Multimedia Đọc Báo in

Lực lượng dân quân tự vệ tỉnh Dak Lak: Anh dũng, kiên cường, xung kích trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc

11:03, 27/03/2015
Là một bộ phận của lực lượng vũ trang (LLVT) tỉnh, lực lượng dân quân tự vệ (DQTV) đóng vai trò rất quan trọng trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Phát huy truyền thống anh dũng, kiên cường, bất khuất, ngày nay DQTV tỉnh tiếp tục là lực lượng nòng cốt, xung kích trong nhiệm vụ giữ vững ổn định chính trị, củng cố, tăng cường quốc phòng – an ninh ở địa phương, xứng đáng là “một bức tường sắt của Tổ quốc” như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định.

Sự ra đời, chiến đấu và trưởng thành của DQTV Dak Lak

Năm 1945, lợi dụng Nhật đảo chính Pháp thiết lập chính quyền ngụy thân phát xít, phong trào đấu tranh của quần chúng lên cao đòi mở cửa nhà tù Buôn Ma Thuột, bọn Nhật buộc phải trả tự do cho các chiến sĩ cách mạng. Sau khi thoát khỏi nhà tù, anh em tù chính trị tỏa đi các nơi trong tỉnh tuyên truyền, giác ngộ quần chúng nhân dân; các tổ chức công khai, bí mật của Đảng được xây dựng và mở rộng đã tạo khí thế sôi nổi trong phong trào cách mạng của cả tỉnh. Tháng 5-1945, các chi bộ đảng đã tuyên truyền, giác ngộ, thành lập các tổ chức bí mật ở đồn điền Ca Đa gồm những người trung kiên trong công nhân, sau đó phát triển rộng vào thanh niên, tổ chức thành lực lượng xung kích, rèn dao kiếm, luyện tập quân sự, với danh nghĩa bảo vệ đồn điền nhưng thực chất là “Đội tự vệ” có chỉ huy. Được huấn luyện quân sự và giác ngộ chính trị, Đội tự vệ Ca Đa đã phát triển được 36 người do các đồng chí Nguyễn Tâm Thu và Trần Phòng phụ trách, đây là lực lượng tự vệ vũ trang cách mạng tiền thân của LLVT tỉnh Dak Lak được Đảng tổ chức và lãnh  đạo.

Cùng với Đội tự vệ Ca Đa, lực lượng thanh niên xung phong các vùng lân cận như buôn Pôk (nay thuộc thị trấn Ea Pôk, huyện Cư M’gar), buôn Ea Yông (nay thuộc xã Ea Yông, huyện Krông Pak), buôn Puăn (nay thuộc xã Ea Phê, huyện Krông Pak) cũng được tổ chức thành những đội tự vệ với những trang bị vũ khí thô sơ, cung, tên, dao, kiếm. Được sự lãnh đạo của Việt Minh, lực lượng tự vệ các đồn điền đã sát cánh cùng các lực lượng quần chúng cách mạng góp phần giành chính quyền tại tỉnh Dak Lak thắng lợi.

Sau khi chính quyền cách mạng được thành lập, lực lượng DQTV cũng được hình thành ở các địa phương. Ở các đồn điền Mê Van và Ca Đa, lực lượng dân quân phát triển nhanh, các cơ quan, đoàn thể đều thành lập lực lượng tự vệ để bảo vệ  nhà máy, cơ quan. Cuối năm 1946, hưởng ứng Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh, lực lượng DQTV kề vai, sát cánh cùng các đơn vị bộ đội Nam tiến, bộ đội địa phương chiến đấu anh dũng bảo vệ thành quả cách mạng. Tháng 9-1947, theo quyết định của Hội đồng Chính phủ, Khu 15 được thành lập (gồm 5 tỉnh: Kon Tum, Dak Lak, Gia Lai, Lâm Viên, Đồng Nai Thượng) đưa đến sự ra đời của Phòng Dân quân Khu 5. Theo chỉ đạo của Khu 15, tỉnh Dak Lak thành lập Tỉnh đội Dân quân do đồng chí Võ Rựa làm Tỉnh đội trưởng, đồng chí Nguyễn Tâm Thu làm Tỉnh đội phó. Dân quân được chia làm 2 lực lượng: Dân quân du kích có nhiệm vụ đánh địch giữ làng; DQTV đảm nhiệm công việc hậu phương.

