Tạo đà vững chắc cho chiến sĩ vùng biên
Không chỉ gần gũi, nắm bắt tâm tư, tình cảm, cán bộ Tiểu đoàn Huấn luyện – Cơ động (Bộ đội Biên phòng tỉnh) còn tận tình chỉ bảo, tổ chức nhiều hoạt động học tập, vui chơi để chiến sĩ mới nhanh chóng hòa nhập với môi trường quân ngũ.
Chủ động trong công tác chuẩn bị
Khác với những mùa huyến luyện trước, năm 2016, Tiểu đoàn Huấn luyện – Cơ động tiếp nhận 160 chiến sĩ mới (tăng hơn 2 lần so với các đợt trước) của 2 tỉnh Kon Tum và Đắk Lắk. Đây là năm đầu tiên đơn vị thực hiện nhiệm vụ huấn luyện với quân số đông, lại đến từ 2 tỉnh (trước đó chỉ huấn luyện chiến sĩ mới đến từ các địa phương trong tỉnh Đắk Lắk), nên đòi hỏi trình độ và kinh nghiệm quản lý của cán bộ các cấp phải đáp ứng được yêu cầu. Chủ động trước mọi khó khăn, đơn vị đã dành nhiều tháng liền chuẩn bị mọi cơ sở vật chất, tinh thần để tiếp nhận tân binh. Ngay từ ngày đầu, chiến sĩ mới đã được cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn đón tiếp ân cần, chu đáo. Thượng úy Phạm Quang Hiển, Chính trị viên phó Tiểu đoàn cho biết: “Để bảo đảm nhiệm vụ huấn luyện, đơn vị đã chuẩn bị các thao trường, bãi tập, làm mới mô hình học cụ, soạn giảng giáo án; bảo đảm nơi học tập, sinh hoạt, ăn ở cho chiến sĩ mới. Xác định “rèn cán trước rồi mới luyện binh”, Tiểu đoàn đã tổ chức tập huấn khung huấn luyện cho cán bộ làm công tác quản lý và huấn luyện chiến sĩ mới, trong đó có các cán bộ là tiểu đội trưởng đến từ Bộ đội Biên phòng tỉnh Kon Tum”.
Mới cuối tháng 2, nhưng cái nắng trên xã vùng biên Krông Na (huyện Buôn Đôn) đã thiêu vàng từng ngọn cỏ, nhiều loài cây rơi rụng lá, chỉ còn trơ lại cành. Vậy nhưng, trong doanh trại Tiểu đoàn, cảnh quan môi trường vẫn gọn gàng, sạch sẽ, cây cảnh tươi xanh, hàng chục loại rau vẫn giữ màu xanh non. Nhằm bảo đảm vật chất hậu cần, trước đó, cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn đã mở rộng diện tích tăng gia sản xuất, trồng mới hàng nghìn mét vuông rau, củ, quả; chăn nuôi hàng trăm gia súc, gia cầm và thả trên 1.000 cá lóc, rô phi...
Chiến sĩ mới tập luyện thể thao, nâng cao sức khỏe. |
Cũng như nhiều đồng đội khác, binh nhì Y Tuấn Niê (Trung đội 2, Đại đội Cơ động) tỏ ra bất ngờ trước cảnh quan của doanh trại. Tuấn thổ lộ: “Ngày đầu tiên đến Tiểu đoàn, anh em chiến sĩ vừa bỡ ngỡ, lo lắng, lại bất ngờ trước mọi thứ, từ nhà ăn, nơi sinh hoạt đến nơi luyện tập đều rất quy cũ, ngăn nắp, sạch sẽ; chỉ huy đơn vị thì gần gũi, thân mật, nhờ vậy, chúng em dần vơi bớt nỗi nhớ nhà. Mặc dù còn lóng ngóng trong mọi sinh hoạt, nhưng được cán bộ đơn vị hướng dẫn chu đáo, em tin sẽ tiến bộ nhanh hơn”.
“3 cùng” với chiến sĩ
Để chiến sĩ mới thật sự yên tâm trong những ngày đầu làm quen với môi trường quân đội, cán bộ các cấp của Tiểu đoàn như người anh, người bạn luôn sâu sát, gần gũi, yêu thương các chiến sĩ. Thượng úy Phạm Quang Hiển cho biết thêm: “Đơn vị đã tổ chức sinh hoạt, quán triệt tình hình, nhiệm vụ; đồng thời tổ chức giao lưu văn hóa, văn nghệ giữa các chiến sĩ trước và chiến sĩ mới để trao đổi kinh nghiệm, học hỏi lẫn nhau. Với phương châm “cùng ăn, cùng ở, cùng làm”, cán bộ đơn vị luôn sâu sát, hướng dẫn, chỉ bảo cho các em từ những việc nhỏ nhất, như: cách chào hỏi, mang mặc quân phục, gấp nội vụ...”.
Mới trải qua những ngày đầu quân ngũ nên binh nhì A Phết (Trung đội 1, Đại đội Cơ động) vẫn còn lóng ngóng trước các chế độ sinh hoạt trong ngày của đơn vị. Biết A Phết chưa thuần thục việc gấp nội vụ, cán bộ trung đội vừa thực hành, vừa hướng dẫn từng động tác để chiến sĩ mới được rõ. Cũng như A Phết, nhiều đồng đội cũng khá lạ lẫm khi tập điều lệnh hay thể hiện các động tác của bài tập thể dục buổi sáng... Binh nhì Lục Phạm Nhật Quang (Trung đội 2, Đại đội Cơ động) bày tỏ: “Thoạt nhìn các động tác đơn giản, nhưng thực hiện đúng theo hướng dẫn thật không dễ chút nào, phần lớn anh em tập trước quên sau khiến cán bộ rất vất vả”. Từng là sinh viên của Trường CĐ nghề dầu khí (Bà Rịa - Vũng Tàu), nhưng Nhật Quang vẫn muốn thử sức mình trong môi trường mới. Tự nhận thấy mình may mắn hơn đồng đội vì nhà ở tại huyện Buôn Đôn, lại quá quen với việc sống xa nhà nên Quang quyết tâm hoàn thành tốt nhiệm vụ, phấn đấu được phục vụ lâu dài trong môi trường quân ngũ.
Thượng úy Nguyễn Thành Luyện, Đại đội trưởng Đại đội Cơ động chia sẻ: “Hầu hết các chiến sĩ đều lần đầu tiên xa gia đình, mọi thứ trong môi trường quân ngũ đều lạ lẫm, mới mẻ. Vì vậy, cán bộ các cấp từ tiểu đội trưởng đến trung đội trưởng luôn gần gũi, nắm bắt tâm tư chiến sĩ. Đặc biệt, tiểu đội trưởng là người anh “3 cùng” với chiến sĩ để hiểu hơn về tâm lý, tình cảm, giúp các em nhanh chóng hòa nhập với môi trường mới”.
Bằng tình thương, trách nhiệm và sự nỗ lực của cán bộ Tiểu đoàn Huấn luyện – Cơ động, tin rằng khóa huấn luyện sẽ đạt và vượt mục tiêu đề ra, góp phần tạo đà vững chắc để chiến sĩ mới vùng biên thấy rõ hơn vai trò, nhiệm vụ của mình trước Tổ quốc.
Quỳnh Anh
Ý kiến bạn đọc