Multimedia Đọc Báo in

Đấu tranh, phòng chống tội phạm, bảo đảm trật tự an toàn xã hội: Cần sự chung tay vào cuộc của toàn xã hội

09:23, 07/01/2015
Năm 2014, tình hình thế giới, khu vực có nhiều diễn biến phức tạp đã tác động trực tiếp đến mọi mặt đời sống chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của nước ta nói chung và tỉnh Dak Lak nói riêng; trong đó có diễn biến tình hình các loại tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật.

So sánh với năm 2013, trong năm 2014 trên địa bàn tỉnh xảy ra 1.320 vụ xâm phạm trật tự xã hội, làm chết 49 người, bị thương 494 người, thiệt hại tài sản trị giá gần 16,28 tỷ đồng (tăng 20 vụ). Về tội phạm và các hành vi vi phạm các quy định về trật tự quản lý kinh tế: đã phát hiện, điều tra 252 vụ 278 đối tượng (nhiều hơn 40 vụ, 54 đối tượng), thiệt hại tài sản ước tính khoảng 8,14 tỷ đồng. Về tội phạm tham nhũng: đã phát hiện, khởi tố điều tra 3 vụ, 5 đối tượng. Tội phạm về ma túy: đã phát hiện, bắt giữ 159 vụ, 200 đối tượng (nhiều hơn 6 vụ, 6 đối tượng), thu giữ 383,7 g hêrôin, 26,7 g ma túy tổng hợp, 13,8 g thuốc phiện, 30,7 g sái thuốc phiện, 20,2 kg cần sa khô, 200 g hạt cần sa và nhiều tài sản liên quan; ngoài ra còn phát hiện, tiêu hủy 5.400 cây cần sa trồng trên diện tích 4.200 m2. Vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường tiếp tục xảy ra ở nhiều lĩnh vực, phát hiện 206 vụ, gồm 200 tổ chức, cá nhân vi phạm, trong đó tập trung chủ yếu ở lĩnh vực khai thác tài nguyên khoáng sản, nông nghiệp, nông thôn, môi trường đô thị; nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh ngoài khu, cụm công nghiệp chưa xây dựng, hoàn chỉnh hệ thống xử lý nước thải, chất thải đạt chuẩn, còn xả thải ra môi trường…

Thực hiện nghị quyết, chỉ thị của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh về nhiệm vụ kinh tế - xã hội và quốc phòng - an ninh năm 2014, ngay từ đầu năm, Đảng ủy, lãnh đạo Công an tỉnh đã có Nghị quyết chỉ đạo toàn lực lượng triển khai đồng bộ các biện pháp công tác Công an, đồng thời tham mưu cấp ủy, chính quyền các cấp chỉ đạo các ban, ngành, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể xã hội cùng chung tay, góp sức nhằm huy động sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị trong cuộc đấu tranh chống tội phạm, bài trừ tệ nạn xã hội. Với khẩu hiệu hành động “Chủ động, kỷ cương, trách nhiệm, hiệu quả”, toàn lực lượng Công an tỉnh đã đồng loạt ra quân, đẩy mạnh phong trào thi đua “Vì an ninh Tổ quốc”, chủ động tấn công trấn áp tội phạm, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật; tập trung vào các dịp lễ, Tết và các loại tội phạm hình sự nguy hiểm, hoạt động có tổ chức, tội phạm ma túy, tội phạm cướp, cướp giật, trộm cắp tài sản… Nhìn chung, với sự hỗ trợ, giúp đỡ của các cấp, các ngành và đông đảo nhân dân nên công tác phòng ngừa, đấu tranh với các loại tội phạm, bảo đảm trật tự an toàn xã hội của lực lượng Công an tỉnh trong năm qua đã đạt được nhiều kết quả tích cực:

Tỷ lệ điều tra làm rõ án đạt 88,3% (vượt chỉ tiêu đề ra là 85%); riêng án rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng điều tra làm rõ 210/221 vụ, bắt 332 đối tượng, đạt tỷ lệ 95%. Triệt phá 32 nhóm, 170 đối tượng hoạt động phạm tội. Triệt xóa 135 tụ điểm, 731 đối tượng cờ bạc; 17 tụ điểm, 73 đối tượng hoạt động mại dâm; 28 tụ điểm phức tạp về ma túy. Bắt, vận động đầu thú, thanh loại 200 đối tượng truy nã (có 68 đối tượng nguy hiểm, đặc biệt nguy hiểm), kéo giảm số đối tượng xuống hiện còn 224 đối tượng truy nã, giảm 44 đối tượng (16,4%) so với số đối tượng truy nã đầu năm. Tai nạn giao thông được kiềm giảm trên cả 3 tiêu chí về số vụ, số người chết và số người bị thương: xảy ra 510 vụ, làm chết 258 người, bị thương 588 người (giảm 51 vụ, 34 người chết và 12 người bị thương)…

