Multimedia Đọc Báo in

Đi dân nhớ, ở dân thương

08:45, 10/05/2015

Với bà con xã Krông Na (huyện Buôn Đôn), lâu nay cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Sêrêpôk như người ruột thịt trong gia đình. Bởi từ ngày các anh về đây, vùng biên vốn nghèo nàn, lạc hậu trở nên khởi sắc, yên bình.

Nâng bước các em đến trường

Đó là một trong những chương trình được cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Sêrêpôk (Đồn 743) đã và đang thực hiện hiệu quả, nhằm giúp đỡ các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn tiếp tục được đến trường. Hiện nay, Đồn đang nhận đỡ đầu cho 2 học sinh Trường Tiểu học Y Jút (xã Krông Na). Mỗi cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị đóng góp từ 5.000 – 10.000 đồng/tháng để phụ mua sách vở, áo quần cho các em.

Không được may mắn như các bạn đồng trang lứa, H’Phiếp Knul (học sinh lớp 1, phân hiệu Trường Tiểu học Y Jút) mồ côi mẹ từ nhỏ, không lâu sau đó, bố đi lấy vợ khác, bỏ lại các con cho ông bà ngoại chăm sóc. Gia cảnh vốn nghèo khó, ông bà lại ốm đau thường xuyên khiến cuộc sống của mấy anh chị em H’Phiếp như rơi vào bế tắc, buộc các em phải lần lượt nghỉ học. Nhìn chúng bạn đến trường mỗi ngày, H’Phiếp rơm rớm nước mắt. Biết hoàn cảnh đó, bộ đội Đồn 743 đến tận rẫy vận động em quay lại lớp học. “Mới đầu, H'Phiếp nhút nhát lắm, vừa muốn đến trường, vừa muốn theo anh chị lên nương rẫy. Nhưng được các anh em của đơn vị tới thăm hỏi, động viên thường xuyên, H'Phiếp đã tự tin trở lại trường học” – Thượng úy Phan Văn Lâm, Đội trưởng Đội vận động quần chúng kể. Từ ngày quay lại trường, H’Phiếp vui tươi hẳn, em chịu khó học hành để thực hiện ước mơ trở thành người thầy thuốc của buôn mình. H'Phiếp khoe: “Các chú bộ đội hỗ trợ em từ áo quần đến sách vở đi học. Mới đầu quay lại lớp, em quên hết con chữ, các chú ấy sẵn sàng chỉ dạy, hướng dẫn em viết bài. Có các chú về buôn, mọi người vui lắm”…

Cán bộ quân y của phòng khám chữa bệnh quân, dân y  (Đồn Biên phòng 743) khám bệnh cho bà con.
Cán bộ quân y của phòng khám chữa bệnh quân, dân y (Đồn Biên phòng 743) khám bệnh cho bà con.

Mới học lớp 3, nhưng nhìn Hoàng Văn Hậu già dặn hơn độ tuổi, người gầy nhom với làn da cháy sạm do phải thường xuyên lên nương rẫy. Năm em 3 tuổi, bố mẹ ly hôn, sau đó mẹ Hậu lấy chồng khác. Cuộc sống gia đình càng khó khăn hơn khi anh em Hậu phải sống trong căn nhà lụp xụp, không có đất canh tác. Thấy Hậu có dấu hiệu bỏ học, bộ đội biên phòng phải vào rẫy vận động em quay lại trường. Hằng ngày các anh thay phiên nhau chở em đến lớp, đêm về lại cùng quây quần bên bếp lửa, dạy Hậu đánh vần từng con chữ… Vượt hơn 40 km đường đất gập ghềnh, các “thầy giáo không chuyên” vẫn thường xuyên đến nhà Hậu, giúp em có quần áo, sách vở học tập. Nghe lời các chú bộ đội, giờ đây Hậu đã hòa nhập, chăm chỉ học tốt, biết giúp đỡ các bạn trong lớp cùng tiến bộ.

Không chỉ H’Phiếp, Văn Hậu mà còn nhiều học sinh khác đã hoặc định bỏ học đã được cán bộ, chiến sĩ Đồn 743 vận động trở lại lớp. Đại úy Phạm Văn Hứng, Chính trị viên phó Đồn Biên phòng 743 chia sẻ: “Nhiều cháu hiếu học lắm, nhưng vì hoàn cảnh gia đình nên mới phải nghỉ học. Nhớ có lần chúng tôi đến động viên được người chị đến lớp, thì đứa em đứng sau song cửa cũng khóc đòi được đi học, nhìn thương lắm! Để vận động các cháu quay lại trường, anh em phải nắm chắc địa bàn, thường xuyên thăm hỏi, tuyên truyền lợi ích của việc học cho gia đình, bản thân các cháu biết…”.

