Những "Yết Kiêu" thời hiện đại
Trong bất cứ nhiệm vụ nào, dù lặn sâu dưới đại dương nghiên cứu quy luật dòng chảy hoặc tìm kiếm cứu nạn; dù huấn luyện chiến đấu hay bí mật làm nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền; dù đối mặt với hiểm nguy hay lúc thảnh thơi sau những giờ phút nhọc nhằn căng thẳng, cán bộ, chiến sĩ Đoàn đặc công 5 Bộ Tư lệnh Đặc công cũng luôn khắc trong tim mình hoàn thành nhiệm vụ bằng mọi giá dù phải hy sinh. Họ được ví như những “Yết Kiêu” thời hiện đại…
Một ngày lặn biển
Sau hai ngày đêm hải trình liên tục, con tàu nhỏ bé đã đưa cán bộ, chiến sĩ Liên đội 7 Đoàn đặc công 5 đến Nhà giàn Tư Chính để nghiên cứu quy luật dòng chảy - công việc mà họ gắn bó cả đời quân ngũ với sóng gió và đại dương. Trung tá Vũ Văn Sáng, Chính trị viên Liên đội 7 cười hiền để lộ hàm răng trắng: “Đặc công nước khác gì rái cá. Sống trên bờ nhưng làm việc dưới biển. Nghề này gọi là nghề đặc biệt nguy hiểm đến tính mạng nhưng cũng rất vinh dự, tự hào bởi chúng tôi góp phần bảo vệ an ninh, xây dựng các công trình lâu dài trên biển hoặc cứu nạn máy bay, tàu chìm”.
Những “Yết Kiêu” Đoàn Đặc công 5 huấn luyện trên biển. Ảnh: M. Thắng |
Một ngày làm việc nghiên cứu quy luật dòng chảy dưới đáy đại dương ở vùng biển DK1 của cán bộ, chiến sĩ Liên đội 7 bắt đầu bằng màn “khởi động” - công đoạn không thể thiếu trước khi lặn biển. Những chiến sĩ “da bánh mật, tóc rễ tre” cởi trần trùng trục xếp hai hàng trên sàn cập tàu chạy vận động nâng đùi, gập bụng, bẻ cổ tay, “trồng chuối” để lưu thông khí huyết. Theo Trung tá Sáng, trước khi xuống biển phải vận động toàn thân, càng vận động kỹ càng tốt bởi khi lặn ở đáy biển, áp lực của nước rất lớn, nếu không khởi động kỹ sẽ không đủ nội lực để làm việc ở độ sâu 30 - 40 mét nước cả giờ đồng hồ. “Ở dưới lòng biển, dòng chảy mạnh, sức ép rất lớn, có thể bị ù tai, chảy máu mũi, đặc biệt là tê liệt chân tay, mất khả năng cơ động. Do vậy khởi động là một khâu bất di bất dịch, mọi chiến sĩ đều phải tuân thủ nghiêm ngặt”, anh Sáng cho biết.
Sau khi khởi động đạt chuẩn, tất cả mặc áo nhái đeo bình ôxy chờ lệnh sẵn sàng. Trung tá Sáng đi kiểm tra lần cuối kỹ thuật thắt dây, mặt nạ, đeo bình ôxy của từng người một. “Xuất phát” - lệnh người chỉ huy vừa phát ra, 5 “rái cá” cầm dây dẫn lao xuống biển, lặn sâu xuống đại dương. Trên sàn cập tàu, 5 “rái cá” khác mỗi người cầm dây dẫn ôxy thả dần xuống biển, đồng thời chăm chú theo dõi kim chỉ đồng hồ đo nhịp áp trên máy. Ai cũng tỏ ra căng thẳng, lo lắng. “Rái cá” Nguyễn Văn Bằng bảo: “Nhìn mặt biển bình lặng thế thôi chứ dưới lòng đại dương là cả một thế giới khác với rất nhiều hiểm nguy như: vách núi nhọn hoắt lởm chởm, bị hà cứa ống, gặp cá mập, hoặc bị kẹt trong vách san hô. Khi các anh ngoi lên mặt biển mới chỉ đạt an toàn 80% vì có khi ở dưới đáy biển không bị ép nước nhưng vừa ngoi lên mặt nước thì bị “sốc”. Lúc đó, phải có lực lượng túc trực nhanh chóng giảm áp, hô hấp và cấp cứu”.
Nửa thế kỷ ra đời, xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, Binh chủng Đặc công không ngừng phát triển lớn mạnh, lập nên nhiều kỳ tích huyền thoại đáng tự hào. Thế hệ cán bộ, chiến sĩ Đặc công hôm nay đang tiếp sức tuyền thống bằng nâng cao chất lượng huấn luyện, trau dồi bản lĩnh chính trị vững vàng, sẵn sàng chiến đấu hy sinh vì Tổ quốc, tô thắm thêm 16 chữ vàng “Đặc biệt tinh nhuệ, anh dũng tuyệt vời, mưu trí sáng tạo, đánh hiểm thắng lớn”. |
Sau 30 phút dưới lòng đại dương, 5 “rái cá” ngoi lên mặt biển. Câu đầu tiên họ nói với lên sàn cập tàu là “an toàn nhé” và không quên đưa tay ra hiệu “bình an”. Chiến sĩ Phan Văn Hiệp, một “rái cá” có thâm niên 15 năm lặn biển da đen nhánh cười hiền: “Trước khi vào bộ đội đặc công em đã làm nghề đi biển lặn bắt hải sâm. Ở vùng biển DK1 này nhiều chỗ em thuộc như lòng bàn tay. Giỏi lặn mấy nhưng khi xuống biển cũng rất cẩn thận bởi mỗi lần lặn cũng giống như mình đang vào một trận chiến đấu”.
Những người đặc biệt
Nếu cán bộ, chiến sĩ đặc công được gọi là đội quân tinh nhuệ bậc nhất trong hàng ngũ quân, binh chủng thuộc Quân đội Nhân dân Việt Nam thì đặc công nước gọi là những người đặc biệt. Ngoài những tiêu chí phẩm chất chính trị, các anh phải bảo đảm khắt khe ba yếu tố cơ bản: Sức khỏe, bản lĩnh và chấp nhận hy sinh. Vì vậy, quy trình tuyển quân vào đặc công nước khắt khe hơn tuyển chọn phi công hoặc lính tàu ngầm. Anh Nguyễn Văn Bằng giải thích: “Nếu không có sức khỏe “loại siêu” thì không thể đủ sức lặn ở độ sâu 40 mét trong điều kiện dòng chảy, sức nước ép mạnh. Phải có bản lĩnh vững vàng, vì dưới biển nhiều tình huống bất ngờ xảy ra, ví dụ bị cá mập tấn công thì phải biết bình tĩnh quăng túi mật, nhanh chóng thoát ra khỏi vùng nguy hiểm. Bên cạnh đó, phải chuẩn bị tâm lý sẵn sàng hy sinh vì đây là nghề đối mặt nguy hiểm. Một năm chúng tôi làm việc trên biển chủ yếu vào hai mùa biển lặng. Có thời gian đi biển ba tháng ròng rã, khi về vợ con nhận không ra vì đen quá”.
Theo Trung tá Vũ Văn Sáng, phẩm chất chính trị là tiêu chí hàng đầu của mỗi chiến sĩ đặc công vì làm nhiệm vụ ở đảo Trường Sa, DK1 liên quan đến an ninh quốc gia, nhất là những nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền. Tất cả phải tuyệt đối bí mật. Có sĩ quan nhà ở cạnh đơn vị, nhưng có lệnh là lên đường, nhiều khi không kịp về thăm vì an toàn bảo mật của nhiệm vụ.
Huấn luyện bơi biển. Ảnh: Trọng Thiết |
Cũng như những “chân đồng, vai sắt” trên rừng núi, biên cương, những “rái cá” sống trên đất liền, làm việc dưới đại dương kiêu hãnh vì đã góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo, thiêng liêng của Tổ quốc. Trung tá Vũ Văn Sáng tự hào, bản thân anh vừa là “Yết Kiêu” biển đảo, vừa là người truyền sức mạnh tinh thần và lòng quả cảm cho cán bộ, chiến sĩ. Còn “rái cá” Nguyễn Văn Bằng thể hiện niềm tin của thế hệ đi sau bằng cách hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao. Tất cả họ đều một lòng phụng sự Tổ quốc, xây dựng Binh chủng Đặc công tinh nhuệ chính quy hiện đại.
Tuấn Cường
Ý kiến bạn đọc