Chiến công thầm lặng của chiến sĩ cảnh sát phòng cháy chữa cháy
Trung tá Phạm Văn Loan, Phó Phòng Cảnh sát PCCC số 1 (Cảnh sát PCCC Đắk Lắk) phụ trách địa bàn TP. Buôn Ma Thuột và huyện Cư M’gar cho biết, từ đầu năm 2015 đến nay, trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột đã có 14 vụ cháy (không tính các vụ cháy trụ điện và cháy nhỏ thiệt hại không đáng kể). Các vụ hỏa hoạn đã nhanh chóng được lực lượng cảnh sát PCCC dập tắt kịp thời, không gây thiệt hại về người. Điển hình là vụ cháy tại xưởng mộc Quang Hùng ở đường Nguyễn Thị Định, phường Thành Nhất xảy ra vào chiều 1-1-2015; vụ cháy tại căn nhà của gia đình bà Phạm Thị Lương ở đường Lê Thị Hồng Gấm (phường Tân Lợi) xảy ra ngày 17-2-2015; vụ cháy ngày 29-9-2015 tại nhà ông Nguyễn Công Sở ở thôn 2, xã Ea Tu… Khi có cháy, người dân thường hoảng loạn bỏ chạy ra ngoài, ai nấy cũng lo quẳng đồ đạc ra khỏi nơi cháy khiến việc tiếp cận đám cháy của lính PCCC thường rất khó vì phải vượt qua các chướng ngại vật là người và đồ đạc. Nhiều vụ, sức nóng của đám cháy mạnh đến mức bỏng rát người, dù đứng cách xa hàng chục mét, các chiến sĩ vừa chữa cháy vừa phải dùng nước dội vào người thường xuyên để làm mát. Mặc dù vất vả, nguy hiểm nhưng với tinh thần vì nhân dân phục vụ, các cán bộ chiến sĩ Phòng Cảnh sát PCCC số 1 luôn quyết tâm hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.
Các chiến sĩ Phòng Cảnh sát PCCC số 1 kiểm tra, hướng dẫn công tác phòng ngừa cháy nổ cho chủ nhà nghỉ, quán Karaoke trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột. |
Khi được hỏi về công tác trực chiến khi có tin báo hỏa hoạn, Trung tá Loan tâm sự: Quy định của ngành là trong vòng 1 phút sau khi nghe tiếng còi báo cháy, xe chữa cháy phải ra khỏi cổng. Vì thế, anh em chiến sĩ đang làm bất cứ việc gì, nghe tiếng chuông là phải chạy liền. Có người đang tắm, trên mình còn dính đầy xà bông, chỉ kịp xỏ vội quần áo vào và chạy ra xe. Có khi đang ăn nhưng nghe tiếng chuông cũng phải lập tức buông chén. Các sắc lính khác còn có chuyện “lên ca, xuống ca (trực)”, còn lính cứu hỏa gần như phải trực chiến thường xuyên, trực đủ đầu xe và khép kín 24/24 giờ.
Không chỉ phải hoàn thành tốt nhiệm vụ PCCC, Phòng Cảnh sát PCCC số 1 còn tích cực tham gia công tác cứu hộ, cứu nạn. Còn nhớ ngày 7-7 vừa qua, nhận được thông tin có một người đàn ông bị nước lũ cuốn trôi tại đường Quang Trung, phường Tân Tiến (TP. Buôn Ma Thuột), đơn vị đã điều động 3 xe chuyên dụng, 24 lượt cán bộ chiến sĩ tham gia tìm kiếm nạn nhân. Sau 2 ngày vất vả tìm kiếm mới tìm thấy xác nạn nhân cách vị trí ban đầu khoảng 300 m. Hay trường hợp gần đây nhất vào đêm 25-8-2015, một phụ nữ vô tình rơi xuống giếng tại rẫy ngô thuộc khối 7, phường Tân Lợi. Sáng sớm hôm sau người dân phát hiện báo tin, cán bộ chiến sĩ Phòng Cảnh sát PCCC số 1 đã nhanh chóng có mặt để thực hiện công tác cứu nạn. Do giếng sâu 30 m, bị bỏ hoang lâu năm, đất trên thành sạt lở nhiều rất nguy hiểm, nên sau 1 giờ đồng hồ các chiến sĩ mới đưa được nạn nhân lên bờ trong tình trạng kiệt sức, hoảng loạn, toàn thân lạnh ngắt. Nạn nhân sau đó được đưa đi cấp cứu kịp thời tại Bệnh viện đa khoa tỉnh và đã hồi phục…
Đại tá Nguyễn Tiến Tuấn, Trưởng Phòng Cảnh sát PCCC số 1 cho biết, với phương châm lấy phòng ngừa là chính, huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, toàn dân vào việc thực hiện nhiệm vụ PCCC và cứu hộ, cứu nạn nên ngay từ khi thành lập, Phòng Cảnh sát PCCC số 1 đã đặc biệt chú trọng đến việc đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền, xây dựng phong trào toàn dân PCCC. Từ đó, đã tạo được sự chuyển biến tích cực về nhận thức và trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, tổ chức chính trị xã hội, người đứng đầu các cơ quan, doanh nghiệp và người dân trong công tác PCCC. Cùng với đó, Phòng Cảnh sát PCCC số 1 thường xuyên phối hợp với các cấp ủy, chính quyền phường, xã, thực hiện nhiều chuyên đề về công tác PCCC như: Kiểm tra, hướng dẫn, chỉ đạo lập các phương án và triển khai thực tập các phương án PCCC nhà cao tầng, chợ, trung tâm thương mại, các cơ sở kinh tế trọng điểm; chủ động tham mưu cho UBND các phường, xã xây dựng chương trình, kế hoạch triển khai mô hình “Cụm dân cư an toàn PCCC” (đến nay, đã có 100% các khu phố, phường, xã cam kết bảo đảm an toàn PCCC)... Qua đó kịp thời chấn chỉnh những sơ hở, thiếu sót trong công tác quản lý Nhà nước về PCCC, cũng như đề ra các giải pháp bảo đảm an toàn PCCC ở từng lĩnh vực trên địa bàn. Nhờ triển khai đồng bộ các giải pháp, nên đã nâng cao nhận thức, ý thức trong chấp hành Luật PCCC đối với các cấp, các ngành, mọi tầng lớp nhân dân, góp phần kiềm chế và kiểm soát, hạn chế tối đa các vụ cháy nổ xảy ra trên địa bàn.
Lê Thành
Ý kiến bạn đọc