Multimedia Đọc Báo in

70 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành của Công an Nhân dân Đắk Lắk (tiếp theo)

10:16, 31/07/2015

3. Công an nhân dân Đắk Lắk trong sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1954 – 1975)

Sau Hiệp định Giơnevơ, thực hiện chủ trương của Đảng, lực lượng Công an Đắk Lắk lúc này thuộc biên chế Ban Bảo vệ của tỉnh, đa số được chuyển sang Trung đoàn 84 để chuẩn bị đi tập kết; số cán bộ Công an ở lại được phân công vào các Ban của Đảng, hoạt động ở cả hai bộ phận hợp pháp và bất hợp pháp. Các đồng chí được phân công đã thay đổi họ tên để đảm bảo bí mật, đổi chỗ, chuyển vùng, khẩn trương liên lạc lại số cán bộ cốt cán cũ ở nông thôn, đẩy mạnh việc phát triển cơ sở ở Buôn Ma Thuột, Cheo Reo, Buôn Hồ, Lắk; tham gia xây dựng đường dây liên lạc trong và ngoài tỉnh, bảo vệ căn cứ, bảo vệ các đồng chí lãnh đạo đi công tác, vận động quần chúng nuôi giấu cán bộ và phòng chống hoạt động thám báo, biệt kích của địch.

Lực lượng Công an Đắk Lắk lúc này tuy chưa hình thành tổ chức, nhưng theo sự phân công nằm trong các Ban của Đảng tích cực tham gia xây dựng, củng cố và mở rộng các khu căn cứ; tuyên truyền, giác ngộ quần chúng đi theo cách mạng, vận động, hỗ trợ quần chúng nổi dậy diệt ác ôn, đấu tranh chống địch đàn áp, khủng bố và cưỡng ép rời làng vào vùng địch kiểm soát... góp phần đưa phong trào đồng khởi của quần chúng nhân dân phát triển không ngừng trên khắp các địa bàn trong tỉnh.

Công an huyện Krông Năng điều tra băng trộm chuyên cạy cửa nhà dân trên địa bàn.   Ảnh: T.T
Công an huyện Krông Năng điều tra băng trộm chuyên cạy cửa nhà dân trên địa bàn. Ảnh: T.T

Để tăng cường sự chỉ đạo và đẩy mạnh phong trào cách mạng ở các địa bàn phía Nam tỉnh Đắk Lắk, đầu năm 1960, Liên Khu ủy V quyết định chia tỉnh Đắk Lắk ra thành 04 đơn vị riêng: B3, B4, B5 và B6(1).

Tháng 10-1964, trên cơ sở chỉ đạo của Trung ương về việc thành lập tổ chức an ninh các cấp, Tỉnh ủy B3 quyết định thành lập Ban an ninh B3 do đồng chí Ama Jú (tức Vũ Ngọc Châu) - Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy làm Trưởng ban. Lực lượng là số cán bộ được Bộ Công an chi viện(2) và cán bộ được phát triển từ nguồn nhân lực tại chỗ. Cơ cấu tổ chức của Ban gồm các bộ phận: Văn phòng, Tiểu ban Bảo vệ chính trị, Tiểu ban Điệp báo, Chấp pháp - Trại giam, Bảo vệ nội bộ, Bảo vệ trị an vùng giải phóng và An ninh vũ trang. Chi bộ Đảng của Ban hình thành lúc đầu có 7 đảng viên, cơ quan làm việc được xây dựng riêng tạo điều kiện thuận lợi cho việc hội họp, sản xuất. Cùng thời gian này, Thường vụ Tỉnh ủy B5 quyết định thành lập Ban An ninh B5 do đồng chí Đào Tấn Ngoạn - quyền Bí thư Tỉnh ủy làm Trưởng ban. Ban An ninh các huyện cũng lần lượt được thành lập, không có các bộ phận nghiệp vụ riêng như tổ chức Ban An ninh tỉnh, cán bộ chiến sĩ (CBCS) thực hiện tất cả các mặt công tác, phụ trách từng địa bàn, từng xã.

