Multimedia Đọc Báo in

Các giải pháp nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tội phạm mua bán người trên địa bàn Đắk Lắk

10:49, 28/10/2015

Những năm vừa qua, tội phạm mua bán người trên địa bàn tỉnh tiềm ẩn nhiều nguy cơ phức tạp. Giai đoạn 2011-2015, toàn tỉnh tiếp nhận 11 vụ việc liên quan đến tội phạm mua bán người với 18 đối tượng, 25 nạn nhân bị mua bán, 100% vụ việc là mua bán phụ nữ; trong đó 10 vụ mua bán phụ nữ sang Trung Quốc, 1 mua bán phụ nữ sang Malaysia; 9 vụ mua bán vì mục đích mại dâm (19 nạn nhân), 2 vụ mua bán vì mục đích hôn nhân (6 nạn nhân).

Phương thức, thủ đoạn hoạt động chủ yếu vẫn là lợi dụng sự kém hiểu biết, nhẹ dạ, cả tin của phụ nữ dân tộc thiểu số, phụ nữ ở vùng sâu, vùng xa, điều kiện kinh tế khó khăn, không có việc làm hoặc việc làm thu nhập không ổn định để tiếp cận, dụ dỗ, lừa gạt, sau đó đưa nạn nhân đi các tỉnh biên giới phía Bắc bán sang nước ngoài làm vợ bất hợp pháp hoặc đưa vào các tụ điểm hoạt động mại dâm.

Thực hiện Quyết định số 1427/QĐ-TTg ngày 18-8-2011 của Thủ tướng Chính phủ và các đề án của Chương trình hành động phòng, chống tội phạm mua bán người, trong những năm qua, Công an tỉnh đã tham mưu Ban Chỉ đạo phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội và xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc tỉnh ban hành nhiều chương trình, kế hoạch, văn bản chỉ đạo các sở, ban ngành, đoàn thể, UBND huyện, thị xã, thành phố triển khai thực hiện đồng bộ các mặt công tác, nâng cao hiệu quả phối hợp trong thực hiện các đề án của Chương trình. Đồng thời, các lực lượng chức năng đã tổ chức thực hiện có hiệu quả chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh về công tác đối ngoại, hợp tác quốc tế trong phòng, chống tội phạm và nội dung Thỏa thuận hợp tác phòng, chống tội phạm giữa tỉnh Đắk Lắk với tỉnh Mondulkiri (Campuchia).

Trong 5 năm qua, Công an tỉnh đã khởi tố 6 vụ, 15 bị can phạm tội mua bán người, kết luận điều tra, chuyển Viện Kiểm sát đề nghị truy tố theo đúng quy định của pháp luật, không để xảy ra oan sai, sót lọt tội phạm. Tòa án hai cấp đã xét xử 6 vụ, 10 bị cáo, trong đó: áp dụng hình phạt tù từ trên 3 năm đến 7 năm với 5 bị cáo; từ trên 7 năm đến 15 năm đối với 2 bị cáo; từ trên 15 năm đến 20 năm đối với 3 bị cáo. Cũng trong 5 năm qua, các lực lượng chức năng của tỉnh đã tổ chức tiếp nhận 25 trường hợp nạn nhân bị mua bán trở về; tư vấn tâm lý, trợ giúp pháp lý, hỗ trợ chăm sóc y tế và chi phí đi lại cho nạn nhân trở về địa phương, giới thiệu các nạn nhân đến các cơ sở dạy nghề.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, thực tiễn đấu tranh với loại tội phạm này vẫn còn nhiều tồn tại, như: Công tác phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm mua bán người chưa được các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể và các ngành từ tỉnh xuống địa phương quan tâm đúng mức; công tác phối hợp ở một số thời điểm giữa các lực lượng chưa thường xuyên, chặt chẽ, đồng bộ, cụ thể, thiếu chủ động, còn mang tính hình thức. Trình độ nhận thức và pháp luật của một bộ phận quần chúng nhân dân ở vùng sâu, vùng xa, nhất là khu vực biên giới và vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn thấp, đời sống người dân còn khó khăn. Một số nạn nhân vì mặc cảm nên chưa nhiệt tình cộng tác với lực lượng Công an khiến công tác xác minh, điều tra gặp rất nhiều khó khăn, trở ngại. Đội ngũ cán bộ làm công tác tiếp nhận, hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về còn thiếu, chủ yếu kiêm nhiệm nên việc nắm bắt thông tin, cập nhật tình hình số liệu về nạn nhân bị mua bán trở về cũng như tiến hành cung cấp dịch vụ hỗ trợ, dạy nghề tạo điều kiện cho nạn nhân hòa nhập cộng đồng gặp nhiều khó khăn.

Trong những năm tới, với chính sách tăng cường mở cửa hội nhập hợp tác quốc tế trên nhiều lĩnh vực nên việc giao lưu, đi lại giữa Việt Nam và các nước ngày càng dễ dàng, thuận lợi, cùng với đó là sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ, nhất là công nghệ thông tin, đây là những điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế-xã hội nhưng đồng thời cũng là điều kiện thuận lợi cho tội phạm mua bán người lợi dụng nhằm câu kết, móc nối với nhau hình thành các tổ chức, đường dây hoạt động liên tuyến, liên địa bàn và xuyên quốc gia. Để chủ động phòng ngừa, đấu tranh ngăn chặn có hiệu quả đối với loại tội phạm này, cần phải thực hiện hiệu quả các giải pháp sau: Tăng cường hơn nữa vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền, Ban Chỉ đạo phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội và xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc các cấp trong triển khai thực hiện Chương trình hành động phòng, chống mua bán người. Nâng cao chất lượng, hiệu quả phối hợp giữa các ban, ngành, đoàn thể với lực lượng Công an trong công tác phòng, chống tội phạm mua bán người.

Đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, giáo dục nhân dân, tập trung vào các diện đối tượng có nguy cơ cao là nạn nhân của tội phạm mua bán người; gắn việc thực hiện Chương trình hành động phòng, chống tội phạm mua bán người với các chương trình phát triển kinh tế-xã hội, nâng cao đời sống nhân dân để hạn chế nguyên nhân và điều kiện phát sinh tội phạm mua bán người.

Quản lý chặt chẽ các hoạt động môi giới xuất khẩu lao động, du lịch, cho nhận con nuôi và kết hôn có yếu tố nước ngoài, các hoạt động kinh doanh nhà nghỉ, khách sạn, massage, cắt tóc gội đầu thư giãn… nhằm kịp thời ngăn chặn hoạt động mua bán người trong nội địa cũng như mua bán người xuyên quốc gia.

Mở các đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm mua bán người. Tập trung điều tra, khám phá nhanh các vụ việc liên quan đến tội phạm mua bán người; liên ngành Công an – Viện Kiểm sát – Tòa án phối hợp tăng cường lập án điểm, xét xử lưu động các vụ án mua bán người.

Biểu dương kịp thời gương người tốt, việc tốt, những việc làm hay, những cách làm có hiệu quả; nhân rộng các mô hình tiêu biểu về phòng, chống tội phạm mua bán người. Đẩy mạnh xã hội, có cơ chế tập hợp, động viên các đoàn thể, doanh nghiệp, tổ chức chính trị, xã hội, nghề nghiệp và cá nhân tích cực tham gia phòng, chống tội phạm mua bán người. Nâng cao số lượng, chất lượng đội ngũ cán bộ làm công tác tiếp nhận, hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về địa phương.

Đại tá Đoàn Quốc Thư
(Phó Giám đốc Công an tỉnh Đắk Lắk)
 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.