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả tích cực đạt được, công tác phòng, chống tội phạm, bảo đảm trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh cũng còn một số hạn chế; trong đó, một nội dung hết sức quan trọng là công tác phòng ngừa xã hội mặc dù đã có những chuyển biến nhưng chưa mang lại hiệu quả thực sự. Đây là tồn tại, hạn chế song cũng là nguyên nhân về sự gia tăng của tình hình tội phạm so với năm 2013, đặc biệt là một số loại tội phạm nghiêm trọng như: giết người do nguyên nhân xã hội (47 vụ, tăng 7 vụ), cố ý gây thương tích (378 vụ, tăng 29 vụ), trộm cắp tài sản (510 vụ, tăng 16 vụ), lừa đảo chiếm đoạt tài sản (36 vụ, tăng 11 vụ), lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản (20 vụ, tăng 4 vụ), chống người thi hành công vụ (13 vụ, tăng 3 vụ)…

Theo nghiên cứu, phân tích những vụ án nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng đã xảy ra cho thấy: Nhiều vụ án nếu lực lượng chức năng và các cơ quan, tổ chức, đoàn thể xã hội làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục, vận động, hòa giải thì những vụ án này đã không xảy ra hoặc ở mức độ ít nghiêm trọng hơn. Hay như các vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản nổi lên là thủ đoạn các đối tượng hứa hẹn “chạy” việc làm để lừa đảo những người dân, trong đó có cả những cán bộ, công chức mong muốn tìm việc làm ổn định cho con cháu, chiếm đoạt số tiền lên đến hàng tỷ đồng. Ngoài ra, các vụ trộm cắp tài sản xảy ra (chiếm tới gần 40% tổng số vụ phạm pháp hình sự) đa phần cũng do yếu tố chủ quan, mất cảnh giác trong bảo quản tài sản của cơ quan, tổ chức, cá nhân là chủ sở hữu.

Xuất phát từ thực tế nói trên, để kiềm chế sự gia tăng tiến tới kéo giảm tình hình tội phạm, cũng như những hành vi vi phạm pháp luật trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới, bên cạnh việc nâng cao hiệu quả công tác nghiệp vụ của ngành Công an, rất cần sự chung tay vào cuộc của các cấp, các ngành trong công tác phòng ngừa xã hội. Trong đó cần tập trung vào các giải pháp sau: Cấp ủy, chính quyền các cấp, các ngành ngoài việc đưa vào nghị quyết, chương trình, kế hoạch các nội dung liên quan đến công tác phòng, chống tội phạm cần thường xuyên kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện trong cơ quan, đơn vị và theo ngạch dọc từ tỉnh đến cơ sở. Các cấp, các ngành, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể xã hội cần tăng cường và đi vào chiều sâu công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức pháp luật, kỹ năng xã hội cho cán bộ, công nhân viên chức và các tầng lớp nhân dân; đổi mới theo hướng đa dạng hoá các kênh và hình thức tuyên truyền, chú trọng tuyên truyền trực quan và hướng về cơ sở; nâng cao chất lượng đội ngũ tuyên truyền viên, báo cáo viên, cộng tác viên… làm cho mỗi người trong mỗi gia đình, cơ quan, tổ chức đều là những tuyên truyền viên phòng, chống tội phạm, có như vậy mới nâng cao ý thức, tinh thần cảnh giác phòng ngừa và đấu tranh với các loại tội phạm một cách rộng khắp. Đồng thời cần quan tâm thực hiện thường xuyên, hiệu quả nội dung các chương trình phối hợp hay kế hoạch liên ngành trong phòng, chống tội phạm. Duy trì và nhân rộng các mô hình, điển hình tiên tiến trong lao động sản xuất, làm kinh tế giỏi, cũng như trong đấu tranh phòng, chống tội phạm, nhất là các câu lạc bộ, tổ tự quản về an ninh trật tự, tổ hòa giải cơ sở hoạt động hiệu quả để làm tốt công tác phòng ngừa từ xa, phát hiện, giải quyết kịp thời những mâu thuẫn phát sinh trong đời sống xã hội, không để kéo dài là nguyên nhân dẫn đến các hành vi phạm tội…

Đại tá Đoàn Quốc Thư

(Phó Giám đốc Công an tỉnh)


Ý kiến bạn đọc