Trước yêu cầu nhiệm vụ cách mạng và tình hình thực tiễn địa phương, tháng 3-1948, Tỉnh đội Bộ dân quân được thành lập do đồng chí Y Yôn (Minh Sơn) Trung đoàn phó Trung đoàn 84 phụ trách. Tỉnh đội Bộ dân quân có nhiệm vụ chỉ đạo, xây dựng, huấn luyện dân quân, chuẩn bị cho dân quân bước vào chiến đấu bảo vệ nhân dân, bảo vệ chính quyền cơ sở. Lực lượng dân quân lúc này được tổ chức thành 2 loại: dân quân không thoát ly sản xuất có nhiệm vụ chiến đấu chống địch càn quét, bảo vệ buôn làng; dân quân thoát ly sản xuất (du kích thoát ly) sinh hoạt như bộ đội địa phương, là lực lượng trực tiếp chiến đấu trong từng vùng được quy định, là lực lượng bổ sung cho bộ đội huyện, tỉnh. Chiến tranh du kích và lực lượng dân quân du kích phát triển ở các địa phương đã tạo điều kiện cho bộ đội tỉnh có thời gian chuẩn bị, đảm nhận nhiệm vụ tác chiến nặng nề hơn. Từ cuối năm 1949 ở các huyện trong tỉnh đều có cán bộ quân sự tham gia Ban cán sự, có tiểu ban dân quân chuyên trách về công tác dân quân.

Lực lượng DQTV huyện Cư M’gar huấn luyện súng cối 82.     Ảnh: Trung Hải
Lực lượng DQTV huyện Cư M’gar huấn luyện súng cối 82. Ảnh: Trung Hải

Trong kháng chiến chống Pháp, DQTV đã cùng bộ đội, các đội công tác hoạt động sâu vào vùng địch (1946 – 1950) xây dựng cơ sở kháng chiến (tiêu biểu có DQTV vùng Cheo reo (nay là Ajun pa, Gia Lai), huyện Buôn Hồ (nay là TX. Buôn Hồ), huyện M’Drak; cùng nhân dân vận chuyển hàng trăm tấn hàng như: thực phẩm, muối, vũ khí, đạn dược lên căn cứ Dlei Ya (Krông Năng). Lực lượng DQTV tham gia cùng bộ đội và độc lập tác chiến nhiều trận đánh, tiêu biểu trong chiến dịch Nguyễn Huệ (1950) các đơn vị như: Dân quân xã Ea Trul (huyện Krông Bông), Ea Rbol (huyện Ea H’leo), Ea K’nốp (huyện Ea Kar), du kích Buôn Hồ đã đánh địch trên đường số 21, số 14, số 7, tiêu diệt nhiều sinh lực, phương tiện chiến tranh của địch, thu nhiều quân trang, vũ khí, phá hỏng nhiều cầu cống, ngăn cản bước tiến của địch trên các tuyến. Hay trong Chiến dịch Đông Xuân (1953 - 1954), dân quân du kích đã độc lập tác chiến 20 trận, sử dụng địa lôi, chông, mìn diệt 28 tên, làm bị thương 53 tên, phá hủy 3 xe, cắt 7 km dây điện thoại. Trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, có hai tập thể và một cá nhân được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân là:  Nhân dân và lực LLVT nhân dân xã Dliê Ya (huyện Krông Năng); nhân dân và LLVT nhân dân xã Dak Phơi (huyện Lak) và ông Y Ơn Niê (Ama H’Chim), dân tộc M’nông nguyên Tiểu đội trưởng du kích buôn Dak Tuor, xã Cư Pui (huyện Krông Bông).

