Chuyện về một Phó Đội trưởng
Năm 2001, chàng trai trẻ Nguyễn Thọ Ninh đã tham gia nghĩa vụ quân sự rồi thi đỗ vào Trường Trung cấp Biên phòng 1. Năm 2004, sau khi tốt nghiệp, anh được phân công làm nhân viên trinh sát (Đội Trinh sát) ở Đồn Biên phòng Ea H’leo. Địa bàn mà Đồn quản lý là xã Ya Lốp (huyện Ea Súp) còn lắm khó khăn: đường sá gập ghềnh, đời sống người dân nghèo nàn, lạc hậu, trình độ dân trí còn thấp nên anh và đồng đội phải luôn cố gắng, nỗ lực để hoàn thành tốt nhiệm vụ. Có năm, anh và đồng đội phát hiện và vận động được 7 đối tượng giao nộp súng tự chế. Trong đó, có 1 đối tượng khá lì lợm, cố tìm mọi cách giữ súng, thậm chí còn có lời đe dọa cán bộ, chiến sĩ. Bằng các biện pháp nghiệp vụ và cách trò chuyện gần gũi, thuyết phục của các chiến sĩ biên phòng, cuối cùng đối tượng đã hiểu ra tác hại của vũ khí tự chế và tự nguyện giao nộp...
Trung úy chuyên nghiệp Nguyễn Thọ Ninh trò chuyện cùng người dân xã Ya Lốp. |
Hơn 6 năm làm nhiệm vụ trinh sát, anh không chỉ hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, mà còn tham gia lớp bồi dưỡng tiếng Khmer tại Trường Trung cấp Biên phòng 2. Với vốn kiến thức ấy đã tạo điều kiện thuận lợi cho anh khi tiếp xúc với đồng bào Khmer và có dịp hiểu sâu hơn về đời sống văn hóa cũng như tâm tư nguyện vọng của người dân. Từ năm 2010 đến nay, anh đảm nhận nhiệm vụ mới là Phó Đội trưởng Đội Phòng chống tội phạm và ma túy. Không ngại khó khăn, anh luôn bám sát địa bàn, cơ sở phụ trách để có thể làm tốt công tác điều tra tình hình tội phạm ma túy và các loại tội phạm khác. Bên cạnh đó, anh cùng đồng đội phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương theo dõi các đối tượng ra vào, hoạt động trái phép tại khu vực biên giới; kết hợp tuyên truyền cho bà con về chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Nhờ vậy mà an ninh trật tự trên địa bàn xã Ya Lốp cơ bản ổn định, người dân chăm lo phát triển kinh tế, đời sống vật chất, tinh thần ngày càng được nâng cao.
Vui là vậy nhưng vẫn còn những điều khiến anh trăn trở. “Hiện nay, trên địa bàn vẫn còn một số đối tượng buôn bán và sử dụng ma túy. Chúng thường hoạt động về đêm, di chuyển địa điểm liên tục, đặc biệt thực hiện các hành vi buôn bán, sử dụng ma túy trên địa bàn khác nên rất khó phát hiện” – anh chia sẻ. Để biên giới thêm yên bình, anh cùng đồng đội thực hiện phương châm “3 bám, 4 cùng”; xây dựng chương trình, kế hoạch, tham mưu cho cấp ủy, chính quyền để kịp thời xử lý các vụ việc xảy ra trên địa bàn; vận động người dân xây dựng đời sống văn hóa các thôn, buôn, chung sức xây dựng nông thôn mới...
Trong quá trình công tác tại địa bàn, anh bén duyên với cô giáo Nguyễn Thị Thanh Hằng (Trường Tiểu học Nguyễn Trãi, xã Ia Lốp) và xây dựng ngôi nhà hạnh phúc ngay tại xã. Anh không quản khó khăn, nguy hiểm trên mặt trận phòng chống tội phạm và ma túy, còn chị miệt mài việc dạy chữ cho trẻ em vùng đặc biệt khó khăn, cả hai cùng chung mong muốn là cống hiến sức trẻ, trí tuệ của mình để góp phần đưa vùng biên ngày càng phát triển. Hạnh phúc như được nhân lên với vợ chồng anh khi có đứa con đầu lòng ngoan ngoãn, đáng yêu...
Với những thành tích và nỗ lực không ngừng, hằng năm, Trung úy chuyên nghiệp Nguyễn Thọ Ninh được Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh tặng Giấy khen vì hoàn thành tốt nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới...
Quỳnh Anh
Ý kiến bạn đọc