Tháng 10-1965, Khu ủy V quyết định hợp nhất B3, B5 lại thành tỉnh Đắk Lắk. Theo quyết định trên, Ban An ninh B3, B5 sáp nhập thành Ban An ninh Đắk Lắk. Kể từ đây, lực lượng Công an Đắk Lắk không ngừng được củng cố, từng bước nâng cao chất lượng, hiệu quả các mặt hoạt động.

Để tiếp tục thực hiện nhiệm vụ trọng tâm trong giai đoạn này là phá ấp, giành dân, đánh bại âm mưu “ấp chiến lược” của Mỹ - ngụy, CBCS Ban An ninh đã tích cực xây dựng, phát triển cơ sở tại thị xã và các quận lỵ lớn, đấu tranh chống hoạt động do thám, gián điệp của địch; phối hợp cùng bộ đội tích cực chống càn, tiêu hao sinh lực địch tại Buôn Hồ, Krông Pắc, Krông Bông… giải phóng hàng nghìn đồng bào ra khỏi ấp chiến lược, góp phần quan trọng đánh thắng “Chiến tranh đặc biệt” của Mỹ - ngụy. 

Trên cơ sở bám sát nghị quyết, chỉ thị của Đảng về đấu tranh chống “Chiến tranh cục bộ”, lực lượng An ninh đã kiên cường bám đất, bám dân, điều tra nắm tình hình, diệt ác ôn. Điển hình như tháng 12-1965, CBCS an ninh đã đột nhập vào dinh điền Phú Học (H5), bắt 2 tên tề điệp, xử lý 01 tên trưởng cảnh sát (đã tham gia tàn sát cán bộ và đồng bào ta ở Quảng Nam - Đà Nẵng); vận động quần chúng đấu tranh chính trị; vạch trần chiêu bài tự trị giả hiệu, “Mặt trận chống Thiệu” của bọn FULRO. Đầu năm 1967, Khu ủy V phát động phong trào 3 bám: “Đảng bám dân, dân bám đất, du kích và bộ đội bám địch” để chống âm mưu bình định trong chiến dịch mùa khô lần thứ hai của địch (1966 - 1967). Lực lượng An ninh và huyện Đội (H5) phối hợp cùng bộ đội chủ lực - E33 (trung đoàn Vĩnh Phú) chặn đứng cuộc càn quét của Mỹ - ngụy vào đồn MeWal (H5), ngày 28-11-1967. Cũng trong năm này, ta phát hiện được 41 tên gián điệp của Mỹ - ngụy, trong đó có tên H’Trăm và Y Krang được địch trang bị cho nhiều phương tiện về buôn Hma vùng giải phóng H6 để hoạt động. Mặc dù liên tục bị địch đánh phá, tăng cường “xúc dân” nhưng đến cuối năm 1967, ta vẫn giữ được nhiều địa bàn, giữ vững thế chủ động tấn công địch trên chiến trường.

Trong chiến dịch Mậu Thân 1968, CBCS an ninh ngày đêm bám địa bàn, phát động phong trào bảo mật, phòng gian; bảo vệ nhân dân đấu tranh chính trị; diệt nhiều tên ác ôn, nợ máu với nhân dân, như tên Tư Điền, tên Chủ tịch Hội đồng ngụy ở xã Quảng Nhiêu (H5).An ninh H6 phục kích trên đường 14 đã bắt, diệt tên Hồ Dưỡng, tình báo Cảnh sát đặc biệt Đắk Lắk. Lực lượng An ninh H4, H5, H8, H10 phối hợp với các lực lượng khác đã bắt, diệt nhiều tên có chức vụ quan trọng, ác ôn, ngoan cố như: tên Nguyễn Văn Thế - Trưởng Ban sưu tầm; Y Thap Mlô – Thiếu úy Liên đoàn trưởng Trường Sơn.