Trong kháng chiến chống Mỹ, DQTV đã cùng bộ đội tập trung đi vào xây dựng hậu cứ kháng chiến, tích cực phá tề, trừ gian, làm nòng cốt cho quần chúng nổi dậy; thực hiện “2 chân - 3 mũi” đã góp phần to lớn trong các nhiệm vụ: xây dựng hậu cứ kháng chiến, bảo vệ vùng giải phóng, chống càn quét, lấn chiếm của địch. Lực lượng DQTV cùng với quân và dân trong tỉnh làm nên Chiến thắng Buôn Ma Thuột, giải phóng tỉnh Dak Lak, mở màn cho cuộc tổng tiến công mùa Xuân năm 1975 giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất nước nhà. Trong kháng chiến chống Mỹ, đã có 15 tập thể và 1 cá nhân thuộc lực lượng DQTV tỉnh được Nhà nước tuyên dương danh hiệu “Anh hùng LLVT nhân dân”: Nhân dân và LLVT nhân dân các xã: Dak Phơi, Krông Nô, Nam Kar (huyện Lak); xã Dliê Ya (huyện Krông Năng); Thăng Lập (nay là Ea Kuăng, huyện Krông Pak); các xã: Ea Na, Dur Kman (huyện Krông Ana); các xã: Ea Hiao, Ea Khal (huyện Ea H’leo); các xã: Khuê Ngọc Điền, Hòa Lễ, Hòa Phong, Cư Pui, Cư Drăm, Yang Mao (huyện Krông Bông); và ông Lê Bá Thọ, chiến sĩ đội tự vệ mật, TX. Buôn Ma Thuột.

Lực lượng xung kích trong thời bình

Sau ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước 30-4-1975, đất nước chuyển sang giai đoạn cách mạng mới.

Đảng, Nhà nước ban hành nhiều chủ trương, chính sách về lực lượng DQTV. Được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương, lực lượng DQTV tỉnh không ngừng phát triển lớn mạnh rộng khắp, hiện nay tỷ lệ DQTV đạt 1,54% so với dân số. Vai trò lãnh đạo của Đảng đối với lực lượng DQTV được tăng cường. Những năm gần đây, các huyện, thị xã, thành phố trong LLVT tỉnh đã chỉ đạo làm tốt việc đăng ký, quản lý công dân trong độ tuổi DQTV, chất lượng huấn luyện, độ tin cậy về chính trị ngày càng tăng lên đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ khi có tình huống; tổ chức biên chế đầy đủ các thành phần theo quy định. Từ năm 2005 đến nay, lực lượng DQTV đã có 18.840 người với 1.121.010 ngày công tham gia trực sẵn sàng chiến đấu, kiểm tra kiểm soát địa bàn và tuần tra canh gác; 600 ngày công tham gia bảo vệ biên giới đất liền; 42.030 ngày công tham gia bảo vệ an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; 4.280 ngày công tham gia phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, tìm kiếm cứu nạn; 11.260 ngày công phòng, chống, khắc phục hậu quả cháy rừng, sự cố môi trường và 1.103.480 ngày công vận động quần chúng tham gia xây dựng cơ sở.

Trong thời kỳ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, nhiều tập thể, cá nhân trong lực lượng DQTV đạt được những thành tích tiêu biểu. Đảng, Nhà nước đã tặng thưởng 7 Huân chương Quân công hạng Nhất; 7 Huân chương Quân công hạng Nhì cho 14 đơn vị thuộc LLVT tỉnh, trong đó có sự đóng góp quan trọng của DQTV tỉnh. Ngoài ra, còn có nhiều tập thể và cá nhân đã được tặng thưởng danh hiệu Chiến sĩ Quyết thắng, Chiến sĩ Thi đua và hàng nghìn bằng khen, giấy khen về thành tích trong chiến đấu, trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Từ những kết quả đạt được trong những năm qua, cùng với các lực lượng khác, DQTV tỉnh đã góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền quốc gia, giữ vững ổn định chính trị, củng cố quốc phòng - an ninh trên địa bàn tỉnh, là lực lượng nòng cốt trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam trong tình hình mới.

Hải Như (biên soạn)


Ý kiến bạn đọc