Thăm Nhà giàn DK1/14
Trong hải trình 20 ngày đêm đến thăm, tặng quà quân dân trên quần đảo Trường Sa, ngày cuối cùng chúng tôi có may mắn được đặt chân lên Nhà giàn DK1/14 để có thể cảm nhận chỉ một phần nào những khó khăn, vất vả mà các chiến sĩ Hải quân ngày ngày phải đối mặt, vượt qua để hoàn thành tốt nhiệm vụ. Mặc dù chúng tôi đi trong mùa biển lặng, song khi đến điểm cuối cùng là Nhà giàn DK1/14, thời tiết bỗng thay đổi, biển động, những con sóng cao đến 2 mét, bạt xóa, trùm lên cả boong tàu.
Sau khi đã tính toán, cân nhắc, lựa chọn phương án tối ưu, nhằm đảm bảo an toàn tuyệt đối cho hành khách, Chỉ huy Tàu HQ 571 quyết định chỉ tổ chức một ca nô đưa khoảng 20 người đến thăm Nhà giàn. Trước đó một ca nô khác đã đi tiền trạm dẫn đường. Cánh phóng viên chúng tôi nhanh chân xuống trước, cùng theo có các nữ nghệ sĩ của đoàn Hà Nội bất chấp những nguy hiểm cũng nài nỉ được theo ra hát phục vụ chiến sĩ Nhà giàn. Chỉ một công đoạn hạ thủy, đưa quà cùng mọi người xuống thuyền đã mất gần 2 giờ đồng hồ, do sóng lớn ồ ập, chiếc ca nô liên tục lắc lư, trồi lên, hụp xuống chống chọi lại với con sóng. Khoảng cách từ con tàu đến Nhà giàn chỉ khoảng 1,5 hải lý, thế nhưng cũng phải mất hơn 1 giờ đồng hồ, chiếc ca nô mới tiếp cận được Nhà giàn, do phải đi đường vòng, tránh đối diện trực tiếp với những đợt sóng dữ. Khi đến được Nhà giàn, mọi người đều ướt sũng nước, những “đồ nghề” tác nghiệp của cánh phóng viên dù đã được bao bọc kỹ qua nhiều lớp ni lông dày cũng không tránh khỏi bị nước vào. Những con sóng dữ, cao đến 2 mét gây trở ngại cho việc đưa người lên Nhà giàn, từng người, từng người lần lượt được 2 chiến sĩ khỏe mạnh dưới tàu canh theo con sóng nhấc bổng, đưa lên. Phía trên Nhà giàn 2 chiến sĩ khác nhanh chóng đón, kéo vào. Qua những giây phút hiểm nguy, thời khắc hội ngộ, gặp gỡ chứa đựng cả nước mắt, lẫn nụ cười giữa mọi người diễn ra thật cảm động…
Toàn cảnh Nhà giàn DK1/14. |
Nằm trong Cụm dịch vụ kinh tế- khoa học kỹ thuật (gọi tắt là DK), cách đất liền khoảng 250-350 hải lý, trên thềm lục địa phía Nam Tổ quốc ( thuộc tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu), Nhà giàn DK1/14 sừng sững giữa biển trời như một cột mốc đánh dấu chủ quyền thềm lục địa không thể phủ nhận của Việt Nam, hiện đang được những người lính Hải quân ngày đêm canh giữ. Nhà giàn DK 1/14 còn gọi là Tư Chính E hay Tư Chính 5 được hoàn thành vào tháng 4-1995, đây có thể được xem như Nhà giàn hiện đại nhất. Nhìn từ xa Nhà giàn trông giống như một tháp ngược, vươn thẳng mình vững chãi, hiên ngang chống chọi với những đợt sóng dữ. Nhà giàn gồm 3 tầng, các bậc thang đi lên đều được trải những tấm thép lưới B40 vững chắc; có dáng vóc rất hiện đại, với 6 chân cắm sâu xuống đáy san hô, cao gấp 1,5 lần so với Nhà giàn cũ; có hệ thống pin mặt trời, máy phát điện và được phủ sóng điện thoại. Trên đỉnh Nhà giàn lộng gió, được thiết kế một sân bay đủ sức tiếp nhận những máy bay trực thăng hiện đại. Khi lên bậc thang của Nhà giàn, người đi phải tập trung cao độ, bởi chỉ cần sơ suất là có thể bị rơi xuống biển. Nhìn những nữ nghệ sĩ của đoàn Hà Nội vừa bám lấy thành lan can của cầu thang đi lên, ánh mắt nhìn xuống những con sóng trắng bạc đầu tỏ ra sợ hãi, các chiến sĩ trẻ đưa người lên tàu liền động viên: “Ban đầu các chị chưa quen nhìn thấy có cảm giác sợ như thế, nhưng các chị cứ an tâm, bởi Nhà giàn này được xây dựng rất chắc chắn, có thể chống chọi lại được sóng cấp 12 ”. Dẫu được khẳng định như vậy, nhưng cứ nhìn qua Nhà giàn cũ, mọi người cũng không tránh được cảm giác lo lắng.
