Multimedia Đọc Báo in

Người chỉ huy mẫu mực

09:58, 27/10/2018

Gắn bó với con đường binh nghiệp từ năm 18 tuổi đến nay, Thượng tá Trần Đình Huấn, Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy Quân sự huyện Krông Búk đã có 36 năm tuổi quân.

Trên các chặng đường, nhiệm vụ đã từng kinh qua đều lưu lại những kỷ niệm khó phai, nhưng ông nhớ nhất là khoảng thời gian thực hiện nghĩa vụ quốc tế giúp nước bạn Campuchia ở Mặt trận 579. “Nhọc nhằn, đau thương, gian nan đều có cả, nhưng nhiệm vụ ấy với người lính chúng tôi cũng hết mực vinh quang và đầy tự hào”, ông tâm sự.

Đó là vào mùa khô năm 1987, ông được giao nhiệm vụ Tổ trưởng tổ đài quan sát pháo binh (Trung đoàn pháo binh 729, Sư đoàn 315) tại điểm cao 555 (ngã ba biên giới Campuchia – Lào – Thái Lan). Sau nhiều ngày đêm quan sát mục tiêu ở khu vực có địa hình rất phức tạp, ông cùng đồng đội phát hiện phía địch có khá nhiều ánh đèn ô tô thường xuyên ra vào một vị trí. Qua phân tích, theo dõi, Tổ xác định đây là điểm tập kết vật chất, trang bị hậu cần, kỹ thuật của địch, nên lập tức tác nghiệp bản đồ, xin ý kiến và được chỉ huy nhất trí… Nhờ có sự chuẩn bị đúng, trúng và kịp thời, chỉ sau khoảng 15 phút, mục tiêu bị Trung đoàn tiêu diệt hoàn toàn. Do thiệt hại quá nặng nề, địch đã tăng cường máy bay trực thăng quan sát và pháo binh ngày đêm bắn phá ác liệt dọc tuyến đường biên, đặc biệt điểm cao 555 buộc Tổ đài phải di chuyển đến điểm cao 600 m để tiếp tục nhiệm vụ. Sau nhiều lần phải đương đầu với hiểm nguy, ông bị thương, buộc phải đưa về tuyến sau để điều trị. Nhưng vết thương vừa kịp lành, ông đã nhanh chóng quay lại vị trí chiến đấu, tiếp tục cùng đồng đội thực hiện nghĩa vụ quốc tế cao cả…

Thượng tá Trần Đình Huấn.
Thượng tá Trần Đình Huấn.

Đã được trui rèn bản lĩnh trong thời chiến, nên khi trở về quê hương, người thương binh hạng 4/4 Trần Đình Huấn tiếp tục gắn bó với con đường binh nghiệp. Nhận công tác tại Ban Chỉ huy Quân sự huyện Krông Búk từ năm 2009 đến nay, ông đã có nhiều đóng góp cho địa phương, góp phần xây dựng lực lượng vũ trang huyện ngày càng vững mạnh. Trên cương vị là Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy Quân sự huyện, Thượng tá Trần Đình Huấn đã tham mưu cho Huyện ủy, UBND huyện về công tác quốc phòng, quân sự địa phương, xây dựng khu vực phòng thủ huyện vững chắc. Qua kiểm tra hằng năm, đơn vị đều được cấp trên đánh giá hoàn thành tốt nhiệm vụ, đặc biệt là công tác tham mưu, tác chiến, huấn luyện, xây dựng lực lượng và sẵn sàng chiến đấu có bước phát triển toàn diện và đạt 100% chỉ tiêu; việc điều chỉnh, bổ sung các kế hoạch dài hạn, ngắn hạn và công tác bảo đảm, tổ chức luyện tập luôn được ông cùng tập thể Đảng ủy, Ban Chỉ huy Quân sự huyện quan tâm, chú trọng thực hiện.  

Hằng năm, ông cùng Ban Chỉ huy tham mưu cho Hội đồng Nghĩa vụ Quân sự huyện chỉ đạo công tác tuyển chọn và gọi công dân nhập ngũ theo đúng luật định, bảo đảm chất lượng, hoàn thành tốt chỉ tiêu được giao. Bên cạnh đó, ông còn thường xuyên tham mưu, chỉ đạo kiện toàn Ban Chỉ huy Quân sự cấp xã, cơ sở tự vệ; triển khai làm tốt công tác tập huấn, chuẩn bị huấn luyện và tổ chức huấn luyện, diễn tập đúng thời gian, bảo đảm nội dung sát với tình hình thực tế.

Phát huy vai trò tiên phong, gương mẫu của người chỉ huy, Thượng tá Trần Đình Huấn luôn đi đầu trong thực hiện chỉ thị, nghị quyết của trên về xây dựng chính quy, rèn luyện kỷ luật và an toàn quân đội; qua đó, xây dựng lực lượng vũ trang huyện chấp hành nghiêm pháp luật Nhà nước, điều lệnh, điều lệ, kỷ luật quân đội. Đặc biệt, với sự đồng sức đồng lòng, cách làm khoa học, ông cùng tập thể Ban Chỉ huy Quân sự huyện đã xây dựng doanh trại đơn vị xanh, sạch, đẹp, tạo nên một diện mạo mới theo hướng chính quy…

Từ năm 2014 đến nay, Thượng tá Trần Đình Huấn thường xuyên được các cấp khen thưởng về thành tích hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Đặc biệt, tháng 7-2018, ông là một trong hai đại diện tiêu biểu của Quân khu 5 được bình chọn tham dự Hội nghị biểu dương người có công với cách mạng tiêu biểu toàn quốc năm 2018, bản thân ông được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tặng Bằng khen.

Quỳnh Anh


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.