêu cực. Nhờ vậy, trong 5 năm qua, Trường Quân sự địa phương không để xảy ra vụ việc vi phạm kỷ luật nghiêm trọng.
Một tiết mục văn nghệ của cán bộ, chiến sĩ, CNV và học viên Nhà trường trong buổi Lễ ra quân huấn luyện năm 2011. |
Bên cạnh đó, nhà trường luôn tích cực đổi mới phương pháp, nâng cao chất lượng giáo dục, chú trọng tuyên truyền giáo dục bằng các hình ảnh trực quan. Hằng năm, trường đã đầu tư hàng chục triệu đồng để xây dựng, củng cố phòng truyền thống; làm các pa nô, biển bảng, khẩu hiệu cổ động, mua sắm trang thiết bị… Nhà trường còn tổ chức Tổ truyền thanh nội bộ hoạt động khá nền nếp và hiệu quả. Hằng năm, khi tổ chức các lớp đào tạo Trung cấp chuyên nghiệp, ngành quân sự cơ sở, sĩ quan dự bị cấp phân đội cũng như các lớp bồi dưỡng đối tượng 3, trường đã hình thành khung quản lý học viên. Đối với lớp đào tạo, ngoài biên chế đại đội trưởng, chính trị viên khung, Đảng ủy, Ban Giám hiệu chọn những học viên có nhân thân, lai lịch chính trị tốt bố trí vào các cương vị trung đội trưởng, tiểu đội trưởng học viên, thành lập chiến sĩ bảo vệ, chiến sĩ dân vận - đây chính là lực lượng chủ yếu nắm tình hình, phản ánh diễn biến tư tưởng của học viên. Đối với các lớp bồi dưỡng kiến thức quốc phòng – an ninh đối tượng 3, bồi dưỡng ban chỉ huy quân sự xã (phường, thị trấn), Ban Giám hiệu cử cán bộ xuống làm khung quản lý học viên, chỉ định học viên vào ban cán sự lớp, các tổ trưởng; duy trì chế độ giao ban, phản ánh tình hình lớp học và diễn biến tư tưởng của học viên. Ban Giám hiệu còn giao cho các trưởng ban, khoa, bộ phận trực tiếp quản quản lý và kịp thời phản ánh tình hình tư tưởng cán bộ, chiến sĩ, học viên thuộc quyền; kịp thời đề xuất các biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện sát với thực trạng diễn biến tư tưởng của từng đối tượng, kịp thời ngăn chặn đẩy lùi các biểu hiện tư tưởng lệch lạc nảy sinh góp phần củng cố vững chắc trận địa tư tưởng, sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt nhiệm vụ. Do đó trong 5 năm qua, nhà trường đã kịp thời phát hiện 5 học viên do hoàn cảnh khó khăn đã có biểu hiện dao động tư tưởng, để động viên kịp thời, hỗ trợ kinh phí và vận động các học viên khác đóng góp giúp đỡ.
Ngoài ra, nhà trường còn thực hiện có nền nếp quy chế dân chủ, duy trì nghiêm chế độ sinh hoạt hằng tuần, sinh hoạt đối thoại dân chủ hằng tháng, nắm và giải quyết kịp thời những đề xuất, kiến nghị chính đáng của cán bộ, chiến sĩ, công nhân viên quốc phòng và học viên; quan tâm nâng cao chất lượng đời sống vật chất, văn hóa tinh thần cho cán bộ chiến sĩ. Hằng năm, nhà trường đã trích quỹ tự cân đối thăm hỏi, hỗ trợ gia đình cán bộ, chiến sĩ, công nhân viên quốc phòng và học viên có hoàn cảnh khó khăn, gặp hoạn nạn từ 7- 10 triệu đồng. Nhà trường còn tích cực đẩy mạnh đầu tư xây dựng củng cố khuôn viên nội bộ, tạo cảnh quan môi trường “xanh, sạch, đẹp”. Các tổ chức đoàn thể như: Đoàn cơ sở, Hội đồng quân nhân, Tổ phụ nữ hoạt động có nền nếp, đổi mới nội dung, phương pháp hoạt động, nâng cao chất lượng hiệu quả thực hiện chức năng, nhiệm vụ, góp phần tích cực xây dựng đơn vị vững mạnh về chính trị tư tưởng.
Lê Viết Quỳnh
Ý kiến bạn đọc