Chiến sĩ Nhà giàn DK1/14 làm nhiệm vụ theo dõi, quan sát các phương tiện qua lại ở vùng biển phụ trách. |
Bên cạnh Nhà giàn này là một Nhà giàn thuộc thế hệ thứ 2 trông nhỏ như một căn chòi, nằm nghiêng nghiêng, chông chênh, mỏng manh giữa biển trời bao la. Nhà giàn cũ được xây dựng chỉ với diện tích vài chục mét vuông, được bao bọc bằng tôn đặt trên 4 cột trụ thép cắm sâu vào lòng biển. Khi đặt chân vào Nhà giàn, có cảm giác như ở trong một quả bóng bay lơ lửng, đầy ắp mùi mặn chát của muối biển, mọi đồ dùng sinh hoạt đều “ngấm” vị đặc trưng này của biển. Nhìn xuống những chân cột, dễ dàng nhận thấy dấu ấn, sức mạnh tiềm tàng của thiên nhiên khi những chân cột đang bị muối biển “gặm” mòn dần, bị sóng biển đẩy xô nghiêng. Có tận mắt thấy được những khó khăn, khắc nghiệt của thời tiết khí hậu nơi đây, mới có thể phần nào thấu hiểu, trân trọng được những hy sinh thầm lặng, song hết sức cao cả của bao thế hệ cán bộ, chiến sĩ Nhà giàn khi bằng ý chí, tinh thần, nghị lực thép họ đã vượt qua những thử thách khắc nghiệt ấy, kiên trì bám trụ, khẳng định chủ quyền, biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Thế nhưng đối với các anh thì điều đó dường như là một việc bình thường, giản đơn, một công việc mà mỗi người dù trên cương vị nào cũng cố gắng hoàn thành. Trong suy nghĩ của mỗi cán bộ, chiến sĩ, nhiệm vụ các anh đang làm không chỉ cho riêng bản thân mình, mà còn cho những người đã nằm xuống, cho các thế hệ sau này, như sẻ chia thật khiêm tốn, chân thành của Phó Chỉ huy trưởng Nhà giàn, Đại úy Đỗ Văn Chính trong buổi tiếp đoàn: “Đã có những đồng chí, đồng đội chúng tôi không tiếc cả tính mạng, đổ máu đào của mình hòa vào nước biển để khẳng định, bảo vệ biển đảo Tổ quốc, chúng tôi chỉ có nhiệm vụ tiếp tục gìn giữ, bảo vệ, lưu giữ điều ấy cho các thế hệ mai sau thôi!”. Giữ trọn lời thề với các đồng đội đã ngã xuống, bao thế hệ cán bộ chiến sĩ nơi đây đã gắn bó với Nhà giàn, sống một cuộc sống dường như hoàn toàn cách ly với thế giới bên ngoài, khi mọi khái niệm về không gian, thời gian dường như trở thành vô nghĩa, trong một điều kiện sống cực kỳ thiếu thốn về mọi mặt… chỉ với một mục đích duy nhất là giữ vững Nhà giàn, để nơi đây trở thành biểu tượng cột mốc chủ quyền của Tổ quốc. Đại úy Đỗ Văn Chính còn cho biết thêm, tất cả mọi cán bộ, chiến sĩ đang làm nhiệm vụ ở Nhà giàn, thường ít nhất từ 8-9 tháng mới trở về đất liền. Có lẽ vậy nên khi được gặp gỡ những người từ đất liền ra thăm, họ đón tiếp khách một cách nồng nhiệt, trân trọng nhất và thể hiện tấm lòng hiếu khách một cách rất riêng, rất đặc trưng của lính đảo: Mời khách lau mặt, rửa tay trong những chậu nước mát lạnh - điều quý nhất của lính đảo, được họ chắt chiu, hứng từ những giọt sương mai. Và trong những giờ phút gặp gỡ ngắn ngủi, họ không kể nhiều về công việc, về những khó khăn mà dường như họ hướng mọi suy nghĩ về đất liền với niềm nhớ nhung vô bờ bến. Để trong giây phút lưu luyến, bịn rịn lúc chia tay, họ lại lạc quan, yêu đời cất cao khúc hát truyền thống của người lính Nhà giàn: “Sóng gió mặc sóng gió, lính Nhà giàn bọn tôi ở đó; chông chênh, mặc chông chênh, lính Nhà giàn chẳng sợ bão giông…”.
Đăng Triều
Ý kiến bạn đọc