Thực hiện cuộc tiến công chiến lược 1972, mở màn bằng đợt hoạt động Xuân - Hè, đêm 24-3-1972, lực lượng An ninh tham gia nổ súng, đánh chốt dân vệ ở ấp Đức An, pháo kích vào chốt bảo an ở Cà Lúi, bắt và xử lý nhiều tên tề điệp ác ôn. Ngày 7-11-1972, An ninh H6 phối hợp với biệt động thị dùng chất nổ đánh diệt 10 tên cảnh sát, đốt cháy 3 xe Jeep ngay tại trung tâm thị xã; An ninh H4 làm nhiệm vụ trinh sát, đưa đường cho 8 chiến sĩ đặc công tấn công khu đồn 23, phá hủy 06 xe vận tải, diệt một số tên địch… Được sự hỗ trợ của quần chúng và cơ sở, 6 tháng đầu năm 1972, lực lượng An ninh đã tiêu diệt được 5 tên ác ôn, làm bị thương 1 tên, phối hợp với các lực lượng khác diệt được 25 tên, trong đó có tên Ama Xa là tên đầu hàng phản bội có nhiều nợ máu với nhân dân. Tại H2, lực lượng trinh sát phối hợp với đội công tác vũ trang đột nhập vào ấp Tân Sinh - Đức An bắt 4 tên tề điệp; tại H5, một cán bộ tổ diệt ác (A3) đã dùng mìn đánh sập ngôi nhà của tên trung sỹ, ấp phó an ninh thôn 4, Quảng Nhiêu… Cũng trong thời gian này, lực lượng An ninh đã phát hiện và bắt gọn 1 toán thám báo gồm 7 tên FULRO. Kết hợp công tác diệt ác, phá kìm với đẩy mạnh tấn công chính trị vào hàng ngũ địch, lực lượng An ninh đã tán phát 14.118 truyền đơn, 136 cáo trạng, 577 nghiêm lệnh, 223 thư tay, 452 thư cảnh cáo làm nhiều tên hoang mang, bỏ việc hoặc chạy đi nơi khác, 24 tên ra đầu thú xin nhận việc ta giao.

Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975, quán triệt phương châm “An ninh đi trước một bước”, CBCS Ban An ninh đã cử 2 đội trinh sát vào thị xã trước chiến dịch để nắm tình hình, dẫn đường cho quân chủ lực; đưa 12 chức sắc tôn giáo từ trong thị xã ra vùng ven phục vụ yêu cầu chính trị... Đặc biệt, đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ vẽ sơ đồ chi tiết các quận lỵ, kho tàng, cơ quan của địch trong thị xã Buôn Ma Thuột, cung cấp cho Tỉnh ủy phục vụ kế hoạch tác chiến. Sau khi được lệnh tiến công, CBCS an ninh đã tổ chức lực lượng đánh chiếm mục tiêu được phân công, phối hợp bộ đội chủ lực chiếm lĩnh các cơ quan đầu não của địch... cùng với quân và dân trong tỉnh làm nên Chiến thắng Buôn Ma Thuột, mở màn cho thắng lợi của Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

(Còn nữa)

(Theo tài liệu Ban Tuyên giáo Trung ương - Bộ Công an)

------------

(1)B3: M’Đrắk, Đông Cheo Reo, Tây Cheo Reo, Buôn Hồ.

B4: Tỉnh Quảng Đức gồm huyện Đắk Mil, Đức Xuyên của Đắk Lắk và thêm huyện Khiêm Đức của Lâm Đồng, Kiến Đức của Phước Long, thị xã Gia Nghĩa (Đắk Nông).

B5: Gồm huyện Lắk, một số vùng phía Bắc huyện Lạc Dương, Đức Trọng, Đức Xuyên và một số làng nam đường 21.

B6: Gồm thị xã Buôn Ma Thuột, K61 (Bắc Buôn Ma Thuột), K62 (Nam Buôn Ma Thuột), K63 (phía Bắc huyện Đắk Mil).

(2)Đến năm 1964, Bộ Công an đã chi viện cho Đắk Lắk 37 CBCS.

 

[links()]


Ý kiến bạn đọc