Multimedia Đọc Báo in

Chiến sĩ biên phòng tận tụy vì dân

08:13, 28/02/2019

Bằng nhiều việc làm thiết thực, các chiến sĩ biên phòng đã nêu cao tinh thần trách nhiệm, gắn bó, giúp đỡ, hỗ trợ người dân, ghi dấu ấn sâu đậm trong lòng bà con nơi biên giới.

Quân y của buôn làng

“Quân y Trà” là tên gọi trìu mến mà người dân buôn Drang Phốk (xã Krông Na, huyện Buôn Đôn) dành cho Đại úy quân nhân chuyên nghiệp Phạm Văn Trà. Hơn 5 năm gắn bó với buôn làng, anh luôn nhiệt tâm, hết lòng chăm sóc sức khỏe cho những người dân nơi vùng biên giới khó khăn này.

Trạm Quân dân y kết hợp thuộc Đồn Biên phòng Sêrêpốk đứng chân ở buôn Đrang Phôk nằm trong vùng lõi Vườn Quốc gia Yok Đôn, gần như biệt lập với bên ngoài. Trước đây, khi chưa có Trạm Quân dân y kết hợp, người dân trong buôn phải vượt 20 km mới ra được Trạm Y tế xã để khám, chữa bệnh. Năm 2009, Trạm Quân dân y thành lập, người dân trong buôn phấn khởi, vui mừng vì đã có nơi khám bệnh ngay tại buôn và vui hơn bởi có những người lính quân y tận tụy, tận tâm như anh Trà. Bất kể thời tiết, đêm ngày, hễ ai có bệnh gọi là anh có mặt. Suốt 5 năm gắn bó cũng là từng đó thời gian chiếc túi quân y Biên phòng đã theo anh Trà đến từng nhà, thăm khám và chữa khỏi bệnh cho nhiều người dân Đrang Phôk.

Đại úy Phạm Văn Trà khám bệnh cho người dân buôn Đrang Phôk.
Đại úy Phạm Văn Trà khám bệnh cho người dân buôn Đrang Phôk.

Gần 90 tuổi đời, bà H’Brui không nhớ được đã bao nhiêu lần xin thuốc phòng khám quân dân y; chỉ một điều bà chắc chắn rằng mỗi khi đến phòng khám là bà luôn được chăm sóc tận tình. Còn ông Y Không H’wing đến giờ vẫn không hết cảm kích bởi chỉ cần gọi là “Quân y Trà” sẽ đến tận nhà thăm khám, cho thuốc mà không lấy bất cứ chi phí nào.

Với tâm niệm “dân khỏe – biên giới vững”, ghi tạc lời dạy của Bác Hồ “Lương y như từ mẫu”, người y sĩ Quân y biên phòng ấy đã thắp sáng ngọn lửa tin yêu của người dân vùng biên giới.

Người sĩ quan trẻ gương mẫu

Hơn 10 năm mang trên mình màu xanh áo lính, Đại úy Nguyễn Quý Sang, Đội trưởng vũ trang (Đồn Biên phòng Cửa khẩu Đắk Ruê) luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, nhiệt tình, hăng say trong công việc, sát cánh cùng đồng đội bảo vệ vững chắc biên giới.

Với tâm niệm “Cán bộ tốt thì phong trào đơn vị mới tốt”, Đại úy Nguyễn Quý Sang tôi luyện cho mình ý chí kiên cường, sẵn sàng đương đầu với khó khăn; việc gì anh cũng đi đầu, cùng với đồng đội khắc phục khó khăn hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao. Anh đã tham mưu cho cấp ủy, chỉ huy đơn vị xây dựng kế hoạch, triển khai thực hiện tốt nhiệm vụ huấn luyện, tích cực tham gia xây dựng Đảng bộ trong sạch vững mạnh, đơn vị vững mạnh toàn diện.

Đại úy Nguyễn Quý Sang (người đi đầu) cùng đồng đội trên đường tuần tra.
Đại úy Nguyễn Quý Sang (người đi đầu) cùng đồng đội trên đường tuần tra.