Ân tình bác sĩ “áo xanh”

Sáng sớm, Chăn SoRi Knul (học sinh lớp 4, phân hiệu Trường Tiểu học Y Jút) đã gõ cửa Phòng khám quân, dân y kết hợp buôn Drang Phôk để khám bệnh. Thỉnh thoảng Chăn SoRi vẫn bị đau bụng, nhức đầu ảnh hưởng đến việc học hành, mỗi khi tới đây đều được nhân viên quân y ân cần thăm khám, cấp thuốc, dặn dò kỹ cách sử dụng.

Không chỉ Chăn SoRi mà hầu hết người dân ở buôn Drang Phôk đều tranh thủ thời gian rảnh rỗi để tới phòng khám bệnh. Như hiểu thấu nếp sinh hoạt của bà con, Thiếu tá chuyên nghiệp Nguyễn Tiến Thanh, Phó Đội trưởng Đội vận động quần chúng tâm tình: “Thường ngày bà con phải lên nương làm rẫy nên thường tranh thủ đến khám vào giờ trưa và chiều tối. Nhưng không sao, bà con đã đến đây thì bất kể giờ nào, chúng tôi cũng có trách nhiệm khám, chữa bệnh”.

Được biết, phòng khám quân dân y được xây dựng từ năm 2009, nhằm chăm sóc sức khỏe miễn phí cho đồng bào. Tính từ năm 2009 – 2014, đội ngũ y, bác sĩ đã khám, chữa bệnh miễn phí cho khoảng 7.500 trường hợp. Tính riêng tháng 1 đến tháng 4-2015 đã khám, chữa khoảng 500 ca bệnh, với các bệnh chủ yếu như sốt rét, sốt xuất huyết, tiêu chảy, bệnh ngoài da… Luôn hết mình với công việc nên bệnh nhân gọi lúc nào, các y, bác sĩ sẵn sàng làm việc không kể giờ giấc. Trung úy chuyên nghiệp Đặng Quang Bắc, nhân viên quân y phòng khám tâm sự: “Có những ca bệnh vượt quá khả năng phòng khám, được chúng tôi liên hệ chuyển lên tuyến trên, một số bệnh nhân có gia đình hoàn cảnh khó khăn được anh em ở đây hỗ trợ phần nào kinh phí…”.

Không chỉ khám, chữa bệnh miễn phí, bộ đội biên phòng còn thường xuyên hướng dẫn cho bà con cách dọn dẹp vệ sinh môi trường, sử dụng nước sạch, bảo vệ sức khỏe... Từ khi được bộ đội giúp đỡ về cả vật chất lẫn tinh thần, đời sống bà con ngày càng cải thiện nâng lên. Mến trọng sự chân thành, giản dị ấy, bà con buôn Drang Phôk xem các anh như người thân trong gia đình. Ông Y Tê Bkrông, Bí thư Chi bộ buôn Drang Phôk xúc động: “Bộ đội rất tận tình, chu đáo với bà con. Buôn có nước sạch, có kênh thủy lợi để tưới tiêu, nhiều em nhỏ được tiếp sức đến trường… cũng là nhờ bộ đội giúp đỡ. Có lẽ quá thân thuộc nên hôm luộc củ khoai, khi nấu bắp hay bát chè xanh… bà con trong buôn đều nhớ và dành phần cho bộ đội”.

Ông Lê Tiến Dũng, Phó Chủ tịch xã Krông Na cho biết: “Cán bộ, chiến sĩ Đồn 743 không chỉ giúp bà con trên mặt trận phát triển kinh tế, chăm sóc sức khỏe mà còn tuyên truyền pháp luật, đặc biệt Luật Biên giới quốc gia cho bà con được rõ. Chính vì sự thân thương, trách nhiệm đó mà bộ đội đến đâu cũng được bà con yêu mến, nể trọng”.

Quỳnh Anh


Ý kiến bạn đọc


(Video) Khởi sắc xã vùng sâu Ea Sin
Ea Sin là xã đặc biệt khó khăn của huyện Krông Búk hiện đang đổi thay nhờ những dự án hỗ trợ hiệu quả từ Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030.