Đẩy mạnh công tác tuyên truyền phân giới, cắm mốc biên giới Việt Nam - Campuchia
Trong thời gian qua, công tác phân giới, cắm mốc biên giới Việt Nam – Campuchia đã được Chính phủ 2 nước thống nhất, đẩy mạnh; đội phân giới, cắm mốc biên giới của các địa phương có đường biên giới chung với Campuchia, trong đó có tỉnh Dak Lak đã nỗ lực, vượt qua khó khăn về địa hình, khí hậu để đẩy nhanh tiến độ và đạt được những kết quả tích cực. Có được kết quả đó chính là nhờ các địa phương trong cả nước nói chung, tỉnh ta nói riêng đã tăng cường công tác tuyên truyền để người dân khu vực biên giới hiểu việc phân giới, cắm mốc biên giới là chủ trương của Chính phủ 2 nước, có ý nghĩa trong việc giữ gìn, duy trì sự toàn vẹn lãnh thổ quốc gia.
Lãnh đạo tỉnh Dak Lak kiểm tra mốc biên giới. |
Tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 07 ngày 6-3-2006 của Thủ tướng Chính phủ về việc “Tổ chức thực hiện Hiệp ước bổ sung Hiệp ước hoạch định biên giới quốc gia Việt Nam-Campuchia năm 1985”, các văn bản của Trung ương và ý kiến chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã xây dựng kế hoạch tuyên truyền, xác định việc tuyên truyền công tác phân giới cắm mốc biên giới là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục trong quá trình thực hiện phân giới, cắm mốc. Nội dung tuyên truyền tập trung vào quan hệ hữu nghị hợp tác giữa Việt Nam – Campuchia và các văn bản pháp lý về việc giải quyết biên giới Việt Nam – Campuchia; trong đó có các Hiệp định, Hiệp ước về biên giới giữa 2 nước, để cán bộ và nhân dân, nhất là nhân dân các dân tộc vùng biên giới của 2 nước hiểu rõ lập trường và thiện chí của nước ta để cùng nhau thúc đẩy nhanh quá trình phân giới, cắm mốc. Ông Bạch Văn Mạnh, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, cho biết: “Việc tuyên truyền công tác phân giới, cắm mốc biên giới Việt Nam – Campuchia cần phải thường xuyên, liên tục; bám sát nhiệm vụ và diễn biến quá trình phân giới, cắm mốc với phương châm “chân thực, chủ động, kịp thời, sáng tạo” nhằm phục vụ tốt nhất cho nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, quan hệ láng giềng tốt đẹp, bền vững Việt Nam – Campuchia”.
Để công tác tuyên truyền phát huy hiệu quả, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đề nghị các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương có đường biên giới với Campuchia tổ chức giáo dục, tuyên truyền, quán triệt sâu rộng trong cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân về quá trình phân giới, cắm mốc biên giới; xây dựng được kế hoạch và chương trình cụ thể về công tác tuyên truyền việc phân giới, cắm mốc biên giới và đưa nội dung này vào chương trình giáo dục, học tập chính trị của cán bộ, đảng viên và nhân dân các xã biên giới.
Trong thời gian qua, nhờ sự hướng dẫn của Ban Tuyên giáo Huyện ủy Ea Súp và Buôn Đôn, các xã biên giới của 2 huyện này không những đẩy mạnh công tác tuyên truyền việc phân giới, cắm mốc biên giới mà trong quá trình tuyên truyền đã có nhiều cách làm sáng tạo, phù hợp với địa phương mình, từ tổ chức học tập, huấn luyện, tuyên truyền miệng, tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng cho đến tuyên truyền qua hoạt động văn hóa, cổ động và tuyên truyền đối ngoại. Từ đó, đã giúp nhân dân khu vực biên giới hiểu rõ ý nghĩa của việc phân giới, cắm mốc biên giới gắn liền với chủ quyền lãnh thổ, quốc gia; tạo cơ sở cho người dân vùng biên giới có điều kiện phát triển kinh tế, nâng cao đời sống, tăng cường hợp tác, xây dựng đường biên giới hòa bình, ổn định, cùng phát triển.
Về công tác tuyên truyền việc phân giới, cắm mốc biên giới ở địa phương mình, ông Y Ka Byă, Bí thư Đảng ủy xã Krông Na (Buôn Đôn) chia sẻ: “Trong thời gian qua, chúng tôi phối hợp với bộ đội biên phòng cứ 3 tháng tổ chức phát động quần chúng một lần; trong quá trình phát động quần chúng, chúng tôi không chỉ tuyên truyền về mối quan hệ tốt đẹp, hòa bình, hữu nghị giữa hai nước Việt Nam – Campuchia, ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác phân giới, cắm mốc biên giới mà hằng tháng còn vận động nhân dân đi kiểm tra, phát dọn xung quanh các cột mốc đã được xây dựng xong”. Còn đối với công tác tuyên truyền việc phân giới, cắm mốc biên giới ở xã Ya Lốp, huyện Ea Súp, ông Hà Văn Thanh, Bí thư Đảng ủy xã cho biết: “Là một xã biên giới, chúng tôi xác định việc tuyên truyền công tác phân giới, cắm mốc là nhiệm vụ thường xuyên với mục tiêu là làm thế nào để cán bộ, nhân dân hiểu được việc phân giới, cắm mốc có ý nghĩa quan trọng trong việc giữ gìn và duy trì sự toàn vẹn lãnh thổ quốc gia. Qua tuyên truyền, nhận thức của cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân trên địa bàn xã đã được nâng lên; nhân dân xã Ia Lốp đã góp phần tích cực vào việc giữ gìn biên giới hòa bình, hữu nghị với nước bạn Campuchia và chủ động bảo vệ cột mốc biên giới”.
Được biết, sau khi Hiệp ước hoạch định biên giới Việt Nam – Campuchia năm 1985 có hiệu lực, hai nước đã tiến hành phân giới được 200km trong tổng số 1.137km đường biên giới và cắm được 72 mốc trong tổng số 322 mốc giới dự kiến. Đối với việc phân giới, cắm mốc biên giới giữa 2 tỉnh Dak Lak và Mondulkiri, đến nay đã cắm được 4 mốc giới với 8 cột mốc; trong đó, mốc 44 có 1 cột mốc, mốc 45 có 2 cột, mốc 46 có 3 cột và mốc 47 có 2 cột; lực lượng phân giới, cắm mốc của 2 tỉnh cũng đã quy thuộc được 39 trong số 41 cồn bãi, trong đó 15 cồn bãi thuộc Việt Nam và 24 cồn bãi thuộc Campuchia. Hiện nay, tỉnh ta đang tiến hành phân giới đoạn biên giới từ mốc 44 đến đoạn tiếp giáp với tỉnh Dak Nông và tiếp tục khảo sát để phân giới cắm mốc 34km còn lại từ mốc 44 đến đoạn tiếp giáp tỉnh Gia Lai.
Có thể nói, việc phân giới, cắm mốc biên giới có ý nghĩa rất quan trọng trong việc giữ gìn và duy trì sự toàn vẹn lãnh thổ quốc gia, vì vậy, trong thời gian tới, cấp ủy Đảng, đoàn thể, chính quyền các cấp, nhất là các huyện biên giới không chỉ đẩy mạnh công tác tuyên truyền về việc phân giới, cắm mốc biên giới mà cần có những cách tuyên truyền sáng tạo, phù hợp nhằm khơi dậy truyền thống cách mạng, tinh thần yêu nước, đoàn kết hữu nghị giữa hai dân tộc để việc phân giới, cắm mốc biên giới Việt Nam-Campuchia trên địa bàn tỉnh hoàn thành đúng kế hoạch đã đề ra.
Trần Cường
Ý kiến bạn đọc