Multimedia Đọc Báo in

Trường Quân sự địa phương: Chú trọng nâng cao chất lượng đào tạo, giáo dục kiến thức quốc phòng - an ninh cho các đối tượng

08:24, 22/02/2012

Chuẩn hóa đội ngũ giáo viên, đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ công tác giảng dạy, đổi mới phương pháp giảng dạy, kết hợp chặt chẽ giữa lý thuyết và thực tiễn nhằm phát huy tính chủ động của học viên… là những giải pháp được Trường Quân sự địa phương (QSĐP) triển khai đồng bộ, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác đào tạo, giáo dục kiến thức quốc phòng - an ninh (QP-AN) cho các đối tượng trên địa bàn tỉnh.

Trường QSĐP có nhiệm vụ bồi dưỡng kiến thức QP-AN cho đối tượng 3 (Trưởng, phó phòng cấp tỉnh, huyện, đại biểu HĐND cấp huyện, lãnh đạo cấp xã), đào tạo Trung cấp chuyên nghiệp ngành quân sự cơ sở, sĩ quan dự bị cấp phân đội và giáo viên giáo dục quốc phòng cho các trường THPT. Khối lượng công việc khá nhiều, trung bình mỗi năm trường đảm nhận từ 6-10 lớp bồi dưỡng kiến thức QP-AN và 2 lớp Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy Quân sự các xã, phường, thị trấn, trong khi đội ngũ cán bộ giảng dạy mỏng, thường xuyên biến động, luân chuyển công tác, song thời gian qua tập thể cán bộ giáo viên nhà trường đã đoàn kết, khắc phục khó khăn, phát huy nội lực, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Công tác đào tạo, giáo dục, bồi dưỡng kiến thức QP-AN hằng năm đều bảo đảm đúng kế hoạch, chương trình, với kết quả trên 96% học viên tham gia đạt loại khá, giỏi.

Những tập thể, cá nhân của nhà trường được tặng Giấy khen tại Đại hội thi đua Quyết thắng 2009-2011.
Những tập thể, cá nhân của nhà trường được tặng Giấy khen tại Đại hội thi đua Quyết thắng 2009-2011.

Đại tá Nguyễn Đức Hải, Chính ủy Trường QSĐP cho biết: Giải pháp quan trọng hàng đầu để tạo sự chuyển biến cơ bản, vững chắc về chất lượng giáo dục-đào tạo là nhà trường luôn chú trọng công tác chuẩn hóa, nâng cao trình độ, nghiệp vụ sư phạm cho đội ngũ giáo viên. Song song với công tác xây dựng kế hoạch giảng dạy, giáo dục kiến thức QP-AN trước khi bước vào khóa đào tạo, bồi dưỡng mới, nhà trường tổ chức tập huấn cho đội ngũ giáo viên nhằm thống nhất về nội dung, phương pháp giảng dạy phù hợp từng đối tượng. Giáo viên được phân công bài giảng chủ động tìm kiếm, bổ sung tài liệu, soạn giáo án, tổ chức giảng mẫu, tăng cường dự giảng rút kinh nghiệm. Với những giáo viên mới được điều động về nhà trường phân công giáo viên có thâm niên giảng dạy truyền đạt kinh nghiệm, theo phương châm “Người đi trước giúp người đi sau, người giỏi giúp người chưa giỏi, cấp trên bồi dưỡng cho cấp dưới”, đồng thời tạo điều kiện, gửi đi tập huấn do tỉnh, quân khu tổ chức. Nhà trường trực tiếp phân công các đồng chí trong Ban Giám hiệu và giáo viên đứng lớp tham gia thảo luận tại các tổ, lắng nghe ý kiến đóng góp của học viên, từ đó có chủ trương, giải pháp đổi mới phương pháp giảng dạy. Đối với những chuyên đề có liên quan đến các lĩnh vực, chuyên ngành khác, nhà trường chủ động mời giáo viên có kinh nghiệm của Trường Chính trị tỉnh, cán bộ chủ chốt của Công an tỉnh giảng dạy. Năm 2011, tại các hội thi báo cáo viên, cán bộ giảng dạy chính trị giỏi, nhà trường có 3 giáo viên tham gia ở cấp tỉnh và đều đạt kết quả cao.

Để khắc phục tình trạng “dạy chay, học chay”, trong điều kiện kinh phí còn hạn hẹp, năm 2011 nhà trường đã đầu tư 40 triệu đồng mua sắm phương tiện nghe nhìn, nối mạng internet ở thư viện cho học viên thuận tiện trong việc tìm kiếm thông tin; đưa máy vi tính, máy chiếu, phục vụ công tác giảng dạy. Nhờ đó đã tạo không khí sôi nổi trong các tiết học, phát huy tính sáng tạo, tự học của học viên, Nhà trường luôn gắn lý luận với thực tiễn địa phương, đơn vị, “học đi đôi với hành”, tổ chức cho học viên đi tham quan thực tế, các hoạt động diễn tập ở cơ sở, các đơn vị làm nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu cũng như tổ chức thảo luận những đề tài liên quan trực tiếp đến công việc, nhiệm vụ của người học, giúp họ kịp thời phát hiện những khâu yếu, mặt yếu trong công tác tham mưu và tổ chức thực hiện, triển khai nhiệm vụ quốc phòng ở địa phương. Việc tổ chức kiểm tra, thi và viết chuyên đề thu hoạch thực hiện theo đúng quy trình: sau khi học xong các nhóm chuyên đề, học viên được kiểm tra nhận thức bằng hình thức viết bài trong 90 phút; hết chương trình toàn khóa, viết thu hoạch theo hướng dẫn và thi trắc nghiệm, tự luận. Kết quả khảo sát chất lượng học viên qua các khóa đào tạo, bồi dưỡng tại nhà trường cho thấy 100% học viên đã vận dụng thành công những kiến thức được trang bị vào công việc đương nhiệm.

Theo đánh giá của Đại tá Huỳnh Thanh Trinh, Hiệu trưởng nhà trường, một trong những khâu đột phá, góp phần nâng cao chất lượng công tác đào tạo, là xây dựng đơn vị nền nếp chính quy, rèn luyện kỷ luật, đồng thời tạo môi trường xanh – sạch – đẹp phục vụ tốt cho quá trình dạy và học tại đơn vị.

Đăng Triều


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.