Đại gia đình của chiến sĩ mới
440 chiến sĩ mới của 15 huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh vừa tạm biệt gia đình, gia nhập “ngôi nhà” mới, Tiểu đoàn 303, để huấn luyện trước khi được vinh dự đứng vào hàng ngũ những người lính Cụ Hồ. Trong “ngôi nhà” chung này, các tân binh không phân biệt dân tộc, tôn giáo, trình độ văn hóa nhanh chóng làm quen, trở thành những đồng chí, đồng đội, cùng hòa nhập, thích nghi trong môi trường hoàn toàn mới.
Sau 2 tuần vào đơn vị, chàng chiến sĩ mới Nay Linh (dân tộc Gia Rai, ở xã Ea Sol, huyện Ea H’leo) đã thay đổi rất nhiều, không còn cái vẻ rụt rè, ngại giao tiếp như trước nữa mà trở nên dạn dĩ, hoạt bát hơn. “Các bạn ở đơn vị em ai cũng vui tính, nhiệt tình, năng động và luôn gần gũi, sẵn sàng chia sẻ, giúp đỡ lẫn nhau trong học tập và huấn luyện, điều đó đã giúp em tự tin hơn khi tiếp xúc với mọi người”, Nay Linh cảm nhận. Còn chàng tân binh Y Pher Ông, người dân tộc M’nông đến từ xã vùng sâu Đắk Liêng (huyện Lắk) thì chia sẻ: Tuy có đôi chút bất đồng, ngôn ngữ, nhưng qua các hoạt động sinh hoạt, lao động, nhất là những giờ giải lao chúng em đã nhanh chóng trở thành bạn bè, vả lại cùng chung đơn vị nên mọi người đều xác định đã là đồng đội thì phải hỗ trợ, động viên nhau tiến bộ trong thời gian xa gia đình”. Riêng chàng tân binh người tộc Êđê Y Si La Knul, vốn là giảng viên của Trường Cao đẳng Nghề Đắk Lắk, thì cho biết: “Khi vừa gia nhập Tiểu đoàn, chúng em ai cũng có tâm trạng lo lắng, sợ không thích nghi ngay với những quy định giờ giấc sinh hoạt nghiêm khắc của quân đội, song thật bất ngờ khi các thủ trưởng, từ tiểu đội trưởng đến trung đội, đại đội và tiểu đoàn đều rất tâm lý, không quá nguyên tắc mà linh động áp dụng từ từ để chúng em hòa nhập dần. Hơn nữa các thủ trưởng đều gần gũi, thường xuyên quan tâm hỏi han, chỉ bảo tận tình từ những việc nhỏ nhất…, tất cả chúng em có chung cảm nhận đây chính là ngôi nhà thứ 2 của mình vậy”. Có thể thấy được không khí vui tươi, chan hòa, gần gũi giữa những người đồng đội trẻ năng động, nhiệt huyết, giữa chiến sĩ mới với thủ trưởng tiểu đoàn qua giờ giải lao, với những âm thanh cười nói rộn ràng, tiếng hô vang cổ vũ cho những cuộc tranh tài, thử sức vật tay nhau hay những lời trò chuyện, hỏi han ân cần… Điều đó dường như xóa nhòa, thu hẹp khoảng cách giữa cấp trên, cấp dưới, để rồi tất cả trở thành những thành viên trong một đại gia đình.
Không khí tranh tài sôi nổi giữa các tân binh trong giờ giải lao. |
Đại úy Đoàn Tân Tiến, Chính trị viên phó Tiểu đoàn 303 cho biết, số tân binh năm 2016 được Tiểu đoàn tiếp nhận huấn luyện tăng gấp đôi so với năm trước, trong đó có nhiều thành phần dân tộc khác nhau. Vì vậy những khác biệt, bất đồng về ngôn ngữ, văn hóa, phong tục tập quán trong sinh hoạt hằng ngày là điều không thể tránh khỏi. Bên cạnh đó trình độ văn hóa của các tân binh cũng không đồng đều, thấp nhất mới học xong lớp 4, cao nhất đã tốt nghiệp đại học. Song là đơn vị đảm nhận công tác huấn luyện chiến sĩ mới, từ kinh nghiệm của những năm trước, trên cơ sở hồ sơ của các tân binh, tiểu đoàn đã tổ chức biên chế, sắp xếp vào các đơn vị một cách khoa học, hợp lý, xen lẫn giữa tân binh có trình độ thấp với cao, cân bằng giữa các thành phần dân tộc vào các tiểu đội với mục đích để các em hỗ trợ, giúp đỡ lẫn nhau. Ngoài ra nhằm tạo tâm lý tốt nhất cho các chiến sĩ trước khi chính thức bước vào khóa huấn luyện, Tiểu đoàn còn đặc biệt quan tâm làm công tác chính trị tư tưởng. Song song với việc chuẩn bị cơ sở vật chất, sắp xếp nơi ăn nghỉ, tăng cường công tác hậu cần, củng cố doanh trại, tạo môi trường cảnh quan đơn vị xanh - sạch - đẹp, ngay khi chiến sĩ đặt chân đến đơn vị, tiểu đoàn đã kiện toàn các tổ tâm lý pháp lý quân nhân. Những cán bộ tham gia vào tổ này đều là những người có kinh nghiệm, nắm bắt được tâm lý chiến sĩ mới, luôn gần gũi, sẵn sàng trò chuyện thăm hỏi động viên, chia sẻ mọi khúc mắc cho các em. Hiểu được tâm trạng các em thường lo lắng trước những thay đổi về giờ giấc sinh hoạt, các cán bộ trong tổ tâm lý pháp lý quân nhân cũng như cán bộ huấn luyện không nguyên tắc, cứng nhắc, “gò” các em vào khuôn khổ ngay mà từng bước có những đổi thay phù hợp. Trước khi chính thức bước vào khóa huấn luyện, Tiểu đoàn dành thời gian 2 tuần đầu để các em làm quen với môi trường mới và đồng đội thông qua các giờ sinh hoạt ngoại khóa, tập thể dục thể thao, lao động tăng gia sản xuất, học cách sắp xếp nội vụ… Các tân binh được cán bộ huấn luyện hướng dẫn, chỉ bảo tận tình từ cách xưng hô chào hỏi với cấp trên, với đồng đội cũng như các chế độ nền nếp trong ngày, trong tuần, chức trách quân nhân và học tập về truyền thống của quân đội, của Tiểu đoàn… để từ đó xây dựng, hình thành nên ý thức tự giác tuân thủ, chấp hành nghiêm kỷ luật quân đội, quy định của đơn vị. Những ngày cuối tuần, các em còn được gọi điện thoại về thăm hỏi, trò chuyện với gia đình, bạn bè.
Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 303, Đại úy Phạm Hoàng Loan khẳng định: “Bằng tất cả tình cảm, trách nhiệm, khi các em đặt chân vào ngôi nhà chung này, chúng tôi đã quan tâm cả về vật chất, tinh thần, sẵn sàng tìm hiểu, kịp thời tháo gỡ mọi khúc mắc để các em xem đây như chính là gia đình của mình. Và đây chính là bước “tạo đà” quan trọng để khóa huấn luyện đạt kết quả cao nhất”.
Đăng Triều
Ý kiến bạn đọc