Multimedia Đọc Báo in

"Hải âu" vượt đại dương

08:43, 28/03/2017

Song hành nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc, ngoài đội ngũ tàu chiến đấu, vận tải hùng hậu, Quân chủng Hải quân còn có một chiếc tàu buồm đẹp, lãng mạn như một chú chim hải âu làm nhiệm vụ tuần tiễu, huấn luyện sẵn sàng chiến đấu.

Chiếc tàu buồm mang tên nhà bác học Lê Quý Đôn là con tàu vượt đại dương đầu tiên của Hải quân Việt Nam đến nhiều vùng biển châu lục trên thế giới…

Tàu buồm Lê Quý Đôn có phiên hiệu quân sự là 286, đây là chiếc thuyền buồm đầu tiên của Việt Nam với tính năng tác dụng kỹ chiến thuật hiện đại, vừa phục vụ tuần dương tuần tiễu trong lĩnh vực quân sự, vừa có nhiệm vụ du lịch, hải trình vượt đại dương dài ngày trên biển và giao lưu quốc tế.

Do kết cấu thân tàu màu trắng và những cánh buồm đầy sức “quyến rũ” nên bộ đội hải quân gọi thân thiện tàu 286 là “hải âu” bởi khi đi biển những cánh buồm trắng căng phồng như cánh chim hải âu lướt trên mặt biển. Từ ngày hạ thủy đến nay, tàu Lê Quý Đôn đã vượt hàng trăm nghìn hải lý an toàn, phục vụ cho công tác tuần dương, huấn luyện, giao lưu, giao hữu quốc tế, cán bộ chiến sĩ trên tàu luôn tự hào về con tàu của mình.

“Hải âu” tuần dương trên biển.   Ảnh: A. Mão
“Hải âu” tuần dương trên biển. Ảnh: A. Mão

Trong nhiều vụ tuần tiễu vượt đại dương, thuyền trưởng Lã Văn Tám nhớ nhất là chuyến hải trình từ Ba Lan về Việt Nam. Lần ấy, anh cùng những thủy thủ tàu Lê Quý Đôn đã vượt chặng đường 18.000 hải lý với 122 ngày đêm hải trình liên tục. Từ biển Baltic, con “hải âu” đi trong bão tuyết giữa mùa đông lạnh giá, vượt qua kênh Anh, băng qua Đại Tây Dương, vào biển Caribe, tới kênh đào Panama, xuyên Thái Bình Dương vào Biển Đông và cuối cùng về Việt Nam. Trong suốt 122 ngày đêm hành trình 3/4 vòng trái đất ấy, cán bộ, chiến sĩ thủy thủ tàu Lê Quý Đôn “chạm trán” với bốn cơn bão, tố lốc giữa biển khơi trên vùng biển Đại Tây Dương và Thái Bình Dương với sức gió cấp 11. Song bằng tinh thần quả cảm, gan dạ, linh hoạt, thuyền trưởng Lã Văn Tám trực tiếp chỉ huy đưa “hải âu” vượt qua bão tố cập bến an toàn. Anh Tám kể lại: “Khi tàu gặp bão tố trên Đại Tây Dương, chúng tôi nín thở. Tất cả đều lo lắng cho an nguy của con tàu. Suốt quá trình chạy chống sóng là quá trình “cân não” với bão tố. Khi tàu ở vùng biển Caribe, thời tiết rét cắt da cắt thịt. Mặc dù đã có đầy đủ trang thiết bị sưởi ấm, song khi lên mặt boong, mọi người phải mím chặt môi gồng mình trước cái lạnh thấu xương. Hành trình trên vùng biển nước bạn, mọi quy định luật hàng hải tuân thủ nghiêm ngặt. Giữa biển khơi, hiểm nguy xảy ra bất ngờ khó lường trước được”.

