Multimedia Đọc Báo in

"Thực túc" ở Đồn Biên phòng Ia R'vê

09:47, 05/05/2015
Nếu có dịp đặt chân đến Đồn Biên phòng (ĐBP) Ia R’vê - nơi vốn được ví như “chảo lửa sa mạc”, ắt hẳn mọi người sẽ rất bất ngờ, bởi đối nghịch với cái nắng như thiêu đốt của vùng biên, ĐBP Ia R’vê hiện ra như một ốc đảo xanh tươi với vườn cây ăn trái rợp bóng mát trải dài bên cạnh khu vực tăng gia sản xuất, chăn nuôi cùng đủ các loại rau xanh tốt, phục vụ nhu cầu cán bộ,  chiến sĩ đơn vị…

Trong chuyến công tác về ĐBP Ia R’vê, chúng tôi được đơn vị “chiêu đãi” một bữa cơm thân mật, với toàn những món ăn “cây nhà lá vườn” do đơn vị tăng gia được, song không kém phần phong phú, hấp dẫn gồm: cá chiên, thịt gà luộc, thịt heo kho, canh tập tàng… mà theo lời giới thiệu của đồng chí Chính trị viên phó, đại úy Trương Văn Hoành thì: “Tất cả các món ăn đều do đơn vị “tự cung, tự cấp”, là “rau sạch, thịt sạch”, tuyệt đối không sử dụng thuốc tăng trọng hay kích thích, bảo đảm an toàn cho sức khỏe”. Trước đó lãnh đạo Đồn đã đưa chúng tôi đi tham quan, mục sở thị khu vực tăng gia sản xuất, chăn nuôi rộng lớn của đơn vị. Ngay trong khuôn viên Đồn, ngoài những hàng cây ăn trái, mà chủ yếu là cây xoài trĩu quả còn có 3 vườn rau xanh, mỗi vườn rộng 200 m2 với đủ các loại rau xanh tốt: cải cúc, mồng tơi, cải ngọt, xà lách, ngò… Kế bên là khu vực chăn nuôi rộng lớn, được quy hoạch bài bản, hợp vệ sinh với số lượng đàn gia súc, gia cầm lên đến gần 500 con. Xa xa hơn nữa là ao cá rộng gần 500 m2, thả đủ các loại cá. Đại úy Trương Văn Hoành còn cho biết thêm, ngoài việc cơ bản bảo đảm 100% nguồn rau sạch tại chỗ, từ công tác tăng gia sản xuất, hằng năm đơn vị đã cải thiện, đưa thêm vào bữa ăn của mỗi cán bộ, chiến sĩ 2.700 đồng/người/ngày. Số tiền nghe qua tưởng chừng không đáng kể, song nếu nhẩm tính ở một đơn vị có quân số đông, thì tính trung bình mỗi ngày số tiền tăng gia tiết kiệm được rất lớn.

Chiến sĩ Đồn Biên phòng Ia R’vê tăng gia,  cải thiện đời sống.
Chiến sĩ Đồn Biên phòng Ia R’vê tăng gia, cải thiện đời sống.

Được biết để có được kết quả ấy là cả một chặng đường dài gian nan gây dựng cùng bao công sức lao động của các thế hệ cán bộ, chiến sĩ của Đồn đã đổ xuống, cải tạo mảnh đất khô cằn, khắc nghiệt này. Đóng chân cách xa địa bàn nên Đồn phải tự lực, tự cường, chủ động nguồn lương thực, thực phẩm từ cá, thịt đến rau xanh các loại để không chỉ đủ định lượng, khẩu phần thức ăn mà còn phải đủ các dưỡng chất cho bộ đội bảo đảm sức khỏe làm nhiệm vụ. “Những ngày đầu chúng tôi phải huy động công sức bộ đội, gạt bỏ lớp sỏi đá trên bề mặt, thay thế bằng lớp phù sa được lấy, vận chuyển từ sông cách đây khoảng 7 km. Chiều chiều, cứ sau một ngày thực hiện nhiệm vụ chính trị trung tâm, tuần tra bảo vệ biên giới, cán bộ, chiến sĩ lại thay nhau ra vườn rau, chăm chút vun từng mảnh đất, cần mẫn gieo trồng, phân tro cho những luống rau”, đại úy Trương Văn Hoành kể lại. Gây dựng được vườn rau rồi, các anh lại phải giải “bài toán” nguồn nước để tưới cũng như phân bón dinh dưỡng cho cây trồng. Theo đó, để có nước tưới cho cây, rau, ngoài việc tận dụng lại nguồn nước sinh hoạt hàng ngày của cán bộ, chiến sĩ, các anh bỏ hàng ngàn ngày công, đào hàng trăm khối đá, làm một ao rộng trên 500 m2 để vừa có nước tưới vào mùa khô vừa thả cá nuôi, cải thiện thêm bữa ăn. Còn để có phân bón cho cây trồng, Đồn đã từng bước gây dựng đàn gia súc, gia cầm, từ vài ba con giống ban đầu thì đến nay, đàn heo, bò của Đồn đã sinh sôi lên hàng trăm con, dư dả phân bón cho cây. Có thể nói công tác tăng gia sản xuất của đơn vị được thực hiện theo một “quy trình khép kín”: nước hồ có thể dùng tưới rau, cây; rau sử dụng không hết lại trở thành thức ăn để chăn nuôi để có phân bón cho cây trồng.

 Không dừng lại ở đó, với quyết tâm, nghị lực, ý chí kiên cường của người lính Cụ Hồ, cán bộ chiến sĩ ĐBP Ia R’vê đã cần cù lao động, cải tạo đất đai, biến vùng đất hoang hóa, rộng gần 3 ha thành cánh đồng lúa phì nhiêu, mỗi năm thu hoạch hàng chục tấn thóc, đáp ứng khoảng 50% nhu cầu lương thực của đơn vị. “Thực túc, binh cường”, từ công tác tăng gia sản xuất, đơn vị không chỉ bảo đảm hậu cần tại chỗ mà còn cải thiện đời sống vật chất, nâng cao sức khỏe của cán bộ chiến sĩ, góp phần đưa tỷ lệ quân số khỏe của đơn vị đạt trên 95%, qua đó giúp người lính thêm vững vàng, chắc tay súng nơi tuyến đầu của Tổ quốc.

Đăng Triều


Ý kiến bạn đọc