Multimedia Đọc Báo in

Ngôi nhà chung của chiến sĩ mới

07:19, 11/10/2015

Ngay từ những ngày đầu về Tiểu đoàn Huấn luyện – Cơ động (Bộ đội Biên phòng tỉnh), 70 tân binh đã nhận được sự đón tiếp ân cần của cán bộ, chiến sĩ đơn vị. Những cử chỉ thắm tình đồng đội góp phần giúp chiến sĩ nhanh chóng hòa nhập môi trường mới, sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Đứng chân trên địa bàn xã biên giới Krông Na (huyện Buôn Đôn), Tiểu đoàn Huấn luyện – Cơ động làm nhiệm vụ huấn luyện chiến sĩ cho Bộ đội Biên phòng tỉnh và bảo đảm lực lượng cơ động, sẵn sàng chiến đấu, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới. Trung tá Mai Thế Bùi, Chính trị viên Tiểu đoàn cho biết: “Trước khi nhận chiến sĩ mới, cán bộ các cấp trong đơn vị đã chủ động soạn giảng, cập nhật thông tin các loại giáo án huấn luyện, tu sửa doanh trại, tạo cảnh quan xanh, sạch, đẹp… Đợt 2-2015 này, đơn vị nhận 70 chiến sĩ mới đến từ 2 huyện Krông Búk và Ea H’leo, hầu hết đều có ý thức cầu tiến, chấp hành nghiêm kỷ luật quân đội. Các chiến sĩ sẽ phải trải qua 3 tháng huấn luyện tân binh và 1,5 tháng rèn luyện kỹ năng, nghiệp vụ biên phòng”.
Chiến sĩ mới tự tin  thực hành  kỹ thuật chiến đấu bộ binh.
Chiến sĩ mới tự tin thực hành kỹ thuật chiến đấu bộ binh.

Những ngày đầu, các chiến sĩ được học về rèn luyện bản lĩnh chính trị, tác phong, kỷ luật; được huấn luyện các nội dung: điều lệnh đội ngũ, kỹ thuật chiến đấu bộ binh, điều lệnh quản lý bộ đội… Trong số 70 chiến sĩ nhập ngũ đợt này, có 5 người đã tốt nghiệp trung cấp, cao đẳng, nhiều người có công việc ổn định, thu nhập cao. Đơn cử như Binh nhì Nguyễn Việt Anh (Trung đội 1, Đại đội Huấn luyện). Là con út trong gia đình có 2 anh em, tốt nghiệp ngành Công nghệ xử lý môi trường (Trường ĐH Công nghiệp TP. Hồ Chí Minh), Việt Anh làm việc cho công ty tư nhân với mức lương trên 10 triệu đồng/tháng. Hơn 5 năm tham gia “thương trường”, nhưng anh vẫn mong được rèn luyện, học tập trong môi trường quân ngũ. Việt Anh tâm sự: “Tham gia nghĩa vụ quân sự là dịp để tôi học hỏi và trưởng thành hơn, giúp tôi có thêm nghị lực khắc phục khó khăn trong cuộc sống. Tôi tin rằng khi trở về địa phương, những kinh nghiệm trong môi trường quân đội sẽ có ích rất nhiều, hỗ trợ tôi hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao”.  

Là “cậu ấm” trong gia đình có 5 anh chị em, Binh nhì Nguyễn Thụy Trọng được cưng chiều nên chưa bao giờ nếm trải vất vả. Trọng tâm sự: “Mấy ngày đầu do chưa quen với nắng gió thao trường, em bị ốm liên tục, nhưng được cán bộ quân y, đồng đội chăm sóc, em đã khỏe hẳn. Hiện tại, em tự tin hơn khi học cách ngắm bắn, giữ súng, bóp cò. Được chỉ huy Trung đội, Đại đội hướng dẫn tỉ mỉ, cụ thể bằng mô hình trực quan, sinh động, em và các bạn nhanh chóng nắm bắt được nội dung và phối hợp một cách nhịp nhàng”. Không chỉ riêng Trọng, mà nhiều tân binh cũng bị nhức mỏi toàn thân, tay, chân trầy xước sau những ngày huấn luyện thao trường. Nhưng sự va chạm ấy đã giúp các anh thêm dạn dày, quen dần với môi trường “kỷ luật là sức mạnh của quân đội”.

Sinh ra trong gia đình giàu truyền thống cách mạng, bố là cựu quân nhân, anh trai đang công tác tại Trung đoàn Bộ binh 95, vậy nên ngay sau khi tốt nghiệp THPT, Y Trương Drao (Trung đội 2, Đại đội Huấn luyện) đã tình nguyện tham gia nghĩa vụ quân sự. Trong môi trường mới, anh luôn thực hiện nghiêm các chế độ sinh hoạt hằng ngày. Nắng, gió thao trường, các bài học khó không làm nản chí rèn luyện của chàng trai trẻ. Khi chưa hiểu vấn đề nào, Y Trương không ngại hỏi cán bộ, đồng đội và thậm chí nhập tâm tới mức mang cả bài học vào giấc mơ. Y Trương tự hào: “Được học tập và rèn luyện trong môi trường quân ngũ là niềm mơ ước từ rất lâu của em và gia đình. Em sẽ cố gắng phấn đấu hơn nữa để được phục vụ lâu dài, cống hiến sức trẻ cho sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước”.

Hầu hết tân binh tuổi đời còn khá trẻ, vừa rời ghế nhà trường, lại là lần đầu tiên xa gia đình nên khá bỡ ngỡ, gặp nhiều khó khăn trong ngôi nhà mới. Đó là cách xưng hô, nếp ăn ở, sinh hoạt tập thể, đến nỗi nhớ nhà, người thân, bè bạn… Thượng úy Phạm Kiều Hưng, Đại đội phó Đại đội Huấn luyện bộc bạch: “Để quản lý, nắm bắt tư tưởng của anh em, đơn vị đề ra phương châm cùng ăn, cùng ở, cùng tập luyện, thậm chí cùng ngủ, cùng sinh hoạt với các tân binh. Bằng tình cảm và trách nhiệm của mình, chúng tôi luôn gần gũi, động viên, cố gắng tạo mọi điều kiện tốt nhất để chiến sĩ an tâm tư tưởng, nhanh chóng hòa nhập”.

Ngoài việc học tập, rèn luyện trên thao trường, chiến sĩ còn được cán bộ Tiểu đoàn tổ chức sinh nhật đồng đội, giao lưu văn hóa, văn nghệ, thể thao, đọc sách, báo, xem ti vi… bước đầu tạo sân chơi bổ ích, giúp chiến sĩ thêm gắn bó, yêu mến với đơn vị, qua đó góp phần hoàn thành tốt nhiệm vụ bảo vệ biên cương Tổ quốc.

 Quỳnh Anh


Ý kiến bạn đọc


(Video) Huyện Krông Pắc: Nhiều hoạt động nâng cao nhận thức, thúc đẩy bình đẳng giới
Tại huyện Krông Pắc, Dự án 8 về “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” được triển khai đã tác động tích cực đến đời sống, nâng cao nhận thức, thay đổi “nếp nghĩ, cách làm” của phụ nữ nói riêng và người dân trong cộng đồng nói chung.