Sau chuyến hải trình trở về, những người lính trên con tàu “hải âu” vẫn chưa hết “ấn tượng” về chuyến đi lịch sử vượt qua hơn nửa vòng trái đất. Khi tàu cập cảng, mọi người ôm chầm lấy nhau rơi nước mắt thở phào nhẹ nhõm. Thủy thủ Phan Anh Tuấn chia sẻ: “122 ngày hải trình là 122 ngày lo lắng. Nhiều đêm em mất ngủ vì trực ca, trực hàng hải. Lúc tàu gặp bão tố trên biển Đại Tây Dương, tất cả đều căng thẳng, lo lắng nhưng vững niềm tin tàu sẽ cập bến an toàn. Trên biển, mình nhỏ bé như hạt cát nhưng tinh thần lại kiên cường, mạnh mẽ như trước khi vào trận đánh vậy. Càng khó khăn, càng vững niềm tin để chiến thắng”.

Tàu buồm Lê Quý Đôn và niềm tự hào của những người lính trẻ.  Ảnh: T. Thiết
Tàu buồm Lê Quý Đôn và niềm tự hào của những người lính trẻ. Ảnh: T. Thiết

Tàu buồm Lê Quý Đôn được cán bộ, chiến sĩ và học viên Học viện Hải quân Nha Trang (Khánh Hòa) gọi là là “tàu 8x”, bởi 80% cán bộ, thủy thủ trên tàu sinh vào những năm 1980, 5 thủy thủ thế hệ 9x và hầu hết đều đọc thông viết thạo tiếng Anh, đặc biệt là tiếng Anh chuyên biệt về tàu biển và hàng hải biển quốc tế. Thượng úy Nguyễn Thanh Lý, Trưởng ngành thông tin, ra-đa cho biết, tiếng Việt chỉ sử dụng khi tàu ở Việt Nam, cập cảng, còn khi hải trình thì hầu hết anh em nói tiếng Anh, vừa là quy định, vừa để rèn luyện bản lĩnh và khẩu ngữ

Trung úy Nguyễn Trọng Hiếu, phó thuyền trưởng tàu buồm Lê Quý Đôn, cho biết: “Khác với tàu chiến đấu, tàu vận tải, được công tác ở tàu thuyền buồm là niềm vinh dự lớn đối với tôi. Ngoài nhiệm vụ quân sự, mỗi thủy thủ phải luôn nỗ lực học tập Luật hàng hải quốc tế, tiếng Anh, trau dồi bản lĩnh chính trị và luôn sẵn sàng xuất phát đi biển trong mọi điều kiện thời tiết, tình huống. Trong bất kỳ nhiệm vụ nào, đều phải tự tin, hoàn thành nhiệm vụ”. Còn Thượng sĩ Trần Văn Hiệu, học viên thực tập trên tàu thuyền buồm, tâm sự đầy tự hào: “Em được biên chế về tàu buồm thực tập và tham gia chuyến hải trình từ Ba Lan về Việt Nam. Đó là một niềm vinh dự lớn. Mỗi khi tàu xuất phát ra khơi là niềm vui dâng tràn. Tất cả thủy thủ đều mong muốn được huấn luyện, thực hiện những chuyến hải trình trên con tàu lãng mạn này và luôn sẵn sàng cống hiến sức mình bảo vệ biển đảo Tổ quốc”.

Tàu buồm Lê Quý Đôn do Ba Lan đóng ngày 2-4-2014, hạ thủy ngày 1-6-2015. Tàu có ba cột buồm với tổng diện tích 1.400 m2, lượng giãn nước 857 tấn, dài 67 m, rộng 10 m, chiều cao cột buồm 40 m, mớn nước 3,6 - 5,75 m. Tàu được trang bị hệ thống điện tử, hệ thống hàng hải hiện đại. Thủy thủ biên chế trên tàu là 30 người và có thể mang thêm tới 80 học viên thực hiện huấn luyện đi biển dài ngày.

Mai Thắng


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.