Bên cạnh nhiệm vụ chuyên môn, anh Sang còn là Phó Bí thư Đoàn cơ sở Đồn Biên phòng Cửa khẩu Đắk Ruê. Anh đã vận động đoàn viên, thanh niên đơn vị tham gia nhiều hoạt động thiết thực, ý nghĩa như: nhận phụng dưỡng Mẹ Việt Nam Anh hùng Dương Thị Liễu tại xã Ea Bung (huyện Ea Súp); đỡ đầu giúp đỡ hai học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn tại xã Ea Bung (huyện Ea Súp); xây dựng phong trào“Hũ gạo tiết kiệm”…

Với những thành tích trong công tác, Đại úy Nguyễn Quý Sang đã được tặng thưởng nhiều danh hiệu tiêu biểu như 5 năm liền đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở (từ năm 2014 - 2018); Bằng khen của Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng trong thực hiện nhiệm vụ huấn luyện giai đoạn 2011 - 2015; Bằng khen của Tỉnh ủy trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh giai đoạn 2016 - 2018; Gương mặt trẻ tiêu biểu trong lực lượng Bộ đội Biên phòng tỉnh nhiều năm liền…

“Thượng tá xe đạp” gắn bó với học sinh nghèo

Năm 2013, Thượng tá Nguyễn Hữu Phúc được điều động về làm cán bộ tăng cường xã Ea Bung (huyện Ea Súp), tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương thực hiện nhiệm vụ đảm bảo an ninh - quốc phòng, phát triển kinh tế - xã hội. Hình ảnh các em học sinh hằng ngày phải đi bộ hơn 10 km đến trường, mồ hôi và bụi đất đỏ bám đầy quần áo khiến anh trăn trở. Những lần tranh thủ về thăm gia đình tại TP. Buôn Ma Thuột, biết trong khu phố có một số hộ gia đình có xe đạp cũ không dùng đến, anh đã bỏ tiền lương ra mua lại, hoặc xin lại mang vào nơi công tác, mua phụ tùng để sửa chữa tươm tất rồi tặng cho những em học sinh có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn. Hành động đó khiến bà con địa phương cảm kích, trìu mến gọi anh là “Thượng tá xe đạp”.

Anh Nguyễn Hữu Phúc tặng quà cho gia đình cháu Vi Thị Nương ở thôn 11, xã Ia R'vê (huyện Ea Súp).
Anh Nguyễn Hữu Phúc tặng quà cho gia đình cháu Vi Thị Nương ở thôn 11, xã Ia R'vê (huyện Ea Súp).

Từ năm 2013 đến 2018, anh Phúc đã bỏ tiền lương mua lại, sửa chữa và vận động các nhà hảo tâm hỗ trợ trao tặng 102 chiếc xe đạp tặng cho học sinh vùng biên giới. Tháng 11-2017, trong Lễ tuyên dương Chiến sĩ biên phòng có những đóng góp trong sự nghiệp “trồng người” tại Hà Nội, anh đã được Bộ trưởng Bộ GD-ĐT tặng Bằng khen vì đã có thành tích xuất sắc góp phần phát triển giáo dục tại vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới của Tổ quốc.

Cuối năm 2018, Thượng tá Nguyễn Hữu Phúc nghỉ hưu sau hơn 30 năm công tác. Nhưng, bằng tình cảm với nhân dân vùng biên, nhất là với học sinh nghèo, anh lại gom góp tiền lương hưu cùng với những người bạn hảo tâm mua quà, đồ dùng học tập miệt mài vượt gần 100 km từ TP. Buôn Ma Thuột đến các xã Ea Bung, Ia R’vê (huyện Ea Súp) tặng cho học sinh nơi đây. Kết thúc chuyến đi, anh Phúc tâm sự: “Ngoài tặng quà và vật dụng phục vụ học tập, chúng tôi còn nhận hỗ trợ 11 cháu học sinh với số tiền hằng tháng là 200.000 đồng/cháu với hy vọng các cháu bớt khó khăn, vươn lên trong học tập. Tôi sẽ cố gắng nhiều hơn để hành trình đến trường của các cháu học sinh nơi đây không phải dừng lại giữa chừng”.

Ngọc Lân - Việt Đức


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.