Multimedia Đọc Báo in

Xúc cảm nơi biên cương

10:13, 30/01/2015

Nơi ấy tuy vất vả, gian lao, thiếu thốn đủ bề, nhưng các anh vẫn nỗ lực để hoàn thành nhiệm vụ thiêng liêng mà Đảng và nhân dân giao phó. Giữa trập trùng núi đồi, dù mưa hay nắng, bất kể ngày hay đêm họ vẫn luôn nắm chắc tay súng, canh giữ biên cương Tổ quốc. Đó là những người lính Đồn Biên phòng 741 kiên trung, dũng cảm, yêu đời…

Các chiến sĩ Đồn Biên phòng 741 trên đường tuần tra.
Các chiến sĩ Đồn Biên phòng 741 trên đường tuần tra.

Chúng tôi đến thăm Đồn trong một lần được Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng (Bộ CHBĐBP) tỉnh tạo điều kiện để các đoàn báo, đài đến tác nghiệp. Đồn 741 cách TP. Buôn Ma Thuột khoảng 90 km, nhưng để đến tận nơi, chiếc xe chuyên dụng đường trường phải mất gần nửa ngày. Được cán bộ, chiến sĩ Đồn đón tiếp nồng hậu, sự mệt mỏi đọng trên khuôn mặt cả đoàn dường như tan biến. Một cán bộ của Bộ CHBĐBP tỉnh hài hước kể: Trước đây có đoàn khách, trong đó có một cô nữ sinh lên thăm và chàng sĩ quan trẻ ở Đồn trở thành hướng dẫn viên bất đắc dĩ. Sau những ngày ở lại biên giới, cả hai nảy sinh tình cảm. Ngày cô gái chia tay Đồn, hai bạn trẻ bịn rịn, lưu luyến… Sợ tuột mất “cơ hội vàng”, chàng trai trẻ đã trèo lên cây gần ao cá và hét to: “Nếu hôm nay em không chấp nhận lời cầu hôn của anh, anh sẽ nhảy xuống đó, anh không biết bơi đâu đấy!”. Nghe vậy, cô gái vừa hoảng sợ, vừa gật đầu liên tục, rồi hết lời khuyên răn mà không biết rằng anh là “kình ngư” của đơn vị… Khi câu chuyện vừa dứt, mọi người trong đoàn nhìn nhau, bởi đây cũng có vài “bông hoa chưa chủ” và nhiều sĩ quan trẻ chưa “mảnh tình” vắt vai. Biết đâu trong số họ sẽ tìm được bến đỗ cuộc đời qua lần gặp gỡ này!

Phút nghỉ chân của các chiến sĩ biên phòng trên đường tuần tra biên giới.
Phút nghỉ chân của các chiến sĩ biên phòng trên đường tuần tra biên giới.

Như nhiều Đồn Biên phòng khác thuộc tỉnh Dak Lak, Đồn 741 nằm trong Vườn Quốc gia Yok Đôn, bên sườn núi Chư M’Bre hùng vĩ nên gọi là Đồn Biên phòng Yok M’Bre. Đứng chân trên địa hình đồi núi hiểm trở, khí hậu khắc nghiệt khiến việc tuần tra khá khó khăn, nhưng không phải vậy mà các anh lơ là nhiệm vụ, có những lần thực hiện nhiệm vụ, đoàn phải ở, nằm rừng gần cả tuần. Có lúc phải dầm mưa, giá lạnh để bảo vệ rừng biên giới, tránh sự xâm nhập, quấy rối của những kẻ xấu…

Trên chốt tiền tiêu lồng lộng gió, ánh chiều vàng nhạt, xuyên qua từng cây rừng Chư M’Bre. Tôi nhìn thấy những người lính trẻ vẫn bộn bề với công việc cuối ngày. Người chuẩn bị tuần tra canh gác, người lại chăm chỉ tăng gia sản xuất, lo bếp cơm chiều tối… Ở đây các anh phải dùng giếng khoan, nhưng do nước bị nhiễm vôi nên chỉ dùng cho sinh hoạt, tưới tiêu, còn nấu ăn phải chuẩn bị sẵn một bể to chứa nước mưa dự trữ. Khó khăn là vậy, nhưng chỉ tính riêng phần tăng gia sản xuất, những người lính Đồn Biên phòng 741 đã vượt nắng, thắng mưa, mùa nào cũng có rau xanh, quả ngọt phục vụ anh em chiến sĩ. Bên cạnh đó đơn vị còn đào thêm 2 ao lớn nuôi cá, đầu tư thêm đàn bò, đàn heo, con nào cũng béo núc ních. Còn chuyện bếp núc thì khỏi chê, từ những món giản đơn đến phức tạp, các anh đều chế biến chuyên nghiệp, khiến chúng tôi thán phục.

Đêm biên giới xuống nhanh và buồn hoang hoải. Gió núi thổi u u trên những vạt rừng, những luống rau non chập chờn sương trắng. Chúng tôi cùng sum vầy, trò chuyện và thưởng thức giọng ca “vàng” của những “họa mi” đại ngàn. Các anh không chỉ giỏi việc nước, đàn hát hay mà còn yêu đời, tếu táo trong mọi hoàn cảnh khó khăn… Càng về khuya, cảm giác xa nhà, lọt thỏm giữa chập chùng đồi núi, cộng thêm cái lạnh vùng cao mới thấm thía làm sao. Chỉ có hai ngày lên với Yok M’Bre, ngày mai là chúng tôi tạm biệt về xuôi, còn những cán bộ chiến sĩ như Đại úy chuyên nghiệp Nguyễn Xuân Thủy, Trung úy chuyên nghiệp Hà Văn Đóa và những anh em khác của Đồn Biên phòng 741 thì ngày về thăm người thân rất hiếm hoi, với những lần nghỉ phép ngắn ngủi. Tuy khó khăn thế, nhưng họ vẫn gắn bó thủy chung với biên cương như chính quê hương thứ hai của mình. Với tôi, trực tiếp có mặt ở đó, được tận mắt chứng kiến, nghe nhiều câu chuyện như cổ tích và cả những điều nghe thật giản dị nhưng lại lay động lòng người.

Buổi chia tay, các nữ sinh cùng cánh lính trẻ trao nhau địa chỉ một cách vội vàng cùng vài lời nhắn nhủ. Khi “bóng hồng” của hậu phương lên xe, một sĩ quan trẻ vội vàng ghé tai nói nhỏ: “Anh tính tìm cây ớt, cây cải để leo lên rồi nhảy xuống ao, nhưng tìm mãi không thấy cây nào em à! Cho anh nắm tay em và hẹn ngày gặp lại nhé!”. Cô gái trẻ phút chốc ngại ngùng rồi đưa tay tạm biệt chàng trai và không quên lặp lại câu cuối mà chàng trai vừa nói…

Vùng biên giản dị, thanh bình vậy, nhưng phía sau đó là cả một cuộc “chiến đấu” không ngừng nghỉ của lực lượng biên phòng nói chung và cán bộ, chiến sĩ Đồn 741 nói riêng. Nơi núi rừng biên cương lạnh giá, các anh là ngọn lửa ấm, mặc dù còn nhiều khó khăn, hy sinh, gian khổ nhưng những người lính biên phòng vẫn kiên trung, vững vàng tay súng bảo vệ sự bình yên biên cương Tổ quốc.

Quỳnh Anh


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.