Multimedia Đọc Báo in

Những người lính đặc công "mình đồng da sắt"

14:29, 06/05/2015

Để có bản lĩnh, sức khỏe hơn người, những chiến sĩ của Lữ đoàn Đặc công Bộ 198 (Bộ Tư lệnh Đặc công) phải qua nhiều quá trình khổ luyện, vất vả, khắt khe. Các biệt danh: “người sắt”, “xạ thủ”, “võ sư”… cũng từ đó hình thành và gắn liền với biệt tài của các anh.

“Xạ thủ” Đỗ Viết Nam

Nhắc đến anh, đồng đội tếu táo bằng 2 câu thơ: “Bắn giỏi ghi danh/ Là Đỗ Nam xạ thủ”. Luôn giành giải nhất trong các cuộc thi bắn súng do Lữ đoàn tổ chức, Thượng úy chuyên nghiệp Đỗ Viết Nam (Tổ trưởng mũi 3, Đội Chống khủng bố) được đồng đội đặt cho biệt danh là “xạ thủ” của Lữ đoàn. Anh tâm sự: “Vì yêu thích môi trường quân đội, tôi đã viết đơn tình nguyện nhập ngũ khi vừa tốt nghiệp THPT. Sau 3 năm  tại ngũ, tôi được chuyển sang chế độ quân nhân chuyên nghiệp và trực tiếp nhận nhiệm vụ tại Đội Chống khủng bố”. Mặc dù tuổi đời còn rất trẻ, nhưng Đỗ Viết Nam đã sử dụng thành thạo và bắn giỏi các loại súng chiến đấu. Nhờ vậy, năm đầu tiên được biên chế về Lữ đoàn, anh được chọn tham gia thi bắn súng tại Hội thi Thể dục thể thao Binh chủng, lúc đó chỉ đứng thứ 6/21 vận động viên, nhưng đó lại là bước đi đầu tiên dẫn anh đến với những chiến thắng trong các cuộc thi khác. Bên cạnh việc nỗ lực luyện tập, anh luôn nhận được sự quan tâm, động viên từ đồng đội, đồng chí. Nhờ vậy, những năm tiếp theo, anh liên tục có mặt trong các cuộc thi bắn súng ở cấp Lữ đoàn, Binh chủng, toàn quân và dần khẳng định tên tuổi khi liên tiếp giành các giải cao. Nhớ nhất với anh là năm 2008, anh vừa đóng vai trò là huấn luyện viên kiêm vận động viên trong Hội thi bắn súng quân dụng nâng cao toàn quân lần thứ 2. Trải qua các thời khắc tranh tài gây cấn, đội anh xếp thứ 6/25 đội tham gia. “Chúng tôi cảm thấy hơi tiếc vì chỉ thua đội về thứ ba 9 điểm, nếu nỗ lực hơn nữa, chúng tôi đã thay đổi được kết quả. Khi được dự thi cùng các đội mạnh trên toàn quân, chúng tôi học hỏi được rất nhiều cả về cả công tác huấn luyện lẫn cách ứng xử trong cuộc sống hằng ngày”.

Ngay khi là tân binh, các chiến sĩ của  Lữ đoàn Đặc công Bộ 198 đã phải quen dần với tháng ngày học tập, huấn luyện trong môi trường khắc nghiệt  (Trong ảnh: Các tân binh học cách bắn súng)
Ngay khi là tân binh, các chiến sĩ của Lữ đoàn Đặc công Bộ 198 đã phải quen dần với tháng ngày học tập, huấn luyện trong môi trường khắc nghiệt (Trong ảnh: Các tân binh học cách bắn súng)

Mục tiêu anh dùng để khổ luyện không phải là các tấm bia to hình người vẫn thường bố trí tại các thao trường, mà là những viên gạch xếp hình với diện tích nhỏ để cách xa khoảng 1 km. Vậy nhưng, mỗi lần bắn là mục tiêu vỡ vụn… “Xạ thủ” Nam cho biết: “Khi còn là hạ sĩ quan, tôi đã mê bắn súng và thích tìm hiểu kỹ thuật sử dụng các loại súng. Để có được thành quả trong các cuộc thi, tôi phải kiên trì, khổ luyện, trải qua nhiều lần vận động cơ bắp mỏi mệt, chân tay trầy xước do tập luyện…”. 

“Thỏi thép nguội” Nguyễn Hữu Đoàn

Không phải con nhà nòi nhưng niềm yêu thích những đường côn, bài quyền khiến Nguyễn Hữu Hoài sớm tinh thông võ nghệ. Ở độ tuổi 34, Trung úy chuyên nghiệp Nguyễn Hữu Đoàn (Đội Chống khủng bố) rắn chắc như “thỏi thép nguội”, ngoài biệt danh này, đồng đội còn nhắc đến anh với cái tên đặc biệt khác là “Đoàn võ sư”. Bởi Đoàn có khả năng thực hiện thành thục các bài quyền cao đẳng như “Thanh long quyền pháp”, “Kim cương quyền”, “Long hổ quyền”, “La hán quyền”…

Gần 15 năm quân ngũ và hơn chục năm gắn bó với công tác huấn luyện, anh là một trong những cao thủ võ thuật và được đánh giá cao bởi khả năng ra đòn nhanh, chính xác với các thế đánh hiểm. Với khoảng cách từ 7 – 10 m, bất kể địa hình nào, chỉ trong tích tắc, hàng loạt ám khí như dao, sao… được anh găm chính xác vào tâm bảng huấn luyện. Trung úy Đoàn bật mí: “Muốn có được những đường phi chính xác phải có kỹ thuật tốt, tạo được phản xạ nhanh, đường ném mạnh, “sắc ngọt”. Để làm được điều này, tôi và các đồng đội phải trải qua quá trình tập luyện lâu dài, bền bỉ”. Đạt nhiều thành tích cao trong các cuộc thi do Lữ đoàn, Binh chủng tổ chức, nhưng ấn tượng nhất với anh là năm 2012, anh cùng đội võ thuật của Lữ đoàn tham gia Hội thao võ thuật toàn quân và xuất sắc giành giải 3/15 đội thi. Bên cạnh đó, Trung úy Đoàn còn có tuyệt kỹ phi dao, được đồng đội thán phục khi phi “trăm phát trăm trúng”.

