Multimedia Đọc Báo in

Dân vận bắc cầu nối những bờ vui...

Tình yêu vùng biên

15:12, 16/01/2012

Với họ, không cứ phải cái gì quá to tát, gần dân, giúp dân từ những công việc đời thường là đã làm dân vận… Suy nghĩ đúng, giản dị, việc làm nhỏ nhưng hiệu quả mang lại rất lớn.

Trung tá Mai Thế Bùi, Chính trị viên Đồn Biên phòng Ea H’leo (đứng chân trên địa bàn xã Ya Lốp, Ea Súp) bộc bạch: “Tất cả cán bộ chiến sĩ ở đây luôn cảm thấy hạnh phúc và may mắn vì đồn được ở rất gần với dân”. Cùng với trách nhiệm, từ niềm hạnh phúc ấy, nhiều hoạt động, công việc đã được các chiến sĩ hết lòng thực hiện để xây dựng bền chặt hơn tình quân dân, góp phần bảo vệ, giữ vững chủ quyền an ninh biên giới. Đó là chuyện chiến sĩ Đồn biên phòng Ea H’leo trở thành các kỹ sư nông nghiệp hướng dẫn bà con thử nghiệm trồng gừng trong bao. Nghĩ và làm được mô hình này cũng phải qua nhiều cuộc thảo luận, mất nhiều ngày đêm nghiên cứu và tìm hiểu qua sách báo, thậm chí cả mạng Internet (khi có điều kiện ra trung tâm huyện là các chiến sĩ tranh thủ vào mạng tra cứu). Chiến sĩ của đồn còn đi xin bao xi măng về cắt ra, rồi hướng dẫn bà con lấy đất trộn với phân đã ủ mục để trồng. Mô hình bắt đầu được triển khai từ đầu tháng 3 năm 2011 tại thôn Đừng và bước đầu được đánh giá khả quan, phù hợp bởi Ya Lốp chưa có công trình thủy lợi, người dân chỉ canh tác được một vụ vào mùa mưa. Mùa khô hầu hết bà con đi làm thuê làm mướn. Anh Lang Văn Hải chia sẻ: Gia đình anh từ quê hương Thanh Hóa vào định cư tại xã Ya Lốp năm 2008 theo dự án di dân của Nhà nước. Loay hoay tìm cách phát triển kinh tế gia đình nhưng vẫn chưa có được hướng đi. Năm 2011 may mắn là gia đình anh được bộ đội biên phòng tư vấn, giúp đỡ hướng dẫn làm mô hình trồng gừng trong bao, vừa không tốn diện tích, vừa thích hợp với khí hậu, thổ nhưỡng nơi đây. Với 245 bịch gừng, anh Hải thu được gần 5 tạ, với giá 30.000 đồng/kg, trừ chi phí  còn lãi trên 10 triệu đồng. 

Bộ đội biên phòng giúp dân sản xuất
Bộ đội biên phòng giúp dân sản xuất

Cùng mô hình giúp dân phát triển kinh tế, hàng chục ngôi nhà tình nghĩa từ chương trình “Mái ấm nghèo nơi biên giới” hay “Nghĩa tình Trường Sơn” cũng được xây dựng với sự giúp đỡ ngày công lao động của cán bộ chiến sĩ đồn biên phòng. Còn chuyện “Hôm nay bộ đội đến giúp nhà tôi thu hoạch nhé” thì đã quá quen thuộc. Danh sách những gia đình neo đơn, khó khăn ở các thôn, chiến sĩ của đội công tác rành rọt lắm để những lúc mùa màng bận rộn, các anh chủ động, ưu tiên đến giúp đỡ bà con. Điều xúc động nữa là những chiến sĩ bám địa bàn 24/24 giờ nhiều lần sẵn sàng đóng vai xe thồ tự nguyện để chở người dân trong xã đi cấp cứu khi ốm đau, bệnh tật. Như để minh chứng rõ hơn cho trọng trách sâu sát địa bàn, Đội trưởng đội công tác, Trung úy Phan Văn Lâm hồ hởi khoe: “Chuyện phóng viên vào làm việc với xã Ya Lốp, chúng tôi đã nắm được ba ngày nay rồi!”. Quả thực, theo lịch trình đã định trước, chương trình hôm đó, trước khi đến thăm đồn, chúng tôi đã có hẹn đến làm việc với Chủ tịch UBND xã Vi Văn Bính. Chính từ sự gần gũi, biết hòa nhập vào đời sống đã giúp các anh hiểu được tâm tư, nguyện vọng của bà con cũng như gây dựng được mạng lưới “tai mắt” ở cơ sở để kịp thời nắm bắt tình hình, góp phần bảo đảm an ninh trật tự vùng biên. Trước khi chia tay Đồn Biên phòng Ea H’leo, câu chuyện của Trung úy Lâm khiến chúng tôi không khỏi xúc động. Vợ và hai con anh, đứa lớn 7 tuổi, đứa nhỏ mới 1 tuổi vẫn ở ngoài Thái Bình, nhớ nhà thương vợ con nhưng anh vẫn luôn tâm niệm đồn là nhà, biên giới là quê hương. Anh lạc quan: “Mình sẽ đón cả vợ con vào đây sinh sống”.

Tạm biệt các anh, chưa bao giờ chúng tôi yêu cái màu xanh áo lính đến thế. Chính tình yêu là sợi dây gắn kết những người chiến sĩ với vùng biên và để tình quân dân thêm thắm thiết. Trân trọng biết bao khi biết rằng cũng đã có những tình yêu lứa đôi nảy nở ở vùng biên Ya Lốp này.

Đàm Thuần – Nguyễn Xuân


Ý kiến bạn đọc