Multimedia Đọc Báo in

Thực hiện Quyết định 1315/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về cấm hút thuốc lá nơi công cộng:

Ban Chỉ huy Quân sự huyện Krông Năng “nói không với thuốc lá”

06:26, 03/07/2012

“Nghiện thuốc lá từ thời đi học Trường Lục quân 2 đến nay đã hơn chục năm nên khi tôi tuyên bố sẽ bỏ thuốc lá, bạn bè ai cũng nghi hoặc, có người còn nói nếu tôi bỏ được thì muốn gì anh em cũng chịu. Nổi “tự ái” lên tôi quyết tâm bỏ bằng cách mỗi ngày hút hạn chế lại và chỉ sau 2 tuần là bỏ hẳn”, Trung úy Huỳnh Phương Thảo, trợ lý tác chiến Ban Chỉ huy Quân sự huyện, vốn được mệnh danh là “ống khói” của đơn vị vì trung bình mỗi ngày “đốt” hơn một bao thuốc lá vui vẻ kể lại kinh nghiệm bỏ thuốc lá của bản thân.

Còn Đại úy Trần Quốc Hưng, trợ lý dân quân thì “thật thà” khai báo: “Riêng tôi phải mất cả tháng trời mới bỏ hẳn được bởi không dễ bỏ ngay thói quen này trong một sáng một chiều, ngoài quyết tâm, nghị lực của bản thân, tôi còn được anh em đơn vị động viên nhắc nhở, giám sát. Giờ thì ổn rồi, hút thuốc lá đối với tôi nói riêng, với anh em trong đơn vị nói chung đã là câu chuyện của quá khứ!”. Thượng tá Hoàng Thanh Hải, Chính trị viên Ban Chỉ huy Quân sự huyện Krông Năng phấn khởi thông báo: “Trước khi có Chỉ thị của Bộ Quốc phòng về việc nói không với thuốc lá, theo khảo sát đơn vị có khoảng 30% cán bộ, chiến sĩ hút thuốc nhưng đến thời điểm này đã giảm xuống còn 5%”.

Tập luyện Điều lệnh đội ngũ, xây dựng đơn vị chính quy ở Ban Chỉ huy  Quân sự huyện Krông Năng.
Tập luyện Điều lệnh đội ngũ, xây dựng đơn vị chính quy ở Ban Chỉ huy Quân sự huyện Krông Năng.

Để có được kết quả trên đơn vị đã tổ chức tuyên truyền, sinh hoạt, quán triệt ý nghĩa của việc “nói không với thuốc lá” cũng như những tác hại, ảnh hưởng của thuốc lá đối với sức khỏe, môi trường, cộng đồng. Tiếp đến xây dựng “lộ trình” bỏ thuốc cho từng giai đoạn và đề ra giải pháp thực hiện cụ thể, ban đầu là giáo dục, động viên, tiếp đến là nhắc nhở, kiểm điểm và cuối cùng là xem xét, đưa nội dung “Nói không với thuốc lá” vào trong tiêu chí bình xét đánh giá xếp loại kết quả hoàn thành nhiệm vụ cuối năm. Trong các giải pháp trên, đặc biệt chú trọng công tác tuyên truyền, giáo dục, động viên, bởi anh em cán bộ chiến sĩ cùng sinh hoạt trong môi trường quân đội vốn kỷ luật nghiêm, mỗi người ít nhiều đã được rèn luyện, xây dựng cho bản thân ý thức tự giác, tính kỷ luật. Tại những địa điểm sinh hoạt tập trung, pa nô, áp phích, tranh ảnh cổ động được trang trí trực quan sinh động; hệ thống truyền thanh nội bộ hằng ngày phát những thông tin về tác hại lâu dài của thuốc lá đối với cơ thể nhằm nâng cao nhận thức, hiểu biết cho toàn thể cán bộ, chiến sĩ. Ngoài ra để chủ trương này triển khai có kết quả, được mọi người tự giác thực hiện, đơn vị đã xác định trước hết đội ngũ chỉ huy, lãnh đạo phải là những người gương mẫu, tiên phong chấp hành. “Có một thực tế là trong số những người nghiện thuốc lá có không ít lãnh đạo, chỉ huy nên chúng tôi quán triệt vấn đề rất quyết liệt, tại các cuộc họp cấp chỉ huy đều đưa ra để nội dung trên từng người tự kiểm điểm, nếu ai vi phạm phải tự giác nhận khuyết điểm, cam kết chấn chỉnh, khắc phục. Cấp trên có gương mẫu thì cấp dưới mới “tâm phục, khẩu phục” thực hiện theo”, Thượng tá Hoàng Thanh Hải nói. Đến nay đội ngũ lãnh đạo, chỉ huy đơn vị, cụ thể là đồng chí chỉ huy trưởng và tham mưu trưởng đã tiên phong bỏ thuốc lá. Ngoài việc động viên, tuyên truyền, đơn vị còn vận động cả người thân, gia đình vào cuộc, người nhà các chiến sĩ trẻ khi đến thăm con em đều được nhắc nhở không mang theo thuốc, những cán bộ đã có gia đình thì được chị em giám sát, “tịch thu” số tiền mua thuốc hằng ngày bỏ vào heo đất cho con…

Từ việc thực hiện triệt để chủ trương “không thuốc lá”, thời gian tới đơn vị sẽ áp dụng quy định không khói thuốc lá mọi lúc, mọi nơi, thực hiện nếp sống văn hóa, văn minh, bảo đảm sức khỏe để học tập, công tác. Số tiền tự nguyện tiết kiệm từ chủ trương này sẽ được vận động đóng góp, ủng hộ công tác đền ơn đáp nghĩa, xây dựng quỹ khuyến học cho con em trong đơn vị”.

Đăng Triều


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.