Trung úy chuyên nghiệp Nguyễn Hữu Đoàn tập luyện môn phi đao
Trung úy chuyên nghiệp Nguyễn Hữu Đoàn tập luyện môn phi đao.

Không chỉ là “thỏi thép nguội” trong huấn luyện, thi tài, Trung úy Đoàn còn là “giọng ca vàng” của đơn vị. Anh thường xuyên tham gia các cuộc thi hát, múa và được bà con buôn làng xung quanh yêu mến khi thể hiện rất “có hồn” những ca khúc về Tây Nguyên, Dak Lak. Tài năng võ thuật, ca hát của anh đã góp phần mang lại những phút giây thư giãn trên thao trường nắng gió và các buổi giao lưu văn nghệ, thể thao.

“Người sắt” Phạm Văn Bích

Cái tên “người sắt” đã gắn bó gần 10 năm nay với Trung úy Phạm Văn Bích (Đội Chống khủng bố). Sau khi tốt nghiệp THPT, chàng trai quê huyện Quảng Xương (tỉnh Thanh Hóa) cùng bạn bè trên quê hương tham gia nghĩa vụ quân sự. Từ khi vào môi trường quân đội, Bích yêu thích thao trường hơn và “bén duyên” với quân ngũ qua những lần khổ luyện. Với quyết tâm cố gắng để phục vụ lâu dài trong môi trường đặc biệt này, sau khi xuất ngũ, anh đã thi đỗ vào Trường Sĩ quan Đặc công, chuyên ngành Trung cấp võ thuật. Mặc dù không phải “con nhà nòi” nhưng vì đam mê quyền, kiếm giúp anh sớm thực hiện được mong ước…

“Người sắt” Phạm Văn Bích (nằm ngoài cùng, bên trái) cùng đồng đội  nằm trên mảng thủy tinh để 2 đồng đội khác chạy xe máy  di chuyển qua người.
“Người sắt” Phạm Văn Bích (nằm ngoài cùng, bên trái) cùng đồng đội nằm trên mảng thủy tinh để 2 đồng đội khác chạy xe máy di chuyển qua người.

Từ khi về Lữ đoàn Đặc công Bộ 198 công tác, ngoài việc luyện tập, anh còn trau dồi thêm lĩnh vực nội công. Mỗi lần vận nội công, chàng trai có vẻ ngoài rất thư sinh bỗng nhiên trở thành “mình đồng da sắt” trước kiếm, đao sắc nhọn. Anh tâm sự: “Thời gian đầu mới tập, chuyện chấn thương xảy ra như cơm bữa, nhiều lúc vận khí không đạt dẫn đến tổn thương nội tạng nhưng tập dần rồi cũng quen. Nếu có đam mê, bản lĩnh thì người nào cũng có thể làm được”.

Trong một lần biểu diễn nội công, các cộng sự dùng cây giáo đâm vào yết hầu anh, mũi giáo cong vẹo, còn anh không hề thương tích gì… Một lần biểu diễn khác, anh bình thản vận khí rồi từ từ nằm trên hai lưỡi kiếm, đặt thêm khối bê tông nặng 80 kg lên bụng và “vô tư” cho các đồng đội dùng búa tạ bổ xuống. Các mảng bê tông lần lượt rớt xuống đất, anh đứng dậy kết thúc bài biểu diễn trong sự thán phục của đồng đội. Đặc biệt, “người sắt” dễ dàng nằm trên hàng trăm miếng thủy tinh sắc nhọn, với tấm gỗ được kê lên bụng anh và chiếc xe máy chở 2-3 chiến sĩ di chuyển qua người.

 “Để trở thành con người đặc biệt, thực hiện nhiệm vụ đặc biệt, mỗi người lính đặc công phải bảo đảm tố chất, tự rèn cho mình ý chí, bản lĩnh kiên cường, sắt đá, linh hoạt tác chiến, hoàn thành nhiệm vụ trong mọi điều kiện khó khăn, nguy hiểm nhất…” – Lời khẳng định của Thượng tá Phan Ích Dân, Phó Chính ủy Lữ đoàn cũng là điều mà các chiến sĩ đặc công đã và luôn thực hiện mỗi ngày.

Nhắc đến đồng đội của mình, Đại úy Nguyễn Văn Tình (Đội trưởng đội Chống khủng bố) cho biết: “Chúng tôi đã quen với việc ngày nắng tập trên đồi cát nóng chạy bộ hơn 40 km, ngày lạnh ngâm mình dưới nước hơn 20 giờ bơi cả chục kilômet, thức trắng đêm xuyên rừng... Bất kể đêm, ngày chúng tôi sẵn sàng trực chiến và xung trận khi có lệnh”.

Quỳnh Anh


Ý kiến bạn đọc


(Video) Khởi sắc xã vùng sâu Ea Sin
Ea Sin là xã đặc biệt khó khăn của huyện Krông Búk hiện đang đổi thay nhờ những dự án hỗ trợ hiệu